Vua cá tra nhưng lại đang sống nhờ bã đậu nành, tương lai nào cho thuỷ sản Hùng Vương?

16/08/2016 08:16 AM | Kinh doanh

Công ty cổ phần Hùng Vương đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2016 với doanh thu 6.654 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của Hùng Vương tăng 44% còn lợi nhuận lớn gấp gần 10 lần.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận đột biến là do Hùng Vương trong kỳ đã đầu tư "lướt sóng" bã đậu nành. Công ty đã nhập khẩu về 127.000 tấn bã đậu nành và tiêu thụ ngay với giá tốt (xem thêm).

Hùng Vương sử dụng báo cáo tài chính niên độ từ 1/10 đến 30/9 năm sau. Vì vậy, hết quý 2/2016, Hùng Vương đã đi được 3/4 chặng đường theo niên độ mới.

Với kết quả tăng vọt trong quý vừa qua, doanh thu và lợi nhuận sau 9 tháng của Hùng Vương cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng 42% lên 4.700 tỷ đồng còn doanh thu nội địa tăng 20% lên 10.353 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh doanh của công ty vẫn gồm 3 mảng chính, là thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi là nhóm có lợi nhuận thuần tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.


Kết quả kinh doanh sau 9 tháng

Kết quả kinh doanh sau 9 tháng

Hùng Vương là một trong những công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, mảng cá tra của công ty chủ yếu phục vụ xuất khẩu còn mảng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ thị trường nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu, các thị trường châu Mỹ, Nga, Đông Âu vốn là thị trường truyền thống của Hùng Vương.

Tuy nhiên, từ năm 2013 do các lệnh cấm nhập khẩu cá tra của Nga, đồng thời đồng Rup mất giá đã khiến hoạt động kinh doanh ở thị trường này sụt giảm, thay vào đó Mỹ trở thành thị trường lớn nhất.

Đến năm 2014, Hùng Vương bị áp thuế chống bán phá giá, khiến các sản phẩm trở nên khó cạnh tranh với đối thủ, dẫn tới sản lượng xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm.

Đến nay, thị trường xuất khẩu chính của Hùng Vương lần lượt là châu Âu (34%), châu Á (20%) và Mỹ (11%).

Trong những tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh của Hùng Vương được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bến Tre, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất lại chính là vùng nuôi chính của Hùng Vương, chiếm đến 60% diện tích vùng nuôi của công ty.

Bên cạnh đó, sự kiện nước Anh rời liên minh Châu Âu (Brexit) có thể khiến châu Âu càng thêm bất ổn và gây ra những hệ luỵ ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu sang khu vực này.

Trước nhiều khó khăn xung quanh xuất khẩu cá tra, chiến lược của Hùng Vương đang dần hướng tới thị trường nội địa. Thức ăn chăn nuôi là nhân tố chính trong chuỗi quy trình chăn nuôi khép kín của Hùng Vương và giúp giảm chi phí sản xuất cho công ty.

Chính vì vậy, Hùng Vương năm ngoái đã đầu tư 600 tỷ đồng vào công ty con là thức ăn chăn nuôi Việt Thắng để xây dựng 2 nhà máy sản xuất thức ăn thuỷ sản tại Đồng Tháp, công suất dự kiến đạt 2 triệu tấn/năm, đưa Việt Thắng trở thành công ty sản xuất thức ăn thuỷ sản lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ đứng sau CP Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hùng Vương cũng hướng tới thị trường thịt 18 tỷ USD mà nhiều ông lớn khác đang nhòm ngó. Cuối tháng 7 vừa qua, công ty đã nhập 750 con heo giống từ tập đoàn hàng đầu thế giới Danbred của Đan mạch. Đây là lô hàng đầu tiên trong đơn hàng 4.200 con heo giống. Dự kiến, tổng đàn heo của Hùng Vương sẽ đạt 100.000 con vào năm 2018.

Về phía cá tra, Hùng Vương trong năm nay có kế hoạch chi 15 triệu USD thâu tóm 51% cổ phần của Russia Fish, một công ty của Nga.

Trong năm 2015, công ty này đã tiêu thụ 108 nghìn tấn cá các loại, với tổng doanh thu ước tính 200 triệu USD. Thương vụ mua lại Russia Fish sẽ giúp Hùng Vương dễ dàng thâm nhập trở lại thịt rường Nga hơn trong thời gian tới.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM