Hiểu đúng về mô hình trường học phi lợi nhuận: Không phải nơi cung cấp dịch vụ chất lượng cao giá rẻ, thực tế học phí còn "trên trời"

26/09/2017 08:51 AM | Kinh doanh

Trái với suy nghĩ của nhiều người, mô hình trường học phi lợi nhuận không phải cung cấp dịch vụ chất lượng cao giá rẻ mà thậm chí học phí khá đắt là khác.

Tại Việt Nam mới đây xuất hiện những mô hình trường học phi lợi nhuận như Vinschool, RMIT hay Fullbright. Đây thực tế là mô hình không mới bởi trên thế giới, nổi tiếng nhất phải kể đến những đại học hàng đầu như Harvard, Yale cũng hoạt động theo mô hình này.

Ban đầu nhiều người sẽ lầm tưởng "phi lợi nhuận" có nghĩa là các trường này sẽ hoạt động không có lợi nhuận và thậm chí cung cấp dịch vụ chất lượng cao với giá rẻ.

Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Những trường theo mô hình phi lợi nhuận mục tiêu hướng đến là chất lượng giáo dục của sinh viên, giúp họ hoàn thành việc học và thành công trong sự nghiệp.

Chính vì mục tiêu hướng đến khác nhau nên các trường phi lợi nhuận hoạt động độc lập với cấu trúc sở hữu trong khi các trường lợi nhuận phải tuân theo và hướng tới kết quả kinh doanh cho cổ đông của họ, tạo ra lợi nhuận là một ưu tiên chắc chắn.

Tiêu chí để xác định một trường học phi lợi nhuận là tái đầu tư tất cả lợi nhuận vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục và vận hành trường. Bên cạnh đó, vì không có chủ sở hữu, không phân chia lợi nhuận, tài sản đóng góp của trường được đảm bảo không phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và dễ dàng thu hút nguồn tài trợ từ các quỹ giáo dục, các tổ chức, cá nhân và cả nguồn tài trợ từ chính phủ.

Nói như vậy không có nghĩa đại học phi lợi nhuận không kinh doanh, kiếm tiền mà ngược lại, khi có lợi nhuận sẽ dành tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, giáo dục, cơ sở vật chất, thay vì ưu tiên phân phối cho cổ đông như mô hình lợi nhuận.

Ví dụ điển hình là Harvard - vốn nổi danh khắp thế giới bởi hệ thống giáo dục hoàn hảo gồm đội ngũ giảng viên có uy tín và những sinh viên ưu tú. Không chỉ vậy, Harvard còn là ngôi trường cực kỳ giàu có với doanh thu lớn hơn GDP của một số nước nghèo trên thế giới.

Câu hỏi đặt ra là vì sao hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, Harvard lại giàu có tới vậy, họ kiếm tiền từ đâu? Câu trả lời là nhờ mức học phí "trên trời" cùng những khoản kinh doanh và quyên góp.

Nếu nhìn vào báo cáo tài chính năm 2016 của Harvard, có lẽ nhiều công ty trên thế giới phải thấy "hổ thẹn". Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động của trường trong năm tài chính 2016 tăng 6% lên mức 4,8 tỷ USD. Số tiền này đến chủ yếu từ những khoản quyên góp của các cá nhân và tổ chức, học phí…

Hiểu đúng về mô hình trường học phi lợi nhuận: Không phải nơi cung cấp dịch vụ chất lượng cao giá rẻ, thực tế học phí còn trên trời - Ảnh 1.

harvard4Tổng số tiền quyên góp trường Harvard nhận được trong năm tài chính 2016 đã tăng 7% lên mức 1,7 tỷ USD.

Nhận được nhiều tiền quyên góp là vậy nhưng Harvard cũng thu của các học sinh khoản học phí khá đắt đỏ. Trong năm học 2016- 2017, mức học phí trung bình một học sinh Harvard phải đóng lên tới hơn 72.100 USD, nâng tổng số doanh thu cho nhà trường từ riêng khoản học phí của sinh viên tăng 7% lên mức 998 triệu USD trong năm tài chính 2016.

Ngoài ra, bản thân Harvard còn có những khoản đầu tư bên ngoài như tại General Investment Account hoặc thông qua công ty Harvard Management Company.

Một "con cưng" khác sản sinh ra doanh thu khổng lồ cho Harvard là Trường Kinh doanh Harvard (HBP). Hàng năm, đơn vị này thu được gần 200 triệu USD nhờ bán case study cho các trường học, công ty và một số đơn vị khác.

Riêng trong năm 2014, HBP bán được 12 triệu bản case study cho các trường học, công ty và một số đơn vị khác. Giá bán lẻ giao động từ 9 – 15 USD/case study cơ bản, riêng các trường học sẽ được giảm giá. Doanh số bán case study thậm chí tăng nhanh hơn cả doanh số tài khoản đăng ký đọc Harvard Business Review (một tạp chí trực thuộc trường).

Tất cả những điều kể trên đã khiến "đế chế kinh doanh" Harvard trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Cụ thể, theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản ròng của Harvard lên tới 44,6 tỷ USD (tính đến ngày 30/6/2016) khiến nó trở thành trường đại học giàu có nhất nước Mỹ.

Bản thân ngay tại Việt Nam, một số trường đại học theo mô hình phi lợi nhuận cũng có mức học phí "trên trời" có thể kể đến như UNIS Hà Nội là một ngôi trường phi lợi nhuận dành cho cả những gia đình nước ngoài và gia đình Việt Nam hiện đang sống ở Hà Nội, mức học phí là 500 triệu đồng/năm.

Còn tại đại học RMIT Việt Nam (một trường phi lợi nhuận), học phí cho chương trình Đại học nằm trong khoảng 500 – 800 triệu đồng cho toàn bộ khóa học.

Bản thân Harvard theo trang Collegefactual.com dự đoán thì học phí của trường này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới:

Hiểu đúng về mô hình trường học phi lợi nhuận: Không phải nơi cung cấp dịch vụ chất lượng cao giá rẻ, thực tế học phí còn trên trời - Ảnh 2.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM