Từ chiếc máy tính bảng gọi món ở Haidilao đến xu hướng tương lai của ngành F&B, bán lẻ và logistics: Ranh giới giữa thế giới thực và ảo ngày càng phai mờ

20/03/2024 10:24 AM | Kinh doanh

Việc đưa những màn hình cảm ứng vào trải nghiệm của thực khách nằm trong một xu hướng tất yếu không chỉ đối với ngành F&B, mà còn rất nhiều lĩnh vực khác bao gồm bán lẻ và logistics.

Từ chiếc máy tính bảng gọi món ở Haidilao đến xu hướng tương lai của ngành F&B, bán lẻ và logistics: Ranh giới giữa thế giới thực và ảo ngày càng phai mờ - Ảnh 1.

Chiến lược "Phygital" - Đổi mới, cách tân và phát triển ngành bán lẻ, thực phẩm đồ uống (F&B) và logistics

Xu hướng đầu tiên được đánh giá sẽ mang đến hơi thở mới cho thị trường là "phygital". Thuật ngữ này kết hợp giữa từ "physical" và "digital", phản ánh thực tế mà các doanh nghiệp ngành bán lẻ - F&B - logistics tạo ra cho khách hàng trải nghiệm liền mạch giữa thế giới vật chất và thế giới điện tử.

Trong hoàn cảnh công nghệ đang được tái tạo, việc hiểu và áp dụng "phygital" không còn là lựa chọn, mà là trọng tâm để thích nghi với thị trường có mức độ số hóa ngày càng cao.

Trọng tâm của các chiến lược "phygital" là sử dụng công nghệ để tạo ra những trải nghiệm hài hòa với thế giới vật chất của khách hàng. Đó có thể là màn hình cảm ứng được khách sử dụng để đặt món tại nhà hàng – phương thức mà các chuỗi lớn đang kinh doanh tại Việt Nam như McDonald's hay Haidilao đã áp dụng từ lâu, đem đến trải nghiệm mới mẻ và vô cùng tiện lợi cho thực khách.

Một số cách thức áp dụng "phygital" quen thuộc khác là mã QR để quét thông tin sản phẩm, hoặc ưu đãi cá nhân nhận được trên điện thoại thông minh.

Đối với các doanh nghiệp, "phygital" là tái thỏa mãn khách hàng trong một thế giới kết hợp từ thế giới số vào thế giới thực, giúp "cách mạng hóa" trải nghiệm mua sắm, tăng cường sự tương tác và giá trị dòng đời sản phẩm. Khi khách hàng tương tác với một thương hiệu qua nhiều kênh một cách mượt mà, họ dần hình thành mối quan hệ tốt hơn và có khả năng quay lại mua sắm cao hơn.

Từ chiếc máy tính bảng gọi món ở Haidilao đến xu hướng tương lai của ngành F&B, bán lẻ và logistics: Ranh giới giữa thế giới thực và ảo ngày càng phai mờ - Ảnh 2.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) – Định nghĩa lại công nghệ trong ngành

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) đã trở thành nền móng của nhóm ngành bán lẻ - F&B - logistics hiện đại, và là một trong những xu hướng công nghệ nổi bật nhất. Từ việc dự đoán sở thích của khách hàng đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Generative AI giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Bên cạnh đó, Generative AI đang đưa cá nhân hóa lên tầm cao mới bằng cách tạo ra nội dung và gợi ý sản phẩm được tùy chỉnh, nâng cao trải nghiệm mua sắm.

Theo Forrester, năm 2024 sẽ chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng các giải pháp AI riêng biệt, sẵn sàng cho doanh nghiệp dựa trên dữ liệu của khách hàng và các tiêu chuẩn của thương hiệu. Các mô hình ngôn ngữ thương hiệu được tùy chỉnh này sẽ cho phép nhà tiếp thị có thể mở rộng những chiến dịch tiếp thị cá nhân hóa.

Trong kỷ nguyên mới của ngành bán lẻ - F&B – logistics, các khả năng là vô tận. Bằng cách tận dụng sức mạnh của cả kênh vật lý và kỹ thuật số, các doanh nghiệp trong ngành có thể tạo ra hệ sinh thái giúp tăng cường tương tác với khách hàng, thúc đẩy doanh số, và cuối cùng là đảm bảo sự thành công lâu dài trong bối cảnh toàn ngành đang tiến triển không ngừng.

Vào tháng 4, Viet Research cùng các chuyên gia, tổ chức tư vấn nghiên cứu trong nước và quốc tế sẽ công bố Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024, bao gồm các doanh nghiệp bán lẻ, F&B và logistics có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiên phong trong đổi mới và cách tân. Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ đổi mới - sáng tạo - hiệu quả cũng sẽ được công bố.

Nghiên cứu dựa trên khảo sát thực tiễn về đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp bán lẻ, F&B và logistics tại Việt Nam nhằm xác định xu hướng, đồng thời đánh giá tác động của đổi mới sáng tạo đến hiệu quả kinh doanh.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM