TS. Huỳnh Thế Du: Không được xem là các khu kinh tế nhưng Bình Dương và khu nam Sài Gòn là rất đáng tham khảo

26/09/2017 19:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Mô hình Khu kinh tế (KKT) đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ với các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) trong thập niên 1990. Các KKT quy mô lớn, nhất là các KKT ven biển đã nở rộ gần đây, nhưng kết quả cũng chưa như kỳ vọng.

Theo đánh giá của TS. Huỳnh Thế Du Đại học Fulbright Việt Nam, Thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, từ kinh nghiệm ở các nước khác, đối chiếu với thực tế phát triển khu kinh tế (KKT) ở Việt Nam cho thấy mô hình này đang đem đến các kết quả trái chiều.

Nguyên nhân thứ nhất được Tiến sĩ Du chỉ ra là mô hình KCX và KCN được triển khai từ đầu thập niên 1990 đã gặt hái được những thành công ở cả hai góc độ lợi ích trực tiếp và lợi ích gián tiếp tuy nhiên sự phát triển đại trà mang tính phong trào của các KCN sau đó đang gây ra nhiều hệ lụy. Các KCX, KCN là điểm đến chủ yếu của các doanh nghiệp FDI, nhất là những doanh nghiệp sản xuất tạo ra công ăn việc làm và nguồn hàng xuất khẩu.

Quan trọng hơn là những KCX và KCN đầu tiên đã là nơi thử nghiệm các chính sách, những cải cách thể chế mới mà nó có thể áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển đại trà của mô hình này khi chưa rút ra được những nhân tố then chốt tạo ra sự thành công đã dẫn đến trục trặc. Thay vì thể chế hóa những điểm mới, điểm tích cực từ các KCX và KCN thì những nơi này lại trở thành "nạn nhân" và bị hệ thống hiện tại đồng hóa với hành chính quan liêu và nhiều vấn đề nan giải khác.

"Nhìn ở góc độ nào đó, mô hình KCX và KCN đã là "phòng thí nghiệm" cho một số chính sách mới", Tiến sĩ Du nhận định trong báo cáo tham luận tại Diễn đàn kinh tế Miền Trung lần 2 năm 2017.

Nguyên nhân thứ 2 là mô hình KKT ven biển kể từ đầu thập niên 2000 chưa đạt được kết quả như kỳ vọng nhìn trên bình diện quốc gia. Dường như không có sự khác biệt nhiều về mặt chính sách bên trong và bên ngoài hàng rào KKT, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa cao độ nên sức hấp dẫn của các KKT ở Việt Nam là không nhiều.

Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ hầu hết các KKT ở Việt Nam rất giống nhau nên đây là những nơi tạo ra cuộc đua xuống đáy khốc liệt nhất. Với mô hình tổ chức hiện tại, gần như mô hình quản lý và hành chính của tất cả các KKT ở Việt Nam đều đã bị hệ thống hiện tại "đồng hóa" với các vấn đề có khi còn phức tạp hơn đối với các doanh nghiệp đầu tư bên ngoài khu kinh tế.

Tình trạng này đang rất phổ biến và khả năng các KKT trở thành những khu quy hoạch treo khổng lồ là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Quyết tâm nửa vời và sự chèo kéo của các địa phương dẫn đến tình trạng đầu tư theo "mô hình quả mít" có lẽ là vấn đề nan giải nhất hiện nay ở Việt Nam.

Đối với các khu kinh tế ven biển, việc hình thành các khu kinh tế nhằm tạo cơ chế cho các địa phương phát triển. Tuy nhiên, kết quả đã không được như kỳ vọng, trong khi những mặt trái của nó lại xuất hiện.

Theo báo cáo của Bộ KHĐT, Tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển của 16 KKT ven biển gần 815 nghìn ha; trong năm 2016, các KKT ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 130 nghìn lao động; một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tại các KKT ven biển đã hình thành một mặt thu hút phát triển ngành du lịch, mặt khác là nơi sinh sống của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến làm việc trong các KKT ven biển.

Diện tích các khu kinh tế này hiện gấp 4 lần diện tích TPHCM. Tuy nhiên, diện tích phát triển thực tế của Tp.HCM sau hơn 300 năm hình thành chưa đến 50 nghìn ha (500 km2). Diện tích các khu kinh tế ở mỗi địa phương lớn hơn rất nhiều diện tích đô thị và đất công nghiệp đã phát triển ở địa phương đó.

Do vậy, khả năng tất cả các khu kinh tế ven biển đều có thể lấp đầy và thành công trong một tương lai xác định là rất thấp nên ông Du cho rằng Chính phủ cần xem xét quy mô các KKT một cách hợp lý và để các địa phương phải đưa ra các tiêu chí đánh giá và so sánh với các địa phương khác nhằm đảm bảo việc giảm diện tích các khu kinh tế một cách thỏa đáng.

Điểm thứ 3, các KKT hiện nay thực chất chỉ là nơi tập trung các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất công nghiệp của các địa phương. Tuy các KKT có những quyền tự chủ nhất định, nhưng trên thực tế việc thu hút đầu tư, nhất là việc đàm phán và đưa ra các quyết sách với các dự án lớn đều được quyết định hay thông qua các cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương, thậm chí là lãnh đạo Trung ương.

Trong nhiều trường hợp nếu dự án ở ngoài KKT nếu cần thiết thu hút thì địa phương hoàn toàn có thể có các cơ chế để thu hút mà nhiều khi còn ưu đãi hơn cả trong các KKT hoặc địa phương có thể tìm cách bao gồm dự án thuộc KKT. Do vậy, nhìn từ góc độ ra quyết định và thực thi chính sách, các KKT thực chất chỉ là nơi tập trung các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất của địa phương.

Thứ tư, tuy không được xem là các KKT, nhưng trường hợp của Bình Dương và khu nam Sài Gòn là rất đáng tham khảo ở hai khía cạnh những yếu tố dẫn đến thành công và những trục trặc nảy sinh. Bình Dương đã tận dụng được các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa, được thể hiện được ở chỗ: (i) biết chớp lấy thời cơ ở thời điểm tách tỉnh và đón làn sóng đầu tiên của đầu tư nước ngoài; (ii) tận dụng vị trí gần sát TPHCM, nhưng chi phí đất đai thấp và dễ giải tỏa để phát triển công nghiệp; và (iii) có sự đồng thuận và quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương.

Đây là những yếu tố rất đáng để tham khảo. Tuy nhiên, những trục trặc hay dấu hiệu trục trặc đang xảy ra cho thấy nguy cơ sự cấp tiến hay những nhân tố tích cực tạo ra sự thần kỳ Bình Dương đang bị lấn áp hay "đồng hóa" bởi những trục trặc hay tính xơ cứng của thể chế hiện tại.

Đối với quá trình phát triển khu nam Sài Gòn có nhiều giá trị tham khảo. Hiện tại, đa phần đang nhìn vào những kết quả tài chính tạo ra từ mô hình khu nam Sài Gòn. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất từ quá trình phát triển khu vực này là việc tìm tòi và nuôi dưỡng những nhân tố mới.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM