1 tháng ngồi ghế nóng Sacombank, ông Dương Công Minh đã làm được gì?
Từ đầu năm tới nay, chẳng cần phải có thống kê cụ thể nào cũng có thể kết luận được cái tên Sacombank của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín chắc chắn được nhắc tới nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.
Nếu như trước kỳ đại hội cổ đông, câu chuyện bao giờ ngân hàng sẽ tổ chức đại hội khi hết lần này đến lần khác báo hoãn; rồi khi nào mới được phê duyệt đề án tái cơ cấu; khi nào mới có kết quả kiểm toán của 2 năm vừa qua; nhà đầu tư nào được lựa chọn để tái cơ cấu; ai sẽ tạo nên đế chế mới thời kỳ "hậu Trầm Bê" ở Sacombank, là Đặng Văn Thành, Nguyễn Đức Hưởng, Dương Công Minh hay người nào khác…là những chủ đề được bàn đến rất nhiều.
Sau kỳ đại hội, khi mọi chuyện ngã ngũ, ông Dương Công Minh – chủ tịch của Tập đoàn Him Lam – bước vào Sacombank trên cương vị chủ tịch HĐQT ngân hàng lớn nhất nhóm cổ phần tư nhân, thì những thông tin về Sacombank lại càng dày đặc hơn. Và gần đây nhất, những ngày đầu tháng 8, thông tin về các cựu lãnh đạo nhà băng này bị khởi tố và bắt giữ càng khiến thị trường bàn tán nhiều hơn về Sacombank.
Trở lại với “đế chế” mới Dương Công Minh, sau 1 tháng ngồi trên ghế nóng chủ tịch, ông Minh cùng với bộ máy mới của Sacombank đang cho thấy những chuyển động hết sức đáng chú ý.
Thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao
Sau khi thay chủ tịch HĐQT, Sacombank cũng thay đổi Trưởng Ban kiểm soát, với ông Trần Minh Triết được giao nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2017-2021.
Sau 3 ngày có Hội đồng quản trị mới, Sacombank đã thay Tổng giám đốc. Ông Phan Huy Khang từ nhiệm và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – trước đó là phó tổng giám đốc phụ trách hoạt động xử lý nợ - lên nắm quyền Tổng giám đốc. Và chỉ sau 3 tuần, bà Diễm đã được NHNN phê duyệt chính thức trở thành Tổng giám đốc ngân hàng.
Ban điều hành mới của Sacombank còn có sự thay đổi lớn khi các phó tổng giám đốc gồm ông Hà Tôn Trung Hạnh và Nguyễn Xuân Vũ không còn giữ vị trí này bởi đã được bầu vào Ban kiểm soát và Hội đồng quản trị.
Ông Lê Văn Ron – một người đến từ Vietcombank chi nhánh Long An – bất ngờ được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Sacombank phụ trách quản lý rủi ro. Trong khi đó ông Phan Quốc Huỳnh, phó chủ tịch chứng khoán Sacombank được điều chuyển về làm Phó Tổng giám đốc Sacombank.
Các phó tổng giám đốc là Dương Hoàng Quỳnh Như và Nguyễn Văn Nhân được Sacombank chấm dứt hợp đồng kể từ cuối tháng 7. Đây là hai nhân sự cốt cán của Ngân hàng Phương Nam trước khi sáp nhập vào Sacombank hồi 2015.
Sau khi thay đổi nhân sự cấp cao nhất, Hội đồng quản trị của Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021 ngoài ông Dương Công Minh còn có 2 người đến từ Vietcombank là ông Phạm Văn Phong - phó chủ tịch HĐQT và bà Lê Thị Hoa là thành viên HĐQT độc lập. Trong Ban điều hành có một người đến từ Vietcombank là ông Lê Văn Ron còn Ban kiểm soát vị trí trưởng ban cũng thuộc về người đến từ Vietcombank chi nhánh Bình Tây là ông Trần Minh Triết.
Không chỉ ở trụ sở của ngân hàng mẹ, HĐQT mới của Sacombank còn tiến hành thay đổi toàn bộ HĐQT và Ban điều hành của hai ngân hàng con là Sacombank Lào và Sacombank Campuchia từ đầu tháng 8 này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sacombank tiếp tục cử ông Phan Quốc Huỳnh vừa được đưa lên làm phó Tổng giám đốc kiêm nhiệm chức chủ tịch công ty kiều hối Sacombank còn ông chủ tịch cũ chuyển sang làm Tổng giám đốc công ty này.
Thưởng nóng, tăng lương cho toàn bộ nhân viên
Tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm vào giữa tháng 7, ông Dương Công Minh lần đầu tiên gặp trực tiếp 350 lãnh đạo cốt cán của Sacombank. Tại buổi gặp này, ông Minh đã công bố một chính sách bất ngờ về lương và thưởng cho toàn bộ nhân sự. Cụ thể, HĐQT Sacombank thông qua cơ chế thưởng theo kết quả kinh doanh cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc, cũng như “thưởng nóng” 1 tháng lương cơ bản và nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho hơn 17.000 nhân viên trong toàn hệ thống Sacombank từ tháng 7/2017. Lý do của động thái này là nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của đội ngũ nhân sự cho hoạt động của Sacombank thời gian qua cũng như tạo động lực quyết tâm trong giai đoạn tới.
Trước khi về Sacombank, ông Dương Công Minh là người cũng khá cởi mở với nhân viên trong vấn đề lương thưởng. Cuối năm 2016, ông Minh – khi ấy là chủ tịch của LienVietPostBank – đã thông qua cơ chế tăng 50% lương cho nhân viên trong vòng 3 năm tới và ngay đầu năm 2017 đã triển khai tăng luôn 20% lương. Ngoài ra, ở LienVietPostBank một thời còn có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với người họ Dương của ông Minh.
Thoái vốn khỏi công ty của ông Trầm Bê
Ngày 28/7, Sacombank đã thực hiện thoái vốn toàn bộ khỏi Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI). Thương vụ này giúp ngân hàng thu về hơn 336 tỷ đồng nhờ bán được giá cổ phiếu BCI ở mức cao nhất trong 6 năm.
Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh là doanh nghiệp từng gắn liền với tên tuổi của một cựu lãnh đạo Sacombank – ông Trầm Bê, người vừa bị bắt giữ hôm 31/7 do liên quan đến vụ án Phạm Công Danh. Ông Trầm Bê giữ chức Thành viên HĐQT công ty này kể từ năm 1999 đến 19/8/2016. Số cổ phần của Sacombank sở hữu ở BCI là chuyển từ Ngân hàng Phương Nam sang sau khi hai ngân hàng sáp nhập.
Những trả lời “nóng” sau khi hai cựu lãnh đạo ngân hàng bị bắt
Ngày 31/7, hai cựu lãnh đạo Sacombank là ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị bắt giữ cùng với 14 người khác ở các ngân hàng cũng như doanh nghiệp có liên quan tới vụ án Phạm Công Danh. Sau tin này, ông Dương Công Minh cho biết việc bắt giữ hai cựu lãnh đạo này không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng vì ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23/02/2017 và từ ngày 03/7/2017 đối với ông Phan Huy Khang.
Lãnh đạo Sacombank đồng thời cho biết, việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây Dựng. Theo kết luận giám định của NHNN, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Và các khoản vay đó Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014.
Tiếp đến, trả lời trên truyền hình và báo chí, ông Dương Công Minh lần đầu tiên công khai những con số chi tiết về nợ liên quan đến ông Trầm Bê cũng như nợ xấu thực của ngân hàng.
Những con số ấy ngày hôm qua 3/8 tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, lãnh đạo NHNN cũng được phóng viên báo giới nhắc lại với sự quan tâm rất cao, song đại diện NHNN là Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ trả lời chung chung rằng vụ án này đang được các cơ quan pháp luật xử lý. "Do đó, những thông tin sẽ được cơ quan cung cấp về vụ việc này trong quá trình xử lý".
Lợi nhuận tháng 7 cao hơn 88 tỷ đồng so với bình quân 6 tháng đầu năm
Sacombank cho biết, trong tháng 7 lợi nhuận của Sacombank trước trích lập dự phòng và các khoản chi phí trích trước là 552 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 159 tỷ đồng, tăng 88 tỷ so với bình quân 6 tháng trước, luỹ kế 7 tháng đạt 587 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank trong tháng 7 đạt 175 tỷ đồng và luỹ kế 7 tháng đạt 754 tỷ đồng.
Đến 31/7/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 354.807 tỷ đồng, tăng7,8% so đầu năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 315.474 tỷ, tăng 9% so đầu năm. Tổng tín dụng của Sacombank tăng 12,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 7,9%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 214.879 tỷ đồng, tăng 11,3% so đầu năm.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, Sacombank xử lý được 2.520 tỷ đồng nợ xấu; dự phòng rủi ro đã trích lập là 5.044 tỷ đồng.