Xúc động tâm sự của người Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 tạm lắng: Nghèo, thất nghiệp nhưng ít nhất là còn sống!

23/03/2020 14:24 PM | Xã hội

Trải qua 2 tháng giam lỏng trong nhà, sống bằng mì tôm, nhiều người Trung Quốc cười lạc quan hy vọng cuối tháng này sẽ nhận lương trở lại và mua thịt.

Mỗi sáng sau khi Wang Yimeng đi qua cổng kiếm soát tại khu dân cư ở Bắc Kinh của mình, cô đều hỏi những người làm việc ở đây cùng câu hỏi: "Khi nào thì không phải làm việc này nữa? Khi nào tôi có thể đi bán đồ ăn sáng như bình thường?".

Giống như hàng nghìn người khác ở Bắc Kinh, người phụ nữ 64 tuổi này kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Ông bán những chiếc bánh xèo trứng nóng giá 10 NDT/chiếc vào buổi sáng cho những người trên đường tới nơi làm việc.

Ít nhất là bà từng như vậy, trước khi Covid-19 ập đến, gây đảo lộn với lịch sinh hoạt của hầu hết mọi người, cướp đi kế sinh nhai của bà.

Kể từ đầu tháng trước, tất cả các cổng của khu dân cư bà Wang dựng quầy bán hàng đều đã bị đóng. Những điểm ra vào được quản lý bởi cán bộ và những người tình nguyện kiểm tra thân nhiệt của người ra vào. Và cũng kể từ đó, Wang biết rằng mình không thể bán ở đây nữa.

"Họ nói với tôi là tôi không nên cản trở việc kiểm soát dịch bệnh và tôi nên hợp tác".

Trước khi dịch bệnh ập đến, Wang kiếm được khoảng 2.000 NDT một tháng, đủ để mua thức ăn và thuốc men cho người chồng tàn tật của bà.

"Tôi không phàn nàn bởi vì tôi còn may chán so với những người bị mất mạng vì dịch bệnh. Tôi chỉ cầu mong cuộc sống trở lại như bình thường nhanh nhất có thể".

Xúc động tâm sự của người Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 tạm lắng: Nghèo, thất nghiệp nhưng ít nhất là còn sống! - Ảnh 1.

Báo cáo đầu tiên về virus corona xuất hiện vào khoảng tháng 12 năm ngoái khi mà Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc trở thành tâm dịch nhưng mọi chuyện vẫn chưa được xác định thời điểm đó. Kể từ sau đó, dịch Covid-19 đã lan rộng ra khắp thế giới, đến nay đã ảnh hưởng tới hơn 200.000 người và giết chết hơn 10.000 người.

Giống như nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, Bắc Kinh đã ban hành những biện pháp chưa từng có để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, gồm việc đóng cửa trường học và các doanh nghiệp, cấm du lịch. Ảnh hưởng kinh tế rõ ràng là rất lớn nhưng thời điểm này Bắc Kinh đang dần dần trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường.

Với những người làm ăn kinh doanh hoặc có thu nhập thấp, Covid-19 giống như một viên thuốc rất đắng, rất khó khăn để họ có thể khôi phục lại được nhưng mọi người vẫn quyết tâm chiến đấu.

Đầu tuần này, Li Zhi đã được gọi quay trở lại làm việc tại một salon tóc ở Bắc Kinh sau thời gian 2 tháng đóng cửa.

Sau khi được các nhà chức trách từ 7 cơ quan chính phủ khác nhau thăm hỏi, ông chủ của Li đã được thông báo rằng có thể mở cửa trở lại miễn là không bao giờ để quá 5 người, gồm cả nhân viên trong cùng không gian của salon. Ngoài ra mọi khách hàng vào quán đều phải được kiểm tra thân nhiệt và giữ khoảng cách an toàn.

"Hoạt động kinh doanh bắt đầu chậm lại, Tôi đoán nhiều khách hàng vẫn còn ái ngại với việc đi cắt tóc bởi nó cần phải tiếp xúc khá gần".

Mặc dù thiếu khách hàng - thậm chí là ngay trong giờ mà mọi người vừa kết thúc công việc - tức là giai đoạn cao điểm - Li nói rằng vẫn tốt khi được ra khỏi căn hộ và dành thời gian bên những đồng nghiệp.

"Vợ tôi và tôi bị mắc kẹt trong một căn hộ nhỏ trong suốt 2 tháng qua, sống không có gì ngoài mì gói. Tôi không có tiền tiết kiệm. Vì vậy hiện tại ít nhất tôi cảm thấy an toàn và hy vọng tôi có thể có lương vào cuối tháng này".

"Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhưng những người nghèo sẽ là khổ nhất"

Mới khoảng ngoài 20, Li được sinh ra trong thời kỳ kinh tế phát triển nên anh không phải trải qua những khó khăn tài chính như thế hệ cha mẹ và ông bà.

"Không khó để kiếm tiền trong ngành này nhưng tiêu thì dễ lắm. Với tôi, tiền chảy như nước, vào tay trái và ra tay phải".

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm, phần lớn cả nước đã bị đóng cửa và hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, doanh thu bán lẻ giảm xuống hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi đầu tư tài sản cố định giảm 24,5% và sản lượng đầu ra ngành công nghiệp giảm 13,5% - đều là những con số tồi tệ nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng 6,2% trong tháng 1, 2 từ mức 5,2% vào tháng 12 và 5,3% 1 năm trước đó. Con số này cũng được ghi nhận là cao nhất kể từ năm 2006.

"Tôi may mắn vẫn còn có việc để làm. Nhiều đông nghiệp của tôi đã trở lại quê và bị mắc kẹt tại đó vì giao thông tê liệt. Một vài trong số đó nhanh chóng cạn tiền và hiện đang rất khó khăn khi cố gắng vay tiền từ bạn bè để có thể mua vé tàu quay lại Bắc Kinh".

Hu Xingdou - một chuyên gia kinh tế nói rằng rủi ro của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhưng những người nghèo sẽ là khổ nhất.

"Nó ảnh hưởng tới những nhân viên thời vụ, gia đình thu nhập thấp và nhân viên bình thường nhiều hơn so với người giàu có. Khả năng để những người này chống chọi với những khó khăn cũng rất yếu. Nếu các biện pháp ngăn chặn không được gỡ bỏ, cuộc sống của họ sẽ trở nên rất bi kịch".

Theo một báo cáo gần đây bởi công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, việc cấm du lịch sau kỳ Tết nguyên đán đã khiến các lao động nhập cư không thể trở lại thành phố lớn nơi họ làm việc trước đó khiến thổi bay 800 tỷ NDT tiền lương của nhóm này.

Cộng với thiệt hại mà những người tự kinh doanh phải chịu, con số này có thể lên tới 1,5 nghìn tỷ NDT, tương đương 3 - 4% tổng thu nhập sẵn có của các hộ gia đình ở Trung Quốc.

Cầm chiếc bánh bao mua cho bữa tối, Li vẫn mỉm cười lạc quan: "Hy vọng tôi sẽ nhận được mức lương cơ bản 1.000 NDT vào tháng này. Sau đó, ít nhất tôi sẽ có thể mua một ít thịt lợn cho vợ tôi".

Xúc động tâm sự của người Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 tạm lắng: Nghèo, thất nghiệp nhưng ít nhất là còn sống! - Ảnh 4.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM