1,3 tỷ người bị cấm cửa trong 21 ngày liên tiếp, Ấn Độ đối mặt thách thức gì khi làm điều chưa từng có trong lịch sử

28/03/2020 20:00 PM | Xã hội

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh đóng cửa cả đất nước với dân số 1,3 tỷ người, tương đương 1/5 dân số thế giới, nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Dù được gọi là táo bạo hay rủi ro, động thái mà ông Modi tiến hành là điều thế giới chưa từng được chứng kiến. Người ta từng rúng động khi Trung Quốc phong tỏa tỉnh Hồ Bắc với dân số hơn 60 triệu người để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, con số đó sẽ chẳng là gì nếu so sánh với 1,3 tỷ dân của người Ấn.

 Những gì Ấn Độ đang làm được mô tả là sự phản ứng sớm trước khi hệ thống y tế nước này trở nên quá tải, điều sẽ khiến dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát. Nếu Ấn Độ thành công, tác động của nó tới thế giới sẽ vô cùng lớn. Tuy nhiên, rủi ro khôn lường dẫn tới việc nhiều người không thể tiếp cận được hệ thống y tế khẩn cấp vì các căn bệnh khác cũng là điều đã được tính tới.

Bài toán khó từ nguồn lực và thể chế

Ấn Độ có 724 trường hợp dương tính với Covid-19. Các chuyên gia dịch tễ lo ngại con số này có thể tăng lên trong vài tuần tới, đưa ra một thách thức chưa từng có với hệ thống y tế của nước này. Trung Quốc, nơi có hơn 80.000 ca nhiễm bệnh với phần lớn đã được chữa khỏi, cũng đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng lên từ những người nước ngoài trở về.

"Nếu việc cách ly phát huy hiệu quả, toàn bộ công lao sẽ thuộc về chính phủ. Tuy nhiên, nếu thất bại, mọi trách nhiệm cũng sẽ thuộc về ông Modi và bộ máy điều hành đất nước của ông. Không cần thiết phải đánh bạc như thế", T. Jacob John, nhà virus học cấp cao và là cố vấn của chính phủ Ấn Độ cho biết. Ông John từng cảnh báo rằng nếu tỷ lệ lây nhiễm là 10%, Ấn Độ sẽ có 130 triệu người nhiễm bệnh.

 1,3 tỷ người bị cấm cửa trong 21 ngày liên tiếp, Ấn Độ đối mặt thách thức gì khi làm điều chưa từng có trong lịch sử  - Ảnh 1.

Dù phong tỏa khi dịch bệnh đã bùng lên, muộn hơn so với Ấn Độ, nhưng Trung Quốc có thể huy động tất cả các cấp chính quyền vào chống dịch. 2.000 lao động nhập cư đã xây dựng 2 bệnh viện mới với tổng số 2.600 giường bệnh chỉ trong 10 ngày. Các sân vận động, văn phòng, khách sạn đều biến thành nơi cách ly.

Trung Quốc cũng đã điều hàng nghìn bác sĩ từ các nơi vào tâm dịch Hồ Bắc để điều trị cho những người mắc bệnh. Người dân tuân thủ quy định ở trong nhà để ngăn dịch bệnh lây lan. Các nhà mạng tuân thủ yêu cầu của chính phủ trong việc theo dõi việc đi lại của người dân ở tâm dịch Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Công nghệ nhận diện khuôn mặt và đo thân nhiệt tự động được trang bị ở mọi nơi.

Ấn Độ sẽ không có những điều này. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ giường bệnh là 4,3 giường/1.000 dân trong khi con số này ở Ấn Độ chỉ là 0,5. Dân Ấn Độ cũng nghèo hơn, mật độ sống dầy hơn và bị ô nhiễm tồi tệ hơn, khiến mọi người dễ mắc các bệnh về phổi. Đó là thách thức lớn của Chính quyền Thủ tướng Modi.

Nỗi sợ của công chúng

Với hơn 1 thập kỷ điều hành bang Gujarat, Thủ tướng Modi dường như có thể làm việc tốt với các chính quyền tiểu bang. Tuy nhiên, ngay cả trong tuyên bố việc đóng cửa đất nước hôm thứ 3, ông Modi thất bại trong việc khẳng định người dân có thể mua hàng hóa và thuốc thiết yếu một cách đầy đủ. Điều này khiến lãnh đạo các tiểu bang phải căng bình xoa dịu nỗi sợ hãi của công chúng.

Và cho dù các tiểu bang có hợp tác mạnh mẽ với Chính phủ thì những vấn đề cũng nhanh chóng xảy ra. Xuất hiện báo cáo nói rằng cảnh sát đã đánh chết một người đàn ông rời nhà để mua đồ tạp hóa. Trong khi đó, nỗ lực của Ấn Độ trong việc tăng quy mô sẵn có của các thiết bị y tế quan trọng, bao gồm dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế, đang bị cản trở khi chính quyền địa phương thực hiện nghiêm ngặt việc đi lại của người dân.

 1,3 tỷ người bị cấm cửa trong 21 ngày liên tiếp, Ấn Độ đối mặt thách thức gì khi làm điều chưa từng có trong lịch sử  - Ảnh 2.

Chính phủ của ông Modi đã công bố kế hoạch chi tiêu 1.700 tỷ rupee, 22,6 tỷ USD để chống dịch, bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho người nông dân và lao động nhập cư cũng như cung cấp khí đốt miễn phí cho người nghèo. Tuy nhiên, lao động nhập cư và những người sống trong các khu ổ chuột là những người ít có cơ hội được đi lại nhất trong tình cảnh phong tỏa hiện nay.

Tại thủ đô New Delhi, truyền thông địa phương cho biết chủ đất đã xua đuổi đội ngũ y bác sĩ và những người làm trong hệ thống chống dịch vì lo sợ lây nhiễm. Điều này nghiêm trọng tới mức Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah và lãnh đạo thành phố Delhi Arvind Kejriwal phải lên tiếng kêu gọi ngừng các hành động tương tự.

Michael Kugelman, nghiên cứu viên về Nam Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết, những gì đang diễn ra làm nổi bật một thức tế rằng: Với một nền dân chủ lộn xộn, một nền tảng dân chủ lộn xộn, Ấn Độ không thể hành động nhanh chóng và mạnh mẽ như Trung Quốc trong việc yêu cầu người dân phải tuân thủ các quy định cách ly.

Căng thẳng còn nằm ở hệ thống cung cấp lương thực. Trung Quốc có cái gọi là "hành lang xanh" để đảm bảo các dịch vụ tạp hóa và siêu thị trực tuyến có thể cung cấp lương thực cho 1,4 tỷ người. Ấn Độ thì không. Họ dừng xe tải chở lương thực trên đường cao tốc, đóng cửa các nhà kho và nhà máy gạo. Các nhà bán lẻ trực tuyến thì phải vật lộn trong việc đưa hàng vào 29 bang và lãnh thổ của Ấn Độ vì lệnh đóng cửa.

Theo các nhà phân tích, Chính quyền ông Modi có vẻ đã làm tốt khi đóng cửa cả đất nước. Tuy nhiên, 21 ngày phong tỏa 1,3 tỷ dân là quá dài và họ còn một chặng đường rất dài phía trước. Những phát sinh ở thời điểm hiện tại mới chỉ được coi là bắt đầu.


 1,3 tỷ người bị cấm cửa trong 21 ngày liên tiếp, Ấn Độ đối mặt thách thức gì khi làm điều chưa từng có trong lịch sử  - Ảnh 3.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM