Xôn xao trước hàng loạt ma túy mới "ẩn mình" dưới vỏ bọc cà phê, bánh kẹo: Nhận diện bằng cách nào?

01/12/2023 10:22 AM | Sống

Những loại ma túy mới pha trộn vào bánh kẹo, nước ngọt, cà phê...rất dễ gây ngộ độc, ảo giác, co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.

Ma túy núp bóng bánh kẹo, thuốc lá điện tử

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh thành cả nước đã phát hiện nhiều sản phẩm đồ ăn, thức uống... có chứa chất ma túy len lỏi vào môi trường học đường với những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Cho thấy, loại tội phạm này đang diễn biến phức tạp, khó lường, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.

Điển hình như vào tháng 6 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an Đà Nẵng phát đi thông tin cảnh báo về việc trên địa bàn mới xuất hiện một số dạng ma túy ngụy trang thành thực phẩm, đồ uống.

Xôn xao trước hàng loạt ma túy mới "ẩn mình" dưới vỏ bọc cà phê, bánh kẹo: Nhận diện bằng cách nào? - Ảnh 1.

Gói ma túy “nước xoài” với dòng chữ “Crispy Fruit Mango”

Cụ thể, ma túy ngụy trang xuất hiện dưới dạng bánh kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm… được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng nước ngoài, mang về Việt Nam. Dạng thứ hai là ma túy do tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, ngụy trang ẩn mình trong gói cà phê, gói bánh, nước ngọt với các tên gọi như: White coffe, Coffe house, Chali, Collagen, Just do it, Yaoyao...

Ngày 16/6, Công an Đà Nẵng đã bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ 2 gói Coffe house bên trong là chất bột nghi có chứa thành phần ma túy.

Trước đó, ngày 13/6, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Tư lệnh vùng 2 Cảnh sát biển bắt quả tang đối với Lương Cao Hải Đăng, 27 tuổi, quê thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gần 200 gram ma túy loại Ketamine, 317 viên thuốc lắc, 39 gói ma túy dạng cà phê. Đáng chú ý, trong số tang vật thu giữ, có hàng chục gói ma túy có tổng khối lượng gần 1 kg được ngụy trang dưới dạng gói cà phê White Coffee để qua mắt lực lượng chức năng.

Xôn xao trước hàng loạt ma túy mới "ẩn mình" dưới vỏ bọc cà phê, bánh kẹo: Nhận diện bằng cách nào? - Ảnh 2.

Hai loại cà phê White coffe, Coffe house đều có chứa ma túy

Ngay sau đó, ngày 14/6, Công an quận Ngũ Hành Sơn bắt giữ Phạm Đình Huy (25 tuổi, trú phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn), thu được 1kg Ketamin, 1000 viên thuốc lắc, đáng chú ý có 27 gói ma túy loại White Coffee, 1 súng ngắn, 24 viên đạn... và số tiền 130 triệu đồng.

Đây là chất ma túy mới, gây ảo giác và rất khó phát hiện bằng các phương pháp thông thường.

Cũng trong năm nay, Công an TP.HCM đã ra cảnh báo trên địa bàn TP đã xuất hiện một số dạng ma túy mới, nhắm vào sinh viên, học sinh, gây chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu…

Theo đó, ma túy "núp bóng" dưới hai dạng: trộn trong bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm... được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng; và ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...

Điển hình một số loại thường gặp như trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango, Yaoyao hoặc "nước dâu", "nước vui", cà phê "White Coffe", "CHALI"... được vận chuyển lậu về Việt Nam.

Xôn xao trước hàng loạt ma túy mới "ẩn mình" dưới vỏ bọc cà phê, bánh kẹo: Nhận diện bằng cách nào? - Ảnh 3.

Người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các loại ma túy này sẽ gây ảo giác, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Đáng nói, ma túy "ngụy trang" được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, thậm chí trường học. Sau đó, các đối tượng giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian như: Grab, Be, Gojek… gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra.

Xôn xao trước hàng loạt ma túy mới "ẩn mình" dưới vỏ bọc cà phê, bánh kẹo: Nhận diện bằng cách nào? - Ảnh 4.

Tháng 9/2022, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội (zalo, telegram…) liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship cod, phần mềm… với mặt hàng là chất ma túy tẩm trong thuốc lá điện tử, thảo mộc, hiện đang được giới trẻ ưa chuộng.

Hay như vụ một nhóm học sinh tại Hoành Bồ, Quảng Ninh sử dụng kẹo có chứa chất ma tuý, bị ngộ độc phải cấp cứu (tháng 10/2021); vụ sử dụng socola nhãn hiệu Chill Max có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC của Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ) tại Đông Anh, Hà Nội (tháng 6/2022).

Nhận diện ma túy bằng cách nào?

Nhìn chung, nếu chỉ quan sát bề ngoài bao bì sản phẩm thì hầu hết mọi người đều cho rằng đây là gói nước uống giải khát, bánh kẹo, thuốc lá thông thường chứ không phải ma túy. Người dùng cũng không cần dụng cụ mà có thể sử dụng ở bất cứ đâu, không cần kín đáo, che giấu. Vì vậy, ma túy tổng hợp dễ dàng xâm nhập vào học đường, khu vui chơi, quán bar… với tác hại khôn lường mà cơ quan chức năng khó phát hiện, ngăn chặn.

Trao đổi với báo Người Lao Động, Đại tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, người dân có thể phân biệt ma túy núp bóng với các loại đồ uống thông dụng qua một số đặc điểm:

- Trên bao bì chỉ có ngôn ngữ nước ngoài (phổ biến là tiếng Anh, tiếng Trung, Lào), không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có mã vạch hàng hóa, không để nơi sản xuất, hạn sử dụng; giá bán các gói ma túy dạng này cũng thường khá cao (từ 2,5 triệu đến 3,2 triệu đồng).

Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt và khi bị bắt thường che giấu ý thức chủ quan, không biết đó là ma túy nhằm chối tội, để không bị xử lý.

Xôn xao trước hàng loạt ma túy mới "ẩn mình" dưới vỏ bọc cà phê, bánh kẹo: Nhận diện bằng cách nào? - Ảnh 5.

Ma túy tổng hợp được tẩm vào thảo mộc, rồi đóng gói dưới dạng thuốc lá

Vì vậy, người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin về tác hại của ma túy mới, núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy để nhận biết phòng ngừa; các bạn học sinh, sinh viên, những người làm các ngành nghề như tài xế, shipper... đừng chủ quan mất cảnh giác để bị lợi dụng, lôi kéo.

Cha mẹ cần quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn con cái không ăn, không thử những loại bánh kẹo, thực phẩm, chế phẩm lạ để bảo vệ sức khỏe con em mình.

Về phía các em học sinh, sinh viên cần sống trong sáng, lành mạnh, không tiêu xài hoang phí đua đòi vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Tích cực tìm hiểu thông tin về tác hại, hậu quả của ma tuý. Không tụ tập với người xấu, tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tham gia ngoại khóa của nhà trường…; không nhận tiền, quà, vật có giá trị của người khác mà không rõ lý do, trong trường hợp người quen nhận chuyển đồ, hàng hóa cần hỏi rõ loại hàng và địa điểm chuyển đi đâu, tốt nhất hỏi ý kiến cha mẹ, người thân trước khi nhận lời.

Ngày 30/11, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tin nhắn nhóm Zalo có tên gọi Khoa B8 BV105 với nội dung: "Nhà mình nhắc bọn trẻ không được ăn và mua kẹo này nhé. Viện 105 xét nghiệm có dương tính với ma túy tổng hợp. Trên Sơn Tây đã xuất hiện người lạ đến cổng trường chia kẹo cho học sinh tan học".

Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an thị xã Sơn Tây khẩn trương rà soát địa bàn, làm việc với Bệnh viện quân y 105 để làm rõ sự việc. Bước đầu xác định: Bệnh viện 105 chỉ tiến hành xét nghiệm ma túy qua nước tiểu và máu, không tiến hành xét nghiệm ma túy qua mẫu thử khác và không xét nghiệm ma túy đối với loại kẹo nào cho kết quả dương tính với ma túy tổng hợp như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.

Còn tại một trường học trên thị xã Sơn Tây, có ghi nhận một số học sinh bị đau bụng sau khi cùng sử dụng một loại kẹo có vị hoa quả mua online trên mạng xã hội; chưa phát hiện việc phát kẹo cho học sinh tại cổng trường.

Qua đây, Công an thành phố Hà Nội khẳng định thông tin trên là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, clip chưa được xác thực; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.


Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM