Lối thoát nào cho ngành mía đường Việt Nam?

02/01/2014 11:01 AM |

Lối thoát nào cho ngành mía đường trước ngưỡng cửa Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015 đang là dấu hỏi lớn trước những yếu kém của ngành mía đường hiện nay.

Những yếu kém của ngành mía đường Việt Nam như tồn kho nhiều, giá mua mía cao, chữ đường thấp, đường lậu … đã được bộc lộ qua việc Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) phản đối Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xin NK 30.000 tấn đường từ Lào. Lối thoát nào cho ngành mía đường trước ngưỡng cửa Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015?

Ngành mía đường lên tiếng

Toàn bộ câu chuyện bắt nguồn từ việc Nhà máy đường Biên Hòa xin nhập 30.000 tấn đường thô của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào về tinh luyện trong nước rồi tái xuất sang Trung Quốc. VSSA lập tức phản đối vì cho rằng đường trong nước sẽ không thể cạnh tranh nổi với đường của Hoàng Anh Gia Lai khi giá thành sản xuất đường thô tại Lào của họ chỉ vào khoảng 7.500 đồng/kg, trong khi ở trong nước là 13.000 - 14.000 đồng/kg. Câu chuyện càng trở nên căng thẳng hơn, vì năm nay là một năm cực kỳ khó khăn của ngành mía đường trong nước. Tồn kho lớn, giá giảm và Hiệp hội từ giữa năm đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi kiến nghị chống đường lậu, đề xuất cho XK biên mậu… để giải cứu các nhà máy đường.

Theo công văn mới đây nhất trả lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú trên báo chí, VSSA cho biết mục tiêu bảo hộ người nông dân trồng mía đã phần nào đạt được, khi họ được DN bao tiêu sản phẩm với mức giá khá cao từ 45 - 50 USD/ tấn với chất lượng mía 9-10 CCS (chữ đường chỉ lượng đường thương phẩm có thể lấy ra từ cây mía), trong khi các nước như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan… giá mía mua vào chỉ ở mức 30 - 35 USD/tấn với chất lượng mía 13 CCS trở lên. Hiệp hội cũng lập luận rằng, nếu Bộ tạo ra tiền lệ bằng cách cho Biên Hòa nhập đường thô giá rẻ từ Lào, các nhà máy khác cũng sẵn sàng nhập từ Brazil, Thái Lan về tinh chế, bỏ ép mía và người phải gánh chịu sẽ là người nông dân.

Tuy nhiên, có một thực tế mà VSSA phải chấp nhận là việc NK đường từ Lào sẽ được cho phép và với mức thuế suất thấp nhất. Điều này căn cứ theo cam kết AFTA (hạn chót vào năm 2015) và dự thảo Đề cương Hiệp định thương mại mới giữa Việt Nam - Lào mà Bộ Công thương vừa hoàn thành gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Theo đó, nguyên tắc cơ bản của Hiệp định là tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa XNK của 2 nước, cam kết dành cho nhau những ưu đãi ở mức cao nhất. Về thương mại hàng hóa, Chính phủ hai nước sẽ giảm dần và tiến tới bãi bỏ thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại đối với tất cả mọi loại hàng hóa có xuất xứ từ hai nước.

Tìm một lối thoát

Theo GS Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, ngành mía đường Việt Nam thua kém Thái Lan là do khi phát triển ngành mía đường trên các địa bàn trong nước, chúng ta đã không nghiên cứu đầy đủ dữ kiện khoa học cụ thể của từng vùng trồng mía để giúp cho nông dân có lợi nhuận cao. Để đạt được ngôi vị thứ 2 về XK trên thế giới, Thái Lan đã xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển giống mía của Chính phủ. Về phía tư nhân, Công ty đường Mitr Phol đã tự đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới và nghiên cứu cây mía để phục vụ khoa học cho vùng nguyên liệu của mình. Với 20.000 nông hộ và 300.000 ha mía, trung tâm có 60 chuyên viên kĩ thuật bảo đảm sản xuất cho DN đồng thời nâng cao lợi tức của dân trồng mía. Mỗi năm Mitr Phol sản xuất 2,8 triệu tấn đường, xếp hạng thứ 5 về các nhà máy đường lớn nhất thế giới.

Trong khi đó tại Việt Nam chỉ có một Viện Nghiên cứu mía đường tại tỉnh Bình Dương nhưng chưa phát huy hiệu quả do thiếu nhân lực chuyên môn cao và thiếu kinh phí. GS Võ Tòng Xuân cho rằng đã đến lúc các DN mía đường cần đầu tư kinh phí để thiết lập các chương trình nghiên cứu cây mía Việt Nam từ các viện, trường đại học sẵn có tại các vùng sinh thái, đồng thời cần cải tiến công tác đào tạo cán bộ cho ngành mía đường. Trong khi đó, vai trò Nhà nước sẽ ban hành những chính sách và hành động cụ thể qua việc thành lập cơ quan quản lý chính sách về mía đường, xây dựng tỷ lệ ăn chia giữa nhà máy và người trồng mía, khối lượng XNK, quy định giá đường ở thị trường trong nước.

Theo nhận định của ông Leon Arceo - TGĐ Viện Nghiên cứu mía đường Philippines (Philsurin) tại một hội thảo phát triển ngành mía đường thì so về công nghệ, kỹ thuật chế biến đường nhiều nhà máy đường của Việt Nam được đầu tư hiện đại hơn cả một số quốc gia khác như Philippines, Brazil, Úc… Tuy nhiên về quản lý trồng mía vùng mía nguyên liệu thì Việt Nam lại quá thấp, đơn cử 13 tỉnh thành ĐBSCL có đến 13 nhà máy đường nhưng chỉ có vùng nguyên liệu tập trung 50.000 ha, còn lại chủ yếu là thu gom từ nông dân và thương lái.

Ông Leon Arceo dẫn chứng một mô hình điều hành ngành mía đường khá thành công của Trung Quốc. Việc quản lý vùng mía nguyên liệu được các cấp chính quyền địa phương nước này chấp hành tốt qua việc kiểm tra và quản lý quy hoạch, không để tình trạng quy hoạch chồng chéo với các loại cây trồng khác trên cùng diện tích. Mặt khác, các nhà máy chấp hành nghiêm túc việc phân vùng nguyên liệu, có cơ chế đầu tư và thu mua thỏa đáng cho người trồng mía. Các hộ trồng mía sử dụng giống mía mới sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30%, nhà máy là 40 - 50% giá giống, khi bán giá mía sẽ cao hơn giá sàn từ 10 - 20%.

“Trong chính sách điều hành mặt hàng đường, Trung Quốc ổn định giá đường trong nước bằng công cụ thuế NK và tạm trữ. Khi lượng cung tăng, giá đường giảm, Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lượng tạm trữ. Khi giá đường cao sẽ đưa lượng đường dự trữ ra để bình ổn giá nhằm bảo hộ sản xuất đường trong nước. Có lẽ đây là những cơ chế, chính sách cụ thể mà cả DN và người nông dân ngành mía đường Việt Nam đang mong đợi để yên tâm đầu tư nâng cao công nghệ, tăng sức cạnh tranh”, ông Leon Arceo nhận định.

Theo Quang Duy

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM