World Bank: Rủi ro lớn nhất của Việt Nam là mắc kẹt trong "Bẫy kinh tế Covid-19", khi tiêu dùng từ giới trung lưu khó có thể tăng mạnh như trước

31/07/2020 10:08 AM | Xã hội

"Trước đây Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 7 - 8%, nhưng chúng ta có thể bị "bẫy" trong mức thấp hơn, ở mức 3 - 4%", chuyên gia kinh tế trưởng World Bank Việt Nam cảnh báo.

"Covid-19 tại Việt Nam là tai ương nhỏ về y tế nhưng là tai ương lớn về kinh tế", ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam chia sẻ trong bài trình bày tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại mới tiêu đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19".

Theo báo cáo, kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.

Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021.

Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Tại sự kiện công bố báo cáo, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank Việt Nam cũng chỉ ra rủi ro lớn nhất cho kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

"Rủi ro lớn nhất cho Việt Nam, chúng tôi gọi là "Bẫy kinh tế của Covid-19". Trước đây Việt Nam tăng trưởng ở mức 7 - 8%, nhưng chúng ta có thể bị "bẫy" trong mức thấp hơn, ở mức 3 - 4%", ông Jacques nhận định.

World Bank: Rủi ro lớn nhất của Việt Nam là mắc kẹt trong Bẫy kinh tế Covid-19, khi tiêu dùng từ giới trung lưu khó có thể tăng mạnh như trước - Ảnh 1.

Lý giải cho nhận định này, ông Jacques cho biết trong vài thập kỷ qua, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào sức cầu nước ngoàitiêu dùng trong nước. Hai động lực trên đóng góp đến trên 75% cho tăng trưởng GDP trong các năm 2016 - 2019.

"Sức cầu nước ngoài được hỗ trợ rất tốt bởi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, và tiêu dùng trong nước được hỗ trợ bởi sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, trong vài năm tới, thật khó tưởng tượng rằng 2 động lực này còn có thể tiếp tục mạnh", đại diện World Bank nhìn nhận.

Về sức cầu nước ngoài, khó khăn nhất là cầu của nước ngoài trong cuộc khủng hoảng này, khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

"Chúng ta có thể thấy trong vòng vài tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu suy giảm ở một số ngành, lĩnh vực tương đối mạnh. Tiêu dùng trong nước và đầu tư trong nước cũng vậy".

"Trong một thế giới với rất nhiều bất định so với các năm khác, chúng ta khó hình dung rằng mọi người sẽ tiêu dùng nhiều hơn, hoặc đầu tư nhiều hơn. Thực chất hầu hết người Việt đều ngại rủi ro, cho nên họ mong muốn tiết kiệm nhiều hơn vì cuộc sống sau này sẽ khó khăn hơn. Một chỉ báo cho thấy lo ngại rằng tiêu dùng trong nước và đầu tư trong nước không tăng được nhanh như các năm trước. Việt Nam có thể bị kẹt trong "bẫy kinh tế" như vậy", ông Jacques nói.

World Bank: Rủi ro lớn nhất của Việt Nam là mắc kẹt trong Bẫy kinh tế Covid-19, khi tiêu dùng từ giới trung lưu khó có thể tăng mạnh như trước - Ảnh 2.

Báo cáo của World Bank khuyến nghị 3 biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó.

Biện pháp thứ nhất là cần cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khách và đầu tư nước ngoài.

Biện pháp thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.

Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM