11 kiến nghị từ VCCI gửi Chính phủ nhằm “cứu” cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế: Không thanh kiểm tra, không tăng lương tối thiểu, dừng thu phí công đoàn...
Trong hội nghị trực tuyến diễn ra vào 3/4, Chủ tịch VCCI đã ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp và đề nghị 11 điều cần khẩn trương thực hiện.
Chiều ngày 3-4, gần 100 lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham gia hội nghị trực tuyến "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì.
Sự kiện được tổ chức nhằm ghi nhận, tổng hợp những vấn đề, khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị Chính phủ tìm hướng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
80% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đánh giá cao những nỗ lực của của cộng đồng doanh nghiệp: "Nhiều doanh nghiệp đang là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến này để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp đang là một chiến sĩ trong công cuộc chống dịch."
Tuy nhiên, hội nghị cũng nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Theo khảo sát của VCCI, trên 80% doanh nghiệp cho biết, doanh thu của họ trong năm nay sẽ suy giảm so với năm ngoái.
Cụ thể, tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30%-50%. Cá biệt, một số doanh nghiệp bị giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.
Ảnh minh họa (Zing.vn)
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết, do ảnh hưởng của dịch sẽ có 90% số doanh nghiệp chịu tác động theo từng mức độ khác nhau. Một số nhà nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đưa ra lệnh tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm do dịch bệnh. Thậm chí, đã có đối tác cắt hoàn toàn các đơn hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp Việt. Với ngành dệt may, dự kiến tăng trưởng có thể giảm khoảng 14%.
Ngoài áp lực doanh thu, doanh nghiệp cũng kể khó về vấn đề tài chính khi lãi vay tính từng ngày, các khoản chi cố định như chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa vẫn phải trả.
VCCI hiến kế
Sau khi ghi nhận và tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đề nghị:
Một là, cho phép và tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp tục sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Cho phép hoạt động trở lại các doanh nghiệp sản xuất và các công trường xây dựng đang bị đình chỉ hoạt động do bị hiểu sai lệnh yêu cầu cách ly của Thủ tướng ở một số địa phương.
Hai là, Chính phủ cần công bố danh mục các mặt hàng thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông các mặt hàng này cùng hàng hoá dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi cung ứng, ngay cả trong trường hợp phải siết chặt các biện pháp cách ly và phong toả.
Ba là, thực hiện triệt để chỉ đạo của thủ tướng, không thanh kiểm tra doanh nghiệp trong thời điểm này. Chuyển mạnh tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bốn là, với ngân hàng thương mại, đề nghị không chỉ tái cơ cấu nợ, giảm chi phí cho vay, không thu phí dịch vụ với khoản giao dịch nhỏ, mà cần phấn đấu giảm lãi suất cho vay thêm 2% - 2,5% cho từng nhóm khách hàng trong thời gian dịch bệnh.
Năm là, với ngành tài chính, VCCI đề nghị không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế thuế như hiện nay, mà còn cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và một số loại thuế và phí khác.
Sáu là, về lao động, tiền lương, đề nghị không tăng lương tối thiểu trong năm 2021 và dừng thu phí công đoàn đến hết năm 2020, giảm mức phí công đoàn từ 2 xuống còn 1% ít nhất trong các năm 2020, 2021. Cùng với đó, dừng và giảm thu của quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống 0,5% trong ít nhất trong thời hạn 6 đến 12 tháng.
Đồng thời, đề nghị dùng quỹ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động khi người lao động phải nghỉ việc vì thiếu việc làm. Đồng thời cũng dùng quỹ kết dư này cộng với nguồn của ngân hàng chính sách xã hội có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%, hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, có thể cho phép thực hiện chế độ tiền lương linh hoạt hơn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Bảy là, về lĩnh vực logistics, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho biết nên giảm phí cảng biển về mức 50% và đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với các hãng tàu nước ngoài yêu cầu giảm thu các phụ phí quá cao và bất hợp lý như hiện nay. Trong lĩnh vực vận tải đường bộ đề nghị giãn thời gian thu phí để giảm chi phí BOT.
Tám là, trong lĩnh vực du lịch, cho phép dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2020 để có thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoặc giảm 50% tiền ký quỹ du lịch trong các năm 2020, 2021. Nghiên cứu giảm tiền thuế đất cho các ngành khách sạn và các ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Chín là, thực thiện nhanh Chính phủ điện tử và thúc đẩy cải cách thể chế, giảm mạnh và đơn giản hóa thủ tục.
Mười là, "cần phải có chủ trương chính sách để đón đầu cơ hội trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Trong đó thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ là những hướng đi quan trọng. Chắc chắn chính sách phát triển của các quốc gia sau đại dịch cũng sẽ chuyển dịch nhiều hơn theo hướng này, và Việt Nam không phải ngoại lệ", Chủ tịch VCCI cho biết.
Cơ quan này cũng nhận định một điểm rất yếu của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài cả ở đầu ra của sản phẩm, dịch vụ và đầu vào nguyên liệu, vật tư, thiết bị cho sản xuất.
Cuối cùng, về phía cộng đồng doanh nghiệp, đề nghị phải thực hiện ngay các giải pháp cắt giảm chi phí, chú trọng khai thác thị trường trong nước, tăng cường liên kết và phát triển thị trường nội bộ. Hơn lúc nào hết, liên kết doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Đồng thời, tranh thủ đào tạo lại nhân viên.