Từ doanh nhân và nhân viên ngân hàng phố Wall thành người vô gia cư
Shawn Pleasants tốt nghiệp Đại học Yale, từng làm Morgan Stanley và là một doanh nhân nhưng hiện là người vô gia cư. Mâu thuẫn với đồng sáng lập khiến công ty của Pleasants phá sản.Câu chuyện của Pleasants là ví dụ điển hình về tình trạng vô gia cư tại Los Angeles, Mỹ.
Shawn Pleasants sở hữu bản CV mà mọi người đều ao ước, thứ có thể giúp ông có được sự chú ý từ bất kỳ nhà tuyển dụng nào. Ông từng là người đọc diễn văn tốt nghiệp tại trường trung học; cựu sinh viên chuyên ngành kinh tế học tại Đại học Yale; một nhân viên dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng phố Wall và từng là một doanh nhân trẻ quản lý doanh nghiệp nhỏ của riêng mình.
Nhưng với chỉ một bước đi sai lầm trong khoảng thời gian 10 năm về trước, người đàn ông đó giờ đây lại trở thành một người vô gia cư, hàng ngày kiếm sống trên những con phố. Hiện tại, ông đang sống trong một chỗ ở tồi tàn, che chắn bởi những tấm vải nhựa lớn, giữa khu phố Hàn Quốc nằm tại trung tâm thành phố Los Angles hoa lệ.
Đã có rất nhiều người chia sẻ với Shawn Pleasants rằng: một người thông minh và tài năng như ông không đáng phải sống trong tình cảnh nghèo khó như thế này.
“Nhưng tôi trả lời rằng, vậy ai mới là những người nên ở đây? Là ai?”, Pleasants cho biết.
Quá trình trở thành người vô gia cư của một người đàn ông
Pleasants sinh ra và lớn lớn tại thành phố San Antonio, bang Texas. Là người được quan tâm hết mực bởi gia đình, ông luôn có thành tích học tập xuất sắc tại trường học, theo lời kể từ người em ruột của ông - Michael.
Mẹ của họ là một giáo viên trong khi cha ông phục vụ cho không quân Mỹ.
“Anh ấy là một đứa trẻ với sự tò mò to lớn với thế giới, có thể tháo tung mọi thứ và lắp chúng trở lại nguyên vẹn như ban đầu”, Michael Pleasants cho biết. Michael cũng theo chân người anh trai của mình theo học tại trường Đại học Yale. “Anh ấy là một đứa trẻ hết sức tài năng”.
“Anh ấy chơi Trombon rất cừ và đạt một số giải thưởng cấp thành phố”.
Pleasants cũng rất nỗ lực để vượt qua những khiếm khuyết về mặt thể chất. Ông ra đời với một chiếc chân bị quặp và phải mang khung nắn xương trong suốt nhiều năm tuổi thơ, em trai của ông chia sẻ. Bác sĩ từng nói đùa rằng ông sẽ chẳng bao giờ có thể tham gia một giải chạy marathon. Nhưng trên thực tế, em trai của ông đã thấy ông chạy một vài lần, và đến năm ông 20 tuổi, ông đạt được trạng thái thể chất tốt nhất.
Pleasants từng là người đại diện cho học sinh toàn trường trung học đọc diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp. Ông cũng nhận được rất nhiều mời chào nhập học từ các trường đại học danh tiếng.
Cuối cùng, Shawn đã chọn Yale. Trong quá trình học tập, ông nhận được trợ cấp từ nhà trường cũng như một số học bổng nhờ vào thành tích học tập xuất sắc của mình. Điều đó giúp ông chỉ phải bỏ ra một khoản tiền nhỏ để đóng học phí.
Chuyên ngành chính của ông là kinh tế học. Sau một vài năm lăn lộn trên phố Wall, kinh qua nhiều vị trí, trong đó có thời gian làm việc tại ngân hàng đầu tư nổi tiếng Morgan Stanley, ông đã quyết định chuyển đến “chân trời mới”: California. Với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ Hollywood của mình, ông đã tự mình gây dựng nên một công ty nhỏ chuyên về sản xuất phim.
Khoảng những năm 1995, ngành công nghiệp DVD bắt đầu bùng nổ. Công ty của ông bị cuốn vào vòng xoáy thế giới phim người lớn. Lợi nhuận của công ty thu về nhiều tới nỗi Pleasants đã có thể mua cho mình một ngôi nhà khá rộng nằm trong khu vực Silver Lake, thành phố Los Angeles.
“Đó là một ngôi nhà rất đẹp, thứ mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trên kênh ca nhạc MTV”, Michael chia sẻ.
Nhưng chính những mâu thuẫn giữa ông và người đồng sáng lập công ty đã khiến cho toàn bộ doanh thu của công ty sụt giảm.
“Khi mọi thứ đã được giải quyết êm thấm, thì cũng là lúc công ty phá sản”.
Cùng thời điểm đó, khoảng 10 năm về trước, ông đã mất đi người mẹ của mình vì bệnh ung thư. Chính biến cố đó đã đẩy Pleasants vào một giai đoạn khủng hoảng về tinh thần cũng như thể chất.
“Anh ấy thay đổi chỗ ở, và cuối cùng sống vạ vật ngay trên chiếc xe hơi của mình, trước khi anh ấy để mất nó”, Michael cho biết.
Pleasants là người đồng tính. Ông luôn coi mình là người đã có gia đình và nửa kia là một người đàn ông vô gia cư khác. Họ đã gắn bó với nhau trong suốt 10 năm qua, trước cả khi 2 người bắt đầu cuộc sống trên vỉa hè thành phố Los Angeles.
Họ sống cùng nhau trên các con phố, cư xử với nhau như một đôi tình nhân. Họ thu hút sự chú ý từ những người xung quanh, những người hay qua lại các con phố trong khu Hàn Quốc suốt 6 năm qua.
“Chúng tôi đang bận đi lấy đồ”, ông giải thích rằng một số đồ đang chờ ông đến lấy cách đây vài dãy phố.
Shawn Pleasants hiện là một người vô gia cư. Ảnh: CNN. |
Ông cũng cảm thấy không hài lòng với ý tưởng di chuyển những người vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ cộng đồng.
“Họ luôn đặt ra những luật lệ cứng nhắc. Tôi sẽ rời khỏi nơi đó ngay lập tức”, ông cho biết.
Pleasants tin rằng những trung tâm như thế sẽ hạn chế sự tự do của ông. Ông cũng quan ngại rằng mình sẽ không thể giữ lại mọi đồ đạc vì sẽ không có đủ không gian cho chúng ở đó.
“Tôi thích một nơi nào đó mà tôi có thể tự do đi tới thư viện, và làm những điều cần thiết khác”.
Ông đã bắt đầu sử dụng chất gây nghiện trước khi ông trở thành một người vô gia cư, nhưng phủ nhận rằng đó là lý do đẩy ông vào hoàn cảnh này.
Người em trai của Pleasants cho biết quá trình dẫn đến tình trạng này của ông bắt đầu khi ông đang trong quá trình hồi phục một chấn thương lưng, trước khi trở thành người vô gia cư. “Mọi việc bắt đầu khi Pleasants ấy phải sử dụng rất nhiều thuốc giảm đau. Nhưng khi chúng trở nên quá đắt đỏ, anh ấy phải tìm đến những sự lựa chọn thay thế khác”.
Shawn Pleasants cho biết sử dụng chất kích thích vài lần một tuần như là một sự giải thoát cũng như giúp ông tỉnh táo hơn vào ban đêm.
“Mỗi khi bạn ngủ, đó là lúc bạn thua cuộc vì người khác sẽ đến và lấy đi mọi thứ của bạn”, ông cho biết.
“Tôi là người ngủ nhiều. Thế nên tôi mất nhiều thứ quá”.
Cuộc sống trên các con phố
Tuy là người vô gia cư nhưng Pleasants sỡ hữu cả laptop lẫn điện thoại di động. Chiếc điện thoại và cước viễn thông hàng tháng được trợ cấp miễn phí trong khuôn khổ một chương trình có từ thời ông Obama. Ông dành phần lớn thời gian của mình ở thư viện, nơi ông có thể truy cập internet và cập nhật những thông tin mới nhất.
Ông sống qua ngày thông qua việc nắm rõ thời gian và địa điểm của những nơi mà ông có thể lấy những suất ăn miễn phí. Bằng trí thông minh trời phú của mình, ông đã xây dựng một lịch trình phù hợp cho riêng mình.
“Có một số nhà thờ (nơi cung cấp bữa ăn miễn phí), cũng như một số tủ đựng đồ ăn. Bạn phải ghi nhớ những địa điểm đó”, ông giải thích.
Khi được hỏi liệu Pleasants có gặp phải bất cứ một vấn đề nào về tâm lý hay không, người em trai của ông trả lời rằng: “Tôi nghĩ anh ấy mắc chứng trầm cảm. Anh ấy đã phải vượt qua những quãng thời gian vô cùng khó khăn và tự điều trị cho mình, nhưng anh ấy vượt qua chúng với sự lạc quan, ý chí kiên cường và nghị lực”.
Gia đình tôi đã nhiều lần muốn giúp đỡ anh ấy, Michael cho biết. Có một lời đề nghị vẫn còn bỏ ngỏ với anh ấy khi chuyển về sống cùng người cha của chúng tôi năm nay đã 86 tuổi tại quê hương San Antonio.
|
Pleasants là một trong khoảng 60.000 người vô gia cư sống trên các con phố của hạt Los Angeles. Ảnh: CNN. |
Về lâu về dài, họ đều muốn Pleasants có thể tìm được cho mình một hướng đi phù hợp và có thể sống gần gia đình, có lẽ nhờ vào một chương trình hỗ trợ nào đó từ chính phủ.
Nhưng Pleasants lại tỏ ra không mấy hào hứng với điều đó.
“Tôi không thể làm gánh nặng cho bất cứ ai trong gia đình”, ông cho biết.
“Tự tôi khiến mình rơi vào tình cảnh này. Và cũng chính tự bản thân tôi phải thoát ra khỏi nó”.
Việc ông tốt nghiệp từ một trường đại học thuộc top những cơ sở giáo dục đại học tốt nhất tại Mỹ, từng sở hữu một ngôi nhà lớn và có một cuộc sống bao người hằng mong ước dường chẳng phải là điều gì đó to tát, ông nói.
Ông chỉ tay về phía một khu túp lều gần đó và nói: “Bạn có thể tìm thấy các nhạc sĩ. Kia là nhiếp ảnh gia. Ở đây tập hợp những người đến từ nhiều tầng lớp, địa vị xã hội khác nhau”.
Tình trạng vô gia cư tại Mỹ
Năm nay 52 tuổi, Pleasants là một trong khoảng 60.000 người vô gia cư sống trên các con phố của hạt Los Angeles. Tình trạng này có xu hướng diễn biến xấu đi trong một vài năm trở lại đây. Từ năm 2018 đến năm 2019, số lượng người vô gia cư đã tăng lên khoảng 12% chỉ tính riêng trên phạm vi khu vực hạt, trong khi đó, mức tăng số lượng người vô gia cư trong trung tâm thành phố Los Angeles là 16%, theo Greater Los Angeles Homeless Count. Dọc những con phố sầm uất trong trung tâm thành phố, số lượng những chiếc lều được chăng lên, cũng như những khu lán trại tại các khu vực gần đó đã tăng lên đáng kể.
Mike Dickerson, một trong những người sáng lập nhóm trợ giúp những người vô gia cư có tên Ktown for All, tiết lộ: những câu chuyện về cuộc đời nhiều người vô gia cư tại đây có thể khiến người nghe cảm thấy bất ngờ.
“Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người quan niệm rằng nguy hiểm luôn rình rập trong các khu vực lán trại của những người vô gia cư”, ông nói. “Và đối với bản thân tôi cũng như những tình nguyện viên khác, điều mà chúng tôi thấy ở những người vô gia cư là họ cũng giống như bao người khác ngoài kia, sự khác biệt là họ đang phải trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời họ. Chúng có thể bắt nguồn từ những vấn đề cá nhân, vì chủ thuê nhà “tống cổ” họ ra khỏi nhà do giá thuê nhà tăng quá cao so với tiềm lực tài chính của họ”.
Tuần trước, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump có chuyến thị sát đến Los Angles nhằm đánh giá thực trạng “khủng hoảng” người vô gia cư tại thành phố này. Ông Trump, người có quan điểm đối lập với nhiều chính trị gia bang California trên một loạt các vấn đề, gần đây đã nhấn mạnh sự thất bại của chính quyền bang này trong nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng trạng vô gia cư.
Ông Trump sẽ có chuyến thăm chính thức đến khu vực bờ Tây trong tuần này, giữa bối cảnh có nhiều nguồn thông tin cho rằng chính quyền của ông sẽ quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng người vô gia cư. Trong đó có thể bao gồm việc rỡ bỏ các khu lán trại tạm bợ và di chuyển một lượng lớn người không nhà ở vào các cơ sở bảo trợ công lập, theo tờ Washington Post. (Vẫn chưa chắc chắn liệu các biện pháp trên sẽ được áp dụng hay không hoặc tổng thống có đầy đủ thẩm quyền để thực hiện các biện pháp đó hay không)
Câu chuyện của Pleasants như là một lời nhắc nhở về tính phức tạp của tình trạng này. “Nó có thể xảy đến với bất kỳ ai. Đó là một vấn đề mà chúng ta đều phải đối mặt”. Pleasants trả lời các phóng viên trên vỉa hè một con phố, ngay cạnh đống vật dụng đã phai màu do nắng mưa của ông.
“Tôi chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình. Mọi quyết định đều là của tôi”, ông chia sẻ.
Dickerson cho biết để có thể giảm thiểu số lượng người vô gia cư sống lang thang trên các con phố, chính quyền phải có chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở thông qua các dự án nhà ở xã hội với mức giá dễ tiếp cận hơn với nhiều người.
“Tôi nghĩ rằng mọi người thường nghĩ đến sự bất ổn về thần kinh, sự nghiện ngập khi nói về bộ phận người vô gia cư này, nhưng đó không phải là những vấn đề căn bản”, anh chia sẻ.
“Ý tưởng ép những người vô gia cư về sống tại các trung tâm bảo trợ, nằm tại các khu vực biệt lập không phải là một giải pháp hiệu quả. Điều đó sẽ không thể tạo ra sự kết nối giữa họ và các cơ hội việc làm, nhà ở và những dịch vụ như chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng như hỗ trợ cai nghiện”.
“Và quan trọng hơn, việc đưa hàng ngàn người vào sống trong những tòa nhà lớn đó không hẳn là đã thỏa mãn nhu cầu nhà ở của họ, trừ khi không còn một nơi nào khác mà họ có thể sinh sống tự do lâu dài”, anh bổ sung.
Pleasants cho biết những người như ông thực sự cần những điều thiết thực hơn như nhà tắm chẳng hạn.
“Chúng tôi cần nơi nào đó để có thể tắm giặt để tránh mắc phải những bênh tật liên quan đến vấn đề vệ sinh cá nhân”, ông nói. “Và để kiếm được việc làm, chúng tôi cần có quần áo sạch. Chúng tôi có thể là chúng ở đâu? Làm sao chúng tôi có thể giữ áo quần đúng nếp?”.
Khi được hỏi bằng cách nào ông có thể thoát khỏi cuộc sống bất định hiện tại, Pleasants trả lời với một cách khá tự tin - yếu tố đã giúp ông trở thành một cá nhân nổi bật trong quá khứ.
“Tôi sẽ xắn tay xây dựng một công ty nhỏ thêm một lần nữa”, ông hé một nụ cười trên môi.