13 ngày khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc: Bệnh nhân cấp cứu không ai tiếp nhận, người ở lại kiệt sức đến cùng cực
Sau gần 2 tuần, căng thẳng giữa tập thể các bác sĩ nội trú và Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ khi các bác sĩ nội trú (bác sĩ thực tập) tại Hàn Quốc thực hiện chiến dịch đình công của mình để phản đối kế hoạch gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ.
Vào ngày 27/02, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra thời hạn chót cho các bác sĩ nội trú quay trở lại làm việc là hết ngày 29/02. Tuy nhiên, tính đến hết 29/02, mới chỉ có khoảng hơn 500 bác sĩ nội trú quay trở lại bệnh viện, chiếm 6% trong tổng số hơn 10.000 người đình công.
Việc thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng đã đẩy ngành y Hàn Quốc vào khủng hoảng ở mức cao nhất, đồng thời khiến các bệnh viện tại quốc gia này quá tải, bệnh nhân và cả bác sĩ - y tá rơi vào tình trạng báo động.
Bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời
Do tình hình quá tải, riêng các bệnh viện lớn ở Seoul đã phải hủy từ 30 đến 50% số ca phẫu thuật. Mặc dù vậy, các bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng bị bệnh viện từ chối điều trị và không được cấp cứu kịp thời.
Theo SBS và các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, một cụ bà 80 tuổi ở Daejeon bị suy giảm nhận thức đã được đưa lên xe cấp cứu trong tình trạng ngừng tim vào ngày 23/02. Tuy nhiên, bà lần lượt bị 7 bệnh viện từ chối với các lý do như không đủ giường, thiếu bác sĩ, không có khả năng điều trị cho bệnh nhân nặng... Vì bị từ chối và không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân này đã qua đời sau 10 phút đến được một bệnh viện thuộc trường đại học.
Trong khi đó, một bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn 3. Hai tháng sau khi anh ngừng hóa trị, các tế bào ung thư đã di căn đến gan và được đặt lịch phẫu thuật vào hôm 21/02. Tuy nhiên, kế hoạch phẫu thuật cũng bị lùi lại do cuộc đình công. Vì vậy, anh lo lắng rằng tình trạng của mình ngày càng xấu đi và có thể khiến bệnh tình của anh ngày càng trầm trọng.
Trên các diễn đàn trực tuyến, cư dân mạng Hàn Quốc cũng kể lại trải nghiệm bị bệnh viện hoãn lịch phẫu thuật, bị các bệnh viện từ chối điều trị và bị chuyển đến những bệnh viện tuyến 2 không có đủ cơ sở vật chất.
"Mẹ chồng tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu. Ban đầu bà dự kiến sẽ phẫu thuật vào tháng 3 năm nay, nhưng không ngờ vì làn sóng đình công, cuộc phẫu thuật đã bị hoãn vô thời hạn." - một người cho biết.
Bác sĩ kiệt quệ
Liên tục tăng ca, đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc và không có thời gian nghỉ ngơi, chính các bác sĩ và y tá tại bệnh viện cũng đang kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần.
Vào ngày 27/02, Cho Yong-soo, giáo sư cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam, đã đăng trên mạng xã hội: "Xin hãy chấm dứt tình trạng này. Tôi cảm thấy như cổ mình đang tan chảy." - anh viết.
Một giáo sư tại một bệnh viện đa khoa cấp ba ở khu vực thủ đô cho biết: "Mọi người đều phàn nàn về tình trạng kiệt sức. Các khoa phẫu thuật có thể kiểm soát khối lượng công việc bằng cách hoãn phẫu thuật nhưng các khoa nội không thể tránh khỏi việc tiếp quá tải bệnh nhân, vì vậy chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc cho những khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài do cuộc đình công gây ra với ngành y tế Hàn Quốc, chính phủ nước này vẫn đang có động thái cứng rắn và tuyên bố sẽ thu hồi giấy phép hành nghề với những bác sĩ cũng như truy tố các cá nhân đứng đầu các Hiệp hội Y khoa. Để phản đối, Korea Times cho biết khoảng 20.000 bác sĩ dự kiến sẽ tham gia vào cuộc biểu tình công khai vào hôm nay (03/03).
Nguồn: Korea JoongAng Daily