Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm, tăng nhiều ở người trẻ: Làm gì để phòng ngừa đột quỵ vào mùa lạnh?

23/11/2023 11:20 AM | Sống

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Trong đó, thói quen thức khuya, tắm muộn, lười vận động hay yếu tố thời tiết chuyển lạnh là những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh chết người này.

Trong hội nghị đào tạo - chỉ đạo tuyến Bệnh viện Thống Nhất năm 2023, các bác sỹ đã cung cấp thông tin: Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm và có xu hướng tăng ở người trẻ, đang tăng trung bình 2% mỗi năm. Đáng nói, 50% trong số đó không thể qua khỏi.

Tại bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày Trung tâm đột qụy tiếp nhận từ 40-50 ca bệnh đột quỵ, trong đó có khoảng 15-20% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi (trong chuyên ngành đột quỵ, người trẻ là những người dưới 45 tuổi).

Đối với đột quỵ có thể chia làm 3 loại bao gồm:

- Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là đột quỵ nhồi máu não. Đây là loại đột quỵ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

- Đột quỵ chảy máu não, tức là mạch máu não vỡ ra và gây chảy máu trong não.

- Đột quỵ chảy máu dưới nhện.

Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ

Với những bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng. Bệnh nhân cần được phát hiện sớm và đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Vì vậy, Hội đột quỵ thế giới hình thành nên bộ dấu hiệu áp dụng cho cộng đồng có thể biết bệnh nhân đang có dấu hiệu đột quỵ viết tắt là FAST.

Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm, tăng nhiều ở người trẻ: Làm gì để phòng ngừa đột quỵ vào mùa lạnh? - Ảnh 1.

Bác sỹ viện 108 thăm khám cho một bệnh nhân ở khoa Đột quỵ não - Ảnh: VietNamNet

F: Face - (mặt) bệnh nhân méo miệng.

A: Arm - tay chân một bị tê bì, yếu tùy theo từng mức độ.

S: Speech - giọng nói. Bệnh nhân nói ngọng, giọng nói bị thay đổi.

T: Time - thời gian. Đây là yếu tố rất quan trọng. Cần phải xác định chính xác thời gian bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ để khi bệnh nhân nhập viện bác sĩ có thể xác định được giờ vàng của bệnh nhân. Từ đó đưa ra chiến lược cấp cứu và điều trị.

Một số bệnh nhân có thể biểu hiện một trong các triệu chứng FAST. Tuy nhiên có thể biểu hiện thoáng qua dưới 24 giờ hoặc bệnh nhân chỉ có biểu hiện trong vòng 1-2 giờ đồng hồ, sau đó trở về bình thường.

Nếu bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua không nhập viện, không thăm khám các yếu tố nguy cơ đột quỵ thì tỷ lệ tái phát và diễn biến thành nguy cơ đột quỵ rất cao. Thậm chí bệnh nhân có thể xuất hiện nhồi máu não nhẹ sau đó nặng dần.

Khuyến cáo bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng như thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ (sau đó có thể khỏi) nên nhập viện sớm để khảo sát các yếu tố nguy cơ. Từ đó bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị, tránh trường hợp tái phát.

Mùa lạnh có làm gia tăng nguy cơ đột quỵ?

Trả lời trên báo Thanh Niên, bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Duy Khoa, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết các nghiên cứu có ghi nhận tỷ lệ đột quỵ gia tăng khi thời tiết trở lạnh. Về nguyên nhân, khả năng thời tiết lạnh không phải là một yếu tố nguy cơ độc lập cho đột quỵ mà ảnh hưởng gián tiếp qua nhiều yếu tố khác.

Thứ nhất thời tiết lạnh sẽ làm co mạch dẫn đến tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định.

Thứ hai, thời tiết lạnh làm thay đổi thói quen ăn uống, vận động và sinh hoạt dẫn đến các yếu tố nguy cơ mạch máu khó kiểm soát hơn

Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm, tăng nhiều ở người trẻ: Làm gì để phòng ngừa đột quỵ vào mùa lạnh? - Ảnh 2.

Trời lạnh là nguyên nhân gián tiếp gây lên đột quỵ

Thứ ba, thời tiết lạnh làm ta ít có cảm giác khát, ít uống nước hơn dẫn đến cô đặc máu và dễ tạo cục máu đông hơn.

Cách phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh

Theo bác sỹ Duy, mọi người cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, duy trì thói quen vận động và tránh các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống bia rượu. Duy trì chế độ thuốc đều đặn (nếu có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường,...) và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bên cạnh đó, đông y quan niệm bàn chân là "trái tim thứ 2 của cơ thể" với nhiều huyệt vị quan trọng. Nếu để chân bị lạnh, các mạch máu ở tay và chân co lại, làm giảm lượng máu lưu thông. Do đó trước khi đi ngủ nên xoa bóp, ngâm chân với nước ấm hoặc thảo dược, lau khô và mang vớ chân (nếu thời tiết lạnh). Điều này không chỉ giúp máu huyết lưu thông, giảm nguy cơ bệnh tật mà còn giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ. Chú ý khi ngâm chân không nên đột ngột đưa chân vào nước nóng, trong khi thời tiết đang rất lạnh sẽ dễ dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt, phình vỡ mạch máu.

Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm, tăng nhiều ở người trẻ: Làm gì để phòng ngừa đột quỵ vào mùa lạnh? - Ảnh 3.

Cần đến bệnh viện thăm khám ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Riêng đối với người trẻ, cần duy trì lối sống lành mạnh, nếu có bệnh lý tim mạch cần đi khám định kỳ, kiểm soát huyết áp và sử dụng thuốc dự phòng đột quỵ chặt chẽ.

Quan trọng nhất vẫn phải thay đổi lối sống như:

- Tăng cường vận động về thể chất và giải tỏa tinh thần. Hạn chế những stress, căng thẳng trong cuộc sống.

- Kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân béo phì.

- Thực hiện lối sống ăn uống lành mạnh. Hạn chế ăn nhiều muối, ăn đồ ăn khiến cơ thể dư thừa chất béo.

- Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, bia, rượu

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM