1/5 quốc gia trên thế giới có lượng chuyến bay nội địa tiệm cận trước đại dịch: Những dữ liệu quan trọng dân ngành du lịch cần biết
Hiện tốc độ khôi phục du lịch trên toàn cầu không đồng đều, đang có 1/5 số quốc gia trong nghiên cứu đã khôi phục ít nhất 90% lượng đặt vé máy bay nội địa so với trước đại dịch, trong đó Úc vượt qua mức trung bình toàn cầu với lượng đặt vé ở mức 116%.
Chi tiêu nhiên liệu toàn cầu tăng 13% so với mức cao nhất năm 2019, phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải mặt đất tại các thị trường Úc, Singapore, Philippines và Hồng Kông trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sau một năm 2020 nhiều biến động với việc tạm dừng khai thác hầu hết chuyến bay và du khách bị cầm chân tại nhà, việc khôi phục đi lại đã trở thành một trong những hoạt động được trông đợi nhất trong năm 2021, dù còn nhiều điều chưa chắc chắn.
Mastercard mới đây vừa công bố Báo cáo Phục hồi: Sẵn sàng cất cánh? (Recovery Insights: Ready to Takeoff?), mang đến góc nhìn về những xu hướng chính trong lĩnh vực vận tải hàng không và vận tải mặt đất trên khắp thế giới.
Tuy tốc độ khôi phục du lịch trên toàn cầu không đồng đều, song 1/5 số quốc gia trong nghiên cứu đã khôi phục ít nhất 90% lượng đặt vé máy bay nội địa so với trước đại dịch, trong đó Úc vượt qua mức trung bình toàn cầu với lượng đặt vé ở mức 116%.
Báo cáo dựa vào nguồn dữ liệu hoạt động bán hàng tổng hợp và ẩn danh trên mạng lưới toàn cầu của Mastercard, cùng với các cơ sở dữ liệu của bên thứ ba và phân tích độc quyền của Viện Kinh tế Mastercard, nhằm hiểu rõ hơn các xu hướng du lịch, động lực và thách thức trong giai đoạn sắp tới.
Trong đó bao gồm xu hướng cán cân giữa du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công vụ, chặng ngắn và chặng dài, tiết kiệm và chi tiêu. Báo cáo cũng phân tích những hạng mục chi tiêu có dấu hiệu gia tăng và ý nghĩa của dấu hiệu này đối với sự khôi phục du lịch.
Du lịch công vụ đang hồi phục chậm chạp hơn du lịch nghỉ dưỡng.
Ông David Mann, Nhà kinh tế trưởng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông – châu Phi, Viện Kinh tế Mastercard cho biết: "Mặc dù nhiều thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa mở cửa biên giới quốc tế, nhưng sớm đã có một số điểm sáng trong việc phục hồi du lịch trong nước.
Với việc các hành lang du lịch tiếp tục được mở và phát triển mạnh mẽ tại Hoa Kỳ và châu Âu, Mastercard tin rằng nhu cầu bị dồn nén ở châu Á - Thái Bình Dương, vốn đã trở nên trầm trọng hơn bởi các đợt giãn cách kéo dài, sẽ theo một quỹ đạo tương tự trong cả du lịch công vụ và du lịch nghỉ dưỡng, khi khu vực này mở cửa biên giới trở lại một cách thận trọng".
Báo cáo đã chỉ ra một số xu hướng chính bao gồm:
Trên toàn cầu, du lịch công vụ hồi phục chậm hơn so với du lịch nghỉ dưỡng khoảng 4 tháng. Du lịch công vụ toàn cầu đã cho thấy tín hiệu phục hồi với số lượng đặt chuyến nội địa ở Úc và Mỹ đạt lần lượt gần 80% và 50% mức trước đại dịch. Tại Úc, Malaysia và Philippines. các lượt đặt phòng du lịch công vụ vượt xa các lượt đặt phòng nghỉ dưỡng, mang lại tia hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ ngay khi các hành lang du lịch mở ra.
Chi tiêu toàn cầu cho nhiên liệu tăng 13% so với mức cao nhất trước đó vào năm 2019. Vận tải hành khách đường bộ - một xu hướng nổi bật trong năm 2020 dự kiến sẽ còn tiếp diễn. Báo cáo cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về vận tải mặt đất trong nước, khi chi tiêu cho nhiên liệu tăng ở Singapore, Hong Kong, Philippines và Úc - với lượng du khách địa phương đổ về các khu vực như Margaret River và Dunsborough ngày càng tăng.
Trong lúc biên giới vẫn đang đóng cửa, các khoản tiết kiệm đang giúp thúc đẩy doanh số bán hàng trên nhiều danh mục. Ví dụ, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán tóc giả tại Úc đã tăng 81% so với thời kỳ trước đại dịch, tương tự là doanh số của các thẩm mỹ viện và cửa hàng bán hành lý.
Trong khi đó, chi tiêu tại các đại lý phân phối thuyền (+ 30%) và xe đạp (+ 62%) tăng trên toàn thế giới, do nhu cầu bị kìm nén cộng với khoản tiền lớn người dân tiết kiệm được nhờ chính sách kích thích tài khoá và các hạn chế đi lại.
Bà Raj Seshadri, Chủ tịch phụ trách Dữ liệu và Dịch vụ, Mastercard
Bà Raj Seshadri, Chủ tịch phụ trách Dữ liệu và Dịch vụ, Mastercard nêu cụ thể: "Năm vừa qua đã tái khẳng định tầm quan trọng của hoạt động đi lại đối với việc kết nối với bạn bè, gia đình và toàn thế giới, cũng như các cộng đồng doanh nghiệp và thực hiện những mục tiêu cá nhân.
Ngành du lịch gặp khó khăn đã để lại những hệ lụy to lớn về mặt kinh tế, bởi hầu như không ngành nào không chịu ảnh hưởng khi du khách bị cầm chân tại nhà. Thông qua Báo cáo Phục hồi, Mastercard đã giúp các hãng hàng không thiết kế lại các chặng bay, giúp các nhà bán lẻ sắp xếp lại kho hàng và giúp các thành phố nắm bắt những biến động trong xu hướng chi tiêu trên địa bàn.
Từ đó cho phép đưa ra các quyết định sáng suốt với những kết quả tốt hơn cho hiện tại và tương lai".
Mastercard đã công bố Báo cáo Phục hồi nhằm giúp các doanh nghiệp và chính phủ kiểm soát tốt hơn những rủi ro kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra. Thông qua sáng kiến này, Mastercard cung cấp thông tin và phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu thu thập được cùng những dịch vụ khác cho doanh nghiệp và chính phủ để họ có thể nắm bắt các xu hướng không ngừng thay đổi trong chi tiêu tiêu dùng và cách thức giải quyết.
Chẳng hạn, đầu năm ngoái, một hãng hàng không hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khai thác công cụ phân tích Test & Learn của Mastercard để tìm hiểu những yếu tố thúc đẩy hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh đại dịch.
Họ đã phát hiện ra rằng số lượng các chuyến du lịch kéo dài hơn bảy ngày tăng gần 2/3 và số lượng vé đặt trước nhiều tháng tăng gần một nửa. Dựa trên kết quả phân tích đó, hãng hàng không này đã có thể lập tức điều chỉnh chiến lược nhằm tối ưu hóa doanh thu và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.