10 năm qua, Hà Nội đã lấp một nửa ao hồ, gây úng ngập nghiêm trọng

30/07/2018 11:09 AM | Xã hội

Đáng chú ý là số điểm úng ngập đang có nguy cơ lan rộng tại các khu đô thị mới-nơi lẽ ra hạ tầng thoát nước phải được quy hoạch, xây dựng bài bản

Trận mưa trên diện rộng ngày 21/7 vừa qua làm ngập úng cục bộ nhiều khu vực tại nội đô cho thấy, Hà Nội vẫn rất khó khăn trong việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn. Điều đáng chú ý là số điểm úng ngập lại đang có nguy cơ lan rộng tại các khu đô thị mới-nơi đáng lẽ ra hạ tầng thoát nước phải được quy hoạch, xây dựng bài bản.


Các trận mưa vừa qua cho thấy, tâm điểm xảy ra úng ngập ở Hà Nội giờ đây không phải là các khu vực nội đô cũ như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình mà là tại các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và một số huyện ven đô. Đơn cử như tại quận Hà Đông, các trận mưa đầu mùa năm nay đã nhấn chìm nhiều tuyến phố, gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Các điểm thường xuyên bị úng ngập là Khu vực hồ Văn Quán, La Khê, khu đô thị Văn Phú, Khu đô thị HH2 Xuân Mai - HH2 Dương Nội...

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó phòng phụ trách, Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội lý giải: “Các khu vực bên ngoài sông Tô Lịch như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm nằm ngoại phạm vi triển khai dự án thoát nước Hà Nội. Khu vực này trước đây chủ yếu là tiêu thoát nước cho nông nghiệp. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tương đối nhanh, các công trình đầu mối chưa đáp ứng yêu cầu nên thường xảy ra úng ngập”.

Nhận định của các chuyên gia cho rằng, việc đô thị hóa quá nhanh là căn nguyên của tình trạng úng ngập lan rộng. Nghịch lý là nhiều ao hồ không những không được bảo vệ mà còn bị san lấp, biến thành các công trình, dự án, chung cư cao tầng....

Thống kê cho thấy, sau hơn 10 năm, tổng diện tích mặt nước tại Hà Nội (không kể Hồ Tây) đã giảm khoảng 50%. Việc ngập úng nặng tại Hà Nội thời gian qua, ngoài nguyên nhân thời tiết thì việc quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu.

PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Đại học Thủy Lợi nhận định, việc mất đi các vùng đất trũng và hồ điều hòa tác động lớn đến khả năng tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố: “Hà Nội đô thị hóa quá nhanh, quá mạnh cho nên diện tích không thấm tăng lên, đặc biệt với những vùng đất trũng và hồ điều hòa trước đây thì bây giờ bị lấp, bị xâm chiếm không đảm bảo diện tích tự nhiên khoảng 5 - 7% đối với quy hoạch đô thị”.

Thực tế cho thấy tại các quận như Hà Đông, Nam Từ Liêm… đang là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố, với việc hình thành nhiều khu đô thị mới. Song, điều đáng nói là cốt nền tại các khu đô thị mới này lại không đồng nhất, khu vực xây dựng sau thường cao hơn khu vực trước, thậm chí nhiều tuyến đường mới cốt nền cao hơn nhà dân, gây tình trạng ngập cục bộ. Trong khi đó, Dự án thoát nước giai đoạn I, giai đoạn II mà thành phố Hà Nội vừa triển khai lại không với tới các khu vực đô thị mới này.

Ông Bùi Ngọc Uyên, Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội nói: “Các quận mới thuộc khu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu Bây đang bắt đầu cải tạo một số dự án nhỏ lẻ, tuy nhiên chưa có dự án quy mô nào lớn. Thoát nước chủ yếu vẫn dựa vào các dự án cũ cũ lạc hậu, tự chảy là chính nên chưa thể đáp ứng yêu cầu thoát nước khi mưa lớn”.

Với những gì đang diễn ra sau các trận mưa lớn, nhất là tại các quận huyện phía Tây, Tây Nam thành phố, khu vực đô thị mới, rõ ràng, bài toán về thực trạng úng ngập trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa thể có câu trả lời. Trong đó, quy hoạch đô thị yếu kém, nhất là hệ thống tiêu thoát nước manh mún, thiếu kết nối được coi là căn nguyên cơ bản của thực trạng này./.

Theo Huy Nam

Cùng chuyên mục
XEM