Đầu tư thêm cáp quang biển

30/10/2012 20:08 PM |

Việt Nam tham gia thị trường viễn thông khá muộn nhưng tốc độ tăng trưởng và ứng dụng công nghệ mới rất nhanh.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đang xúc tiến kế hoạch tham gia đầu tư thêm những tuyến cáp quang biển mới để đảm bảo tính ổn định của dịch vụ internet khi một hệ thống cáp quang biển hiện tại gặp sự cố.

Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho liên danh gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty viễn thông FPT, công ty Hạ tầng viễn thông CMC cùng tham gia hợp tác đầu tư tuyến cáp quang biển châu Á Thái Bình Dương (APG - Asia Pacific Gateway).

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty Viễn thông FPT, cho biết APG là tuyến cáp cáp quang biển dài hơn 11.000 km kết nối các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, với băng thông ban đầu là 4 Tbps. Tuyến cáp này sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM) 40Gb/s và có dung lượng thiết kế 15.3 Tbit/s. Điểm cập bờ tại Việt Nam của tuyến cáp này tại Đà Nẵng và dự kiến tuyến cáp này sẽ được đưa vào khai thác giữa năm 2014.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel, cho hay Viettel đầu tư vào tuyến cáp APG 25 tỉ đồng còn FPT đầu tư 10 tỉ đồng và CMC đầu tư 5 tỉ đồng.

Ngoài tuyến cáp APG, trước đây, Công ty viễn thông FPT tham gia đầu tư xấp xỉ 15 triệu đô la Mỹ để sử dụng dung lượng 150Gbps của tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) đã đi vào khai thác được gần bốn năm nay. “FPT vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một tuyến cáp biển nữa,” ông Khoa cho biết.

Viettel hiện đã đầu tư ba tuyến cáp quang biển, nhưng chủ yếu các tuyến cáp này có hướng kết nối đi Mỹ. Trước đây Viettel đã tham gia đầu tư tuyến cáp quang biển AAG cũng như tiếp nhận và sử dụng tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) mà Công ty Viễn thông Điện lực đã đầu tư (cùng với việc tiếp nhận công ty này về Viettel). Do đó, Viettel vẫn đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào những tuyến cáp quang biển có hướng kết nối quốc tế đến châu Âu hoặc các nước mà Viettel có tham gia đầu tư (như Haiti, Mozambique).

Theo ông Khoa, tăng cường đầu tư vào các tuyến cáp quang biển sẽ giúp cho Công ty viễn thông FPT có thêm phương án bảo vệ và duy trì sự ổn định cho hạ tầng mạng viễn thông quốc tế của FPT, đảm bảo an toàn mạng lưới. Bên cạnh đó còn đảm bảo nhu cầu sử dụng internet băng rộng và các dịch vụ viễn thông cơ bản ngày càng tăng cao cần nhiều băng thông với các dịch vụ như thoại, truyền số liệu cùng với các dịch vụ mới về phân tán, chuyển tiếp nội dung thông tin (CDN – content delivery network), điện toán đám mây (cloud computing).

Ông Dũng của Viettel cho rằng việc tự đầu tư cáp quang biển không chỉ giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tăng tính chủ động mà giúp chi phí rẻ hơn đi thuê cáp quang biển tới vài chục lần. "Để nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoạt động đốt thì phải đầu tư ba tuyến cáp quang biển", ông nói.

Ông Khoa nhận xét, Việt Nam tham gia thị trường viễn thông khá muộn nhưng tốc độ tăng trưởng và ứng dụng công nghệ mới rất nhanh. Nếu như năm 1997, tất cả các công ty viễn thông Việt Nam chỉ kết nối chưa đến 10 Mbps (Megabit/giây) thì sau 15 năm, tốc độ kết nối của Việt Nam đã gấp gần 36 lần, so với năm 1997. Nếu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Việt Nam ưu tiên đầu tư vào hạ tầng cáp quang biển như hiện nay thì sẽ sớm có một hạ tầng mạng ổn định, bền vững.

Theo Van Oanh

TBKTSG

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM