10% ca bệnh diễn biến nặng, rất nặng

27/05/2021 08:46 AM | Xã hội

Bộ Y tế cho biết, từ ngày 28/4 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến rất nghiêm trọng. Cả nước ghi nhận gần 3.000 ca bệnh COVID-19 tại 30 tỉnh, thành phố, 9 trường hợp tử vong. Khoảng 10% ca bệnh có diễn biến nặng và rất nặng.

Ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia đã có công điện gửi Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, yêu cầu khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu đặc biệt là máy thở, hệ thống ôxy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh,thành phố và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị ca bệnh COVID-19.

Với các tỉnh,thành phố chưa phát hiện ca bệnh COVID-19, lập tức cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối (hoặc đào tạo trực tuyến). Đồng thời Thứ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và giám đốc các bệnh viện rà soát lại năng lực điều trị người bệnh COVID-19 của các bệnh viện trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly và điều trị người bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thay đổi chiến lược điều trị

Cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện trong địa bàn làm bệnh viện dã chiến (căn cứ theo quy mô dân số địa phương), trong đó có bố trí khu cấp cứu, hồi sức tích cực và chuẩn bị các trang thiết bị, khí y tế và các điều kiện khác. Bộ Y tế đề nghị Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện; chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị các ca bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo giao Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Chợ Rẫy... là những nơi rất mạnh về hồi sức tích cực hỗ trợ Bắc Giang điều trị bệnh nhân nặng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, Việt Nam vẫn đang làm chủ được tình hình. Dù vậy, do số lượng bệnh nhân tại các khu công nghiệp đông nên lực lượng điều trị cần cảnh giác, tập trung trí tuệ và các biện pháp, cố gắng giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất. Chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

“Khoảng 80% người mắc COVID-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng, cơ thể ít biến đổi. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng, cần phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao. Chúng tôi đã họp với GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia về Hồi sức tích cực để thảo luận, và sẽ sớm thống nhất, đưa ra các tiêu chí về nhịp thở, mạch, huyết áp... để có thể tiên lượng những ca có nguy cơ diễn biến nặng sớm nhất, kịp thời can thiệp điều trị, điều trị tập trung nhất để tránh nguy cơ tử vong”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Ngày 26/5, Bộ Y tế quyết định kết thúc thời gian cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại Kim Chung (Hà Nội) từ 08h00 ngày 26/5. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân đang điều trị, hạn chế tối đa sự lây lan của COVID-19 từ cộng đồng vào Bệnh viện, đơn vị này tiếp tục thực hiện áp dụng biện pháp cách ly y tế. Thời gian cách ly từ 8h00 ngày 26/5 đến 8h00 ngày 9/6. Như vậy, cán bộ và nhân viên phục vụ công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại cơ sở này tiếp tục ở lại viện thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị bệnh nhân.Hà Minh

Theo ông Khuê, trên thế giới cũng đã có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus đợt này. Tại Việt Nam, qua hội chẩn cũng cho thấy có những ca bệnh biến chuyển rất nhanh. Dẫn chứng từ thực tiễn các chuyên gia vừa hội chẩn một ca bệnh có nồng độ ôxy trong máu vẫn ở mức 99% nhưng nhịp thở tăng lên, khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy để trợ giúp. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh phác đồ, cảnh báo sớm cho thầy thuốc. Các trường hợp khoẻ mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác, đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát”, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị Lương Ngọc Khuê thông tin.

Từ thực tiễn điều trị bệnh nhân COVID-19 đợt dịch này, Cục trưởng cho hay ngành y tế đang xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng. Phương án này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn.

Theo Tiểu ban Điều trị, hiện các bệnh nhân COVID- 19 đang được điều trị tại 85 cơ sở y tế các tuyến trên cả nước; trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị nhiều nhất với 422 trường hợp. Tiếp đến, Bệnh viện dã chiến số 1 (tỉnh Bắc Ninh) điều trị 269 ca; Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang có 230 bệnh nhân; Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang điều trị 176 trường hợp; Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Giang điều trị 165 trường hợp…

Đến ngày 26/5, có 25 trường hợp nguy kịch, trong đó 21 bệnh nhân phải thở ôxy xâm nhập/ICU, 4 ca còn lại can thiệp ECMO. Có 96 bệnh nhân tiên lượng nặng; 102 bệnh nhân nặng, ngửi oxy; 14 bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập. Khoảng 1.450 bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng; 1.187 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nhẹ.

Hà Minh

Cùng chuyên mục
XEM