Viglacera báo lãi lớn nhất trong lịch sử và sự quyết tâm của Chính phủ kiến tạo

08/02/2017 13:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Quan điểm của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho thấy quyết tâm thực thi của chính phủ kiến tạo. Đó là kiên quyết tiến hành cổ phần hóa, giảm dần vai trò của DNNN và đẩy mạnh vai trò của tư nhân.

Tổng kết năm 2016, Bộ xây dựng đón nhận tin vui. Tổng công ty Viglacera báo cáo kết quả kinh doanh rất khả quan khi doanh thu hợp nhất đạt 8,1 nghìn tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2015. Đáng chú ý hơn, lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng đột biến, khi lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 488 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 50% và cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử.

Là một trong 5 tổng công ty Nhà nước quan trọng nhất ngành xây dựng, Viglacera với mảng kinh doanh lõi gạch ốp lát và sau này bổ sung thêm mảng kinh doanh bất động sản luôn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng theo thời gian. Nếu doanh thu năm 2012 của Viglacera đạt 5,8 nghìn tỉ đồng thì chỉ sau 5 năm, con số này đã tăng tới 40%, đạt 8,1 nghìn tỉ đồng. Còn lợi nhuận, nếu năm 2012 doanh nghiệp này chỉ ghi nhận 42 tỉ đồng lãi sau thuế công ty mẹ, thì năm 2016, con số lãi này đã tăng lên hơn 10 lần. Không nói quá khi xếp Viglacera vào nhóm “gà đẻ trứng vàng” thành công nhất của khối doanh nghiệp Nhà nước.

Mặc dù làm ăn rất lãi, Viglacera cũng không thể trở thành một ngoại lệ trong kế hoạch cổ phần hóa các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Chính phủ.

Trong cuộc họp với Bộ xây dựng chiều ngày 6/2 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã cho thể hiện quan điểm rất kiên quyết với phương án thoái vốn Nhà nước khỏi một loạt doanh nghiệp, Tổng công ty lớn thuộc Bộ.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, 5 tổng công ty lớn là Viglacera, HUD, Idico, Sông Đà và Vicem sẽ thoái bớt vốn nhưng vẫn để Nhà nước giữ chi phối 51% đến hết năm 2020, từ năm 2021 sẽ thoái tiếp theo quy định và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Đề xuất này được người đại diện Chính phủ hưởng ứng, song Phó thủ tướng đưa ra một yêu cầu quyết liệt hơn: Chậm nhất năm 2019 phải thoái vốn Nhà nước xuống dưới 51% tại 5 tổng công ty này. Việc giảm tỉ lệ sở hữu xuống dưới 51% đồng nghĩa với việc Viglacera, HUD, Sông Đà hay Vicem không còn là doanh nghiệp Nhà nước nữa.

Quan điểm của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho thấy quyết tâm thực thi của chính phủ kiến tạo. Đó là kiên quyết tiến hành cổ phần hóa, giảm dần vai trò của DNNN và đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Sau những biến động của nền kinh tế Việt Nam 1 thập kỷ qua, Chính phủ đã hiểu rõ Doanh nghiệp tư nhân chính là chìa khóa để mở cánh cửa vào một nền kinh tế thị trường hiệu quả, nơi không còn cơ chế xin cho, bao cấp. Nhiệm vụ của Chính phủ, thay vì “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trước đây, sẽ dần dần chuyển sang vai trò điều tiết nền kinh tế.

Và quá trình cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 2020 sẽ không dễ dàng, khi nó nhắm tới những doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước lớn nhất. 56 doanh nghiệp được cấp quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2016 không phải là con số lớn nếu so với giai đoạn 2011 – 2015, nhưng nếu xét về “chất” thì khác hẳn.

Các DN được sắp xếp cổ phần hóa đều là những tập đoàn lớn như Tổng công ty lương thực miền Nam hay Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị-HUD. Tiến độ cũng đã được đẩy lên nhanh với các tập đoàn đang cổ phần hóa như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Nếu tiến độ như trước thì cổ phần hóa tập đoàn này có thể mất 2-3 năm nhưng hiện có thể đúng 18 tháng.

Một điểm nhấn đáng chú ý nữa, đó là phương án cổ phần hóa được đưa ra có tỉ lệ Nhà nước cần nắm giữ rất rõ ràng. Chẳng hạn trong đề xuất của Bộ xây dựng, tỉ lệ nắm giữ được đề xuất đưa ra tại 10 tổng công ty – công ty cổ phần về mức tối đa là 36%. Thông qua việc cung cấp một con số rõ ràng, minh bạch, doanh nghiệp không thể điều chỉnh. Nếu không, như lời lãnh đạo Bộ tài chính từng chia sẻ, giai đoạn trước nhiều nơi công bố phương án cổ phần hóa trình Chính phủ rồi thì các đơn vị lại đề nghị cho tỷ lệ giữ lại tạm thời.

Tất nhiên, sẽ vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết, khi quá trình cổ phần hóa đã kéo dài "đằng đẵng" nhiều năm qua. Mặc dù vậy, động thái của những người đứng đầu Chính phủ đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC nhận định, cải cách tư nhân đã có điểm tích cực hơn nhờ quyết định ngày 28/12/2016 vừa qua quy định tỷ lệ tổng sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp được lên danh sách cổ phần hóa.

Cũng theo HSBC, cải cách tài chính công ngoài quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ còn phải ở cổ phần hóa nhanh hơn các doanh nghiệp Nhà nước. Hiện tại, tỷ lệ thoái vốn trung bình ở các doanh nghiệp Nhà nước là 8%. Nói cách khác, Nhà nước vẫn nắm giữ 92% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM