Xây dựng công nghiệp phụ trợ: Vẫn phải chờ

24/05/2009 03:49 AM |

Việc khởi công xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản số 1 vào cuối tháng 4 vừa qua đang được kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Đây là một trong những điểm yếu của công nghiệp Việt Nam hiện nay.

Cho tới thời điểm khởi công xây dựng KCN hỗ trợ số 1, các đối tác thực hiện chương trình phía Nhật Bản đã cam kết trong năm 2009 sẽ đưa 50 doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD vào đầu tư tại đây. Năm 2010, Nhật Bản sẽ tiếp tục lựa chọn địa điểm phát triển ba khu khác trong hệ thống các khu công nghiệp của Công ty cổ phần Đô thị Kinh Bắc.

Ông Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp của Bộ Công Thương, đầu mối thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ - một nội dung cụ thể của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản cho hay, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào KCN hỗ trợ này là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chỉ thuê một vài nghìn mét vuông nhà xưởng để thực hiện việc sản xuất, lắp ráp một số chi tiết cung cấp cho các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam như Canon, Toyota, Honda…

Do thực tế này nên để thu hút có hiệu quả các nhà đầu tư nhỏ thì chủ đầu tư KCN phải có sẵn nhà xưởng và nhà đầu tư chỉ việc lắp máy móc thiết bị luôn chứ không phải tốn thời gian xây dựng nhà xưởng từ đầu. “Vấn đề này đã được bàn thảo kỹ càng với Công ty cổ phần Kinh Bắc - chủ đầu tư hạ tầng KCN hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản số 1 cũng như mức giá cả hợp lý để thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản nhỏ này” - ông Tuất nói.

Dĩ nhiên, việc xây nhà xưởng sẵn và nhà đầu tư chỉ việc vào lắp máy móc không có gì khó khăn với ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT CTCP phát triển đô thị Kinh Bắc, người đã có thâm niên cả chục năm trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN. Vấn đề giá thuê nhà xưởng ở Việt Nam có thể cũng không phải là vấn đề lớn bởi chắc chắn sẽ rẻ hơn khá nhiều so với mức 15 - 20 USD/m2/năm ở Nhật Bản.

Nhưng dù với thực tế như vậy thì cũng không đảm bảo rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực phụ trợ tìm đến Việt Nam ngay lập tức, cho dù những người mua hàng của họ đã có nhà máy tại Việt Nam. Và do vậy, khả năng lấp đầy khu công nghiệp hỗ trợ này tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) trên diện tích 16 ha, gồm 250.000 m2 nhà xưởng với vốn đầu tư gần 658 tỷ đồng đối với ông Tâm cũng không hẳn đã là một nhiệm vụ dễ dàng.

Với 3 nhà máy hiện có tại Việt Nam trong đó có nhà máy được xem là lớn nhất của Canon trên toàn cầu đã đi vào hoạt động và đang xây dựng thêm nhà máy mới khác nên ông Sachio Kageyama, Tổng giám đốc công ty Canon Việt Nam có cái nhìn rất thực tế về công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.

Ông cho rằng, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển khá chậm và dẫn chứng: “Năm 2001 khi Canon đặt nhà máy đầu tiên tại đây thì chỉ có 6 - 7 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước đáp ứng được chất lượng mà Canon yêu cầu. Cho tới nay, tức là sau gần 10 năm, con số các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Canon mới chỉ tăng lên khoảng 70”.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 3 vào hồi đầu tháng 3/2009, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Mitsuo Sabaka cũng đã khẳng định tính cấp thiết của việc phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam vì “điều đó ảnh hưởng đến vận mệnh của ngành công nghiệp cũng như đến tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Còn ông Phan Đăng Tuất vẫn ước mơ rằng, Việt Nam cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để theo đuổi một nền công nghiệp bền vững với các tiêu chí cơ bản như: tỷ trọng giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp (VA) cao, tiêu hao ít tài nguyên, chuyển giao công nghệ nhanh và hiệu quả, thu hút và đào tạo lao động, ít gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, thực tế xuất phát điểm thấp, phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thô lớn như hiện nay cũng như chưa có đủ nhân lực có chất lượng đáp ứng được nhu cầu khiến cho các nhà đầu tư e ngại khi chuyển những công đoạn sản xuất đòi hỏi có trình độ tay nghề cao của người lao động tới Việt Nam.

Thực tế, một số dự án đình đám trong lĩnh vực công nghệ thông tin có quy mô hàng tỷ USD thời gian gần đây cho thấy, ngoài một số ít vị trí quản lý và cán bộ kỹ thuật, thì phần lớn còn lại lao động trong dây chuyền cũng chỉ làm các công đoạn lắp ráp đơn thuần.

Tại cuộc gặp với các cơ quan chức năng mới đây nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng, Ông Yoshikawa Hisao, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai đã đưa ra một thực tế nghiệt ngã về sự sụt giảm sản xuất tại các doanh nghiệp thành viên hoạt động trong ngành sản xuất và lắp ráp xe hơi, linh kiện điện tử.

Theo đó, đơn hàng trong quý I/2009 của các doanh nghiệp này giảm từ 50-70% so với quý 4/2008. Tiếp đến là các doanh nghiệp ngành điện, điện tử với mức sút giảm đơn hàng khoảng 50%, trừ các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử để bán trên thị trường nội địa như Sanyo. Ngoài ra, sắp tới, không có một doanh nghiệp Nhật Bản nào tại Đồng Nai có kế hoạch mở rộng sản xuất, hầu hết chỉ cố gắng cầm cự để vượt qua khó khăn

Với thực tế này thì việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phụ tùng, linh kiện hay công nghiệp hỗ trợ nói chung sẽ không dễ dàng như giai đoạn kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trước đây. Nhất là với ngành công nghiệp bấy lâu quen gia công, lắp ráp của Việt Nam.

Điểm cần nói thêm là, sau khi Quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ được thông qua vào tháng 7 - 2007, tới nay Bộ Công Thương mới đang bắt tay soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Quy hoạch này với mục tiêu tháng 6/2009 sẽ có dự thảo chính thức.

Theo Xuân Diệu

Doanh nhân


ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM