“Tăng lương tối thiểu để giảm tham nhũng”

18/06/2014 15:31 PM |

Cử tri sốt ruột về tiến độ cải cách tiền lương, các cơ quan liên quan tiếp tục hứa...

Rất nhiều kiến nghị của cử tri thông qua Quốc hội gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có không ít vấn đề liên quan đến tiền lương đã có câu trả lời, được tập hợp gửi đến đại biểu làm căn cứ để trả lời nhân dân.

Gửi kiến nghị đến Chính phủ, cử tri các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác cải cách tiền lương và báo cáo cụ thể, rộng rãi về kết quả thực hiện việc này tới cử tri.

Ở văn bản hồi âm trước kỳ họp Quốc hội thứ 7, Chính phủ cho biết Thủ tướng đã phân công Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị để trình Trung ương vào thời điểm thích hợp.

Giữa tháng 1/2014, Thủ tướng cũng đã có quyết định về việc công khai chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo quan điểm của cử tri tỉnh Trà Vinh và Tp. HCM, giải quyết bài toán tiền lương tối thiểu là để giảm bớt tình trạng tham nhũng, vì với mức lương tối thiểu thấp như hiện nay, người làm công ăn lương không đủ nuôi sống bản thân, nên dễ phát sinh tham nhũng.

Từ 1/7/2013, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Đây được gọi là mức lương cơ sở. Việc tăng lương nêu trên là sự cố gắng của Nhà nước trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới, khu vực và thực trạng của nền kinh tế tại Việt Nam, Bộ Nội vụ giải thích.

Nhắc lại việc xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, sẽ trình vào thời điểm thích hợp, Bộ Nội vụ hứa sẽ nghiên cứu toàn diện các nội dung của chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó có vấn đề cử tri nêu.

Vẫn liên quan đến tiền lương và bảo hiểm xã hội, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị Quốc hội và Chính phủ khi thông qua Luật Bảo hiểm xã hội cần tính toán kỹ lộ trình tăng cụ thể, hợp lý để tránh gây xáo trộn đời sống xã hội.

Lo lắng hơn, cử tri tỉnh Tây Ninh cho rằng, ý tưởng nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động với lý do “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội” không thuyết phục. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng chế độ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện như với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc để tạo sự công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm. Giải pháp này cũng được xem là cách cải thiện nguồn đóng quỹ một cách bền vững.

Trả lời cử tri, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội hứa sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong thời gian tới. Bảo đảm cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn sẽ một trong những nội dung trọng tâm của việc sửa đổi luật lần này.

Về nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, Uỷ ban phân tích, việc mất cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội chịu tác động của nhiều yếu tố ảnh hưởng (mức hưởng, điều kiện đóng – hưởng bảo hiểm xã hội…) ngoài ra còn phải cân nhắc toàn diện nhiều vấn đề chính sách khác như điều kiện sức khỏe của người lao động, vấn đề giải quyết việc làm, yếu tố dân số “vàng” và cải cách hành chính…

Do vậy, Quốc hội và các cơ quan hữu quan sẽ xem xét, cho ý kiến kỹ đối với quy định này trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo đưa ra một phương án có tính khả thi, hiệu quả cao.

Với kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu nhằm tạo cơ sở pháp lý để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của cử tri Quảng Ninh, văn bản trả lời nêu rõ, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tiền lương tối thiểu.

Nội dung điều chỉnh của luật này sẽ gắn với yêu cầu, mục tiêu cải cách chính sách tiền lương của Đảng và Nhà nước ta.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ đề nghị với Quốc hội điều chỉnh thời gian ban hành Luật Tiền lương tối thiểu sớm hơn trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, công văn trả lời khẳng định.

>>>


Theo Nguyên Hà

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM