1 tảng đá được chọn để tạc tượng Phật, 2 người thợ cho ra 2 kết quả và cái kết đáng ngẫm
Tại sao người thứ nhất lại thất bại? Tại sao người thứ hai lại thành công? Phần kết của câu chuyện sẽ là bài học đắt giá cho bất kỳ ai.
Tảng đá được chọn để khắc tượng Phật nhưng bị coi là "đồ bỏ đi"
Ở ngôi làng nọ có một thương nhân vô cùng sùng bái Đức Phật.
Một hôm, trên đường trở về nhà, ông ta nhìn thấy một tảng đá nằm ở ven đường. Tảng đá nhẵn nhụi, lại sáng bóng và tỏa ra một thứ ánh sáng vừa ấm áp vừa thuần khiết, nên ông đem lòng yêu thích, muốn lấy về để tạc một bức tượng Phật.
Nhìn thấy hòn đá ven đường, người đàn ông nghĩ ngay đến việc tạc thành một bức tượng Phật. (Ảnh minh họa)
"Mình sẽ nhờ người tạc thành tượng Phật và để ở trong nhà", người đàn ông tự nhủ.
Sau đó, thương nhân đi đến một cửa hàng chuyên tạc tượng nổi tiếng trong vùng và nói với người thợ ở đó: "Tôi muốn anh tạc cho tôi một bức tượng Phật thật đẹp từ tảng đá này".
Người thợ đồng ý và hẹn ngày khách hàng quay lại để giao hàng, rồi không bỏ phí một giây phút nào, anh ta lấy hết dụng cụ cần thiết ra và bắt tay vào công việc ngay lập tức.
Thế nhưng, ngay khi chạm vào tảng đá, người thợ đã nhận ra nó rất cứng, cứng hơn anh ta nghĩ nhiều. Dù rằng đã dùng đến búa, đục, nhưng tảng đá vẫn cứ trơ trơ, chẳng hề suy suyển gì.
Hôm sau, người thợ lại thử một lần nữa. Anh ta dùng hết sức bình sinh để đập thật mạnh vào tảng đá, song cũng vô ích. Tảng đá vẫn nằm im như thách thức sự kiên nhẫn của người thợ.
Vài ngày sau, người thợ vẫn cố gắng, nhưng vẫn thất bại. Anh ta kết luận rằng tảng đá này có vấn đề, không thể dùng để tạc tượng được, chắc chỉ có thể đem vứt đi.
Một tuần sau, vị khách quay lại cửa hàng và được người thợ kể lại sự tình. Rất buồn bã, ông ta đành đem tảng đá trở về.
Và sự "hồi sinh" kỳ diệu của tảng đá nhờ gặp được người thợ thứ hai
Tuy nhiên, giữa đường, thương nhân bỗng chợt nghĩ hay là thử mang đến một cửa hàng khác, biết đâu lại có người làm được thì sao. Vậy là ông ta hỏi đường tới một xưởng tạc tượng khác.
Nhận tảng đá từ tay thương nhân, người thợ thứ 2 quan sát một lúc, sau đó anh ta đem dụng cụ ra. Chỉ sau vài lần dùng búa, anh ta đã dễ dàng đập vỡ được nó và bắt đầu tạo hình cho bức tượng Phật.
Chứng kiến điều kỳ diệu ngay trước mắt, thương nhân vô cùng vui mừng. Sau đó ít ngày, người thợ đã tạc xong một bức tượng Phật tuyệt đẹp và trao nó cho ông.
(Ảnh minh họa)
Khi nhận được một thành phẩm hoàn mỹ đến vậy, thương nhân có chút bối rối và đặt ra câu hỏi cho người thợ: "Tôi đã từng đem tảng đá này đến gặp một người thợ khác và anh ta nói nó quá cứng, không thể làm gì được, chỉ có thể vứt đi mà thôi.
Vậy tại sao khi tôi đem nó đến cho anh, anh lại có thể tạo ra một tuyệt tác thế này? Hay anh có bí quyết gì hay dụng cụ gì đặc biệt để làm điều đó?".
Người thợ nghe thấy vậy thì mỉm cười rồi lắc đầu và nói: "Không, tôi cũng chỉ là một người thợ bình thường thôi, chẳng có dụng cụ hay bí quyết gì đặc biệt. Có điều, tôi nghĩ rằng, người thợ kia hẳn là đã cố gắng tới 99% mà không biết rằng, chỉ thêm 1 chút ít nữa thôi, 1% cuối cùng nữa thôi, anh ta sẽ thành công.
Tảng đá đã được anh ta tác động lực rất nhiều và đã trở nên rất yếu. Chỉ cần 1 vài nhát búa là nó sẽ vỡ ra. Thế nhưng, anh ta lại bỏ cuộc giữa chừng, nên mới nghĩ tảng đá chỉ là đồ bỏ đi".
Lời bàn: Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng phải đối mặt với những tình huống tương tự như người thợ thứ nhất gặp phải trong câu chuyện nói trên, khi chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng sau đó không đủ kiên trì, bỏ cuộc giữa chừng và trở thành một kẻ thất bại.
Thế nhưng, cũng có không ít những người có thể nhìn thấu được toàn bộ vấn đề và lý giải một cách rõ ràng như người thợ thứ hai. Có lẽ anh ta đã từng gặp phải những tảng đá cũng "khó nhằn" như vậy, và biết cách làm thế nào để có thể phá vỡ nó và tạo ra một tuyệt tác.
William Arthur Ward (1921 - 1994), nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ đã từng nói một câu tương tự, "Nỗ lực nửa vời là thất bại đích đáng". Bạn không nỗ lực chút nào, tất nhiên bạn sẽ không thành công, nhưng nếu bạn dùng tâm thế nửa vời để nỗ lực, kết quả sẽ còn tệ hơn, bạn vừa mất đi thời gian, sức lực, chẳng đạt được điều gì và lại mất đi cả niềm tin vào sự nỗ lực ấy.
Theo Moral Stories