Bằng đại học ở Mỹ giá bao nhiêu?

12/06/2015 10:16 AM | Nghề nghiệp

Không ở đâu trên thế giới mà giá của một tấm bằng đại học lại đắt như ở Mỹ. Một vài trường đại học tư có thể ngốn tới hơn $50.000 một năm (tương đương với hơn 1 tỷ VNĐ), đó là chưa kể tới tiền ăn ở và sách vở.

Tôi cũng thật sự rất muốn biết giá trị của tấm bằng đại học Mỹ là bao nhiêu và cái giá cao ngất trời mà bạn phải trả liệu có đáng không?

Giá trị của tấm bằng

Đầu tiên, giá trị của một tấm bằng đại học được đong đo đếm thế nào? Đơn giản thôi, bạn cần bằng cấp để làm gì? Đương nhiên là để kiếm được việc làm tốt. Một khi sinh viên tốt nghiệp tìm được công việc ưng ý thì "tấm bằng" đã hoàn thành nhiệm vụ của nó. Và với cái giá của đại học Mỹ, mong đợi về mức lương của bạn chắc chắn không thể quá tầm thường.

Thường thì, khi bàn tới bằng cấp đại học, mọi người thường ca tụng như kiểu nó là tấm vé kì diệu giúp bạn lập tức có một công việc lương cao cùng với cuộc sống sung túc. Nhiều người dân ở Mỹ còn có ý định quay trở lại trường đại học, không phải vì họ muốn học hỏi mà vì họ muốn đổi đời. Họ tin rằng với một "tờ giấy" có chữ kí của hiệu trưởng một trường đại học nào đó có thể giúp họ ngay tức khắc có mức lương cao hơn nhiều lần.

Ngay tại đây, tôi xin nói với bạn rằng, tấm bằng đại học mà bạn nhận được chẳng giúp ích trực tiếp gì cho mức lương của bạn cả. Nó chỉ là một "tờ giấy". Nó có thể giúp bạn vượt qua vòng xét hồ sơ nhưng hoàn toàn không đảm bảo sẽ giúp bạn có việc làm, chưa cần nói tới chuyện mức lương thế nào. Sau khi đặt được một chân vào vòng phỏng vấn xin việc, cái mà bạn thật sự cần là những kĩ năng làm ra tiền cho ông chủ của bạn kia.

Tóm lại, khả năng của bạn là điểm mấu chốt quyết định việc được tuyển dụng và mức lương ra sao chứ không phụ thuộc vào tờ giấy chứng nhận mỏng manh bạn đem tới.

Chọn đại học vì không còn lựa chọn khác?

Nhưng, tại sao tất cả lại đem toàn bộ thời gian, tiền bạc, và công sức vào việc học đại học? Có thể vì các bạn trẻ Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác.

Khi nói tới sự nghiệp và mức lương bạn sẽ làm ra như lợi suất thì số tiền đầu tư vào đại học như là tiền đầu tư vậy. Nguyên tắc đơn giản thì là đầu tư rủi ro càng cao thì lợi suất có thể kiếm được càng lớn. Theo như tờ báo của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang New York công bố, mức lợi suất trung bình của đầu tư học đại học từ năm 2000 là 14-15%, dễ thấy là khá khẩm hơn một vụ đầu tư ngon nghẻ.

Tiếc là, những năm gần đây, chi phí đại học cứ tăng đều trong khi mức lương trung bình của một sinh viên tốt nghiệp lại chẳng hề nhích lên, có khi còn giảm. Chưa kể đến, nhiều sinh viên phải vay một khoản tiền lớn để chi trả cho việc học đại học. Cuộc đời của họ như một vòng luẩn quẩn: học đại học để có lương cao, có lương cao để trả tiền học đại học.

Con số thống kê từ CNN Money cho thấy 1/3 số sinh viên tốt nghiệp đại học dành phần lớn "sự nghiệp" vào những công việc không đòi hỏi bằng cấp như bồi bàn, bán hàng hay pha chế rượu. Số tiền họ kiếm chẳng bõ bèn gì so với khoản vay trước đó và cũng chẳng biết tới khi nào thì họ có thể trả hết nợ.

Mặt khác, mức sống của nhân công ở Mỹ còn tệ hơn nhiều so với của sinh viên đại học. Từ năm 2001 tới 2013, mức lương trung bình giảm 10% đối với sinh viên đại học, và 8% đối với công nhân. Nhưng so với công nhân, sinh viên đại học vẫn kiếm được nhiều hơn tới 75%. Chênh lệch thực tế giữa tổng số tiền kiếm được từ hai đối tượng tính đến thời điểm họ đều 65 tuổi là hơn 1 triệu USD (tương đương 21 tỷ VNĐ).

Do đó mà, khi phải đưa ra quyết định giữa hai lựa chọn bất lợi: trả tiền học đại học, có thể phải gánh một khoản nợ lớn sau đó hoặc là cả đời kiếm rất ít tiền và có nguy cơ thất nghiệp cao, các bạn trẻ cũng không còn con đường nào khác ngoài việc đi học đại học.

Sau khi xem xét mọi mặt, các nhà nghiên cứu của the New York Fed cũng nhận định rằng đầu tư học đại học vẫn rất đáng đồng tiền bát gạo. Họ còn gợi ý một số ngành đáng học như kĩ sư, toán, máy tính và kinh tế vì hiện nay, "tiền lời" từ các ngành này đều trên 15%.

Theo NY FRB (trang báo cáo thống kê của Ngân Hàng Liên Bang New York)

Bích Liên

Cùng chuyên mục
XEM