Trung Quốc mạnh tay truy quét đa cấp lừa đảo

24/09/2017 07:23 AM | Kinh tế vĩ mô

Một vấn đề đang ngày càng khiến cho chính phủ Trung Quốc đau đầu trong thời gian gần đây là những vụ gian lận tài chính, mà nổi cộm lên là mô hình lừa đảo kim tự tháp (Pyramid scheme).

Li Wenxing vừa bắt đầu một cuộc sống mới. Vào tháng 5, chàng sinh viên mới tốt nghiệp đại học rời khỏi nhà của mình ở vùng nông thôn Trung Quốc đến làm việc tại một công ty phần mềm ở thành phố Thiên Tân. Nhưng công việc này là một vụ lừa đảo và anh Li đã bị cuốn vào mô hình lừa đảo kim tự tháp (Pyramid scheme).

2 tháng sau anh ấy đã chết. Bi kịch đang được điều tra này đang dấy lên làn sóng phẫn nộ ở Trung Quốc và làm sáng tỏ vấn đề gian lận tài chính đang ngày càng gia tăng và tác động tàn phá của nó lên các cộng đồng ở quốc gia này.

Theo Violet Ho, giám đốc điều hành có thâm niên của Kroll Advisory Solutions, thì “Nó (gian lận tài chính) gần như là một bệnh dịch, đặc biệt là ở vùng nông thôn.”

Những mô hình lừa đảo kim tự tháp

Những mô hình này đang phát triển mạnh mẽ ở các vùng có trình độ học vấn thấp ở Trung Quốc. Đối tượng của chúng là những người dễ bị lợi dụng, điển hỉnh là thanh niên và những người cao tuổi, với hứa hẹn về việc làm hoặc lợi nhuận béo bở từ việc bán hàng trực tiếp các sản phẩm như mỹ phẩm hoặc các loại thực phẩm chức năng.

Các nạn nhân được hứa hẹn sẽ kiếm được nhiều tiền nếu họ tuyển thêm được nhiều nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Bà Ho, người điều tra những hệ thống và tư vấn tài chính ở Trung Quốc, cho biết: “Họ cho những người ngây thơ tin rằng họ có thể làm giàu nhanh chóng mà không gặp rủi ro gì.”

Cho vay ngân hàng và tiền ảo cũng đang thúc đẩy sự lan rộng của các vụ lừa đảo đầu tư khác, lôi kéo các nạn nhân có ít kiến thức về tài chính.

Mô hình kim tự tháp và kế hoạch Ponzi phụ thuộc vào việc thu hút liên tục các nhà đầu tư mới, và một phần trong khoản tiền huy động được sẽ được trả cho những người đầu tư đi trước.

Bà Ho cho biết những vụ lừa đảo ở Trung Quốc khác với những gian lận thường thấy ở xã hội phương Tây do những nhà đầu tư liên quan thiếu những mánh khóe tinh vi. Các nạn nhân bán đi tất cả những gì họ có – vay tiền và thậm chí bán cả nhà – vì lời hứa sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn.

Trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đang tràn ngập bởi các đề án kim tự tháp. Một người sử dụng Weibo thậm chí còn phải thốt lên: “Tôi không thể đếm xuể số người đã bị lừa đảo nữa.”

Một vấn đề xã hội

Đó là một vấn đề xã hội mà chính phủ đang ra sức chống lại. Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị và chuyên gia về Trung Quốc tại trường đại học California San Diego, nói sự kết hợp của một vài yếu tố đã thúc đẩy sự tràn lan của những vụ gian lận này.

Ông Shih nói: “Sự gia tăng nhanh chóng của mô hình kim tự tháp là do chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là chi phí nhà ở, khiến nhiều người phải tìm kiếm nguồn lợi nhuận cao hơn và nguyên nhân trước đây là các quy định lỏng lẻo ở cấp địa phương.”

Dưới áp lực tăng trưởng kinh tế, chính quyền địa phương trong quá khứ đã thông qua một số kế hoạch đầu tư không rõ ràng mà không hiểu rõ về chúng với niềm tin rằng chúng sẽ mang lại lợi nhuận cao và thúc đẩy tăng trưởng.

Giáo sư Ning Zhu, phó chủ nhiệm của Viện nghiên cứu tài chính quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết: “Các đề án kim tự tháp đã từng là một ý tưởng phổ biến mà họ cho rằng có thể tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tôi không ngờ rằng điều nay vẫn đang diễn ra.”

Sự trừng trị thẳng tay của chính phủ

Các nhà chức trách đang chú ý nhiều hơn đến vấn đề này. Chính phủ thừa nhận các dự án kim tự tháp lớn đang tăng lên, và những người cầm đầu các dự án này đang sử dụng các cách thức khác nhau để thu hút và lừa đảo tiền và tài sản của những người Trung Quốc nhẹ dạ cả tin.

Trong một tuyên bố gần đây, Bắc Kinh đã nói: “Các đề án kim tự tháp trực tiếp làm tổn hại đến trật tự kinh tế và sự hài hòa và ổn định xã hội của thị trường.”

Trung Quốc đang tiến hành 3 tháng phối hợp hành động để điều tra và truy quét các đề án này. Hơn 100 vụ bắt giữ được thực hiện ở miền Nam Trung Quốc vào tháng trước nhằm vào các đối tượng có liên quan đến mô hình lừa đảo kim tự tháp 360 triệu nhân dân tệ (42,3 triệu USD).

Các nhà chức trách đã phá được ít nhất một vụ án lớn vào năm ngoái – một vụ lừa đảo tài chính trực tuyến trị giá 50 tỷ nhân dân tệ bị nghi ngờ là số tiền lừa gạt từ 900.000 nhà đầu tư.

Mặc dù có thể còn nhiều phản ứng khác từ chính phủ - số lượng các đề án kim tự tháp bị điều tra vào năm 2016 đã tăng 19% so với năm trước đó – nhưng thủ đoạn của những kẻ lừa đảo ở Trung Quốc dường như cũng trở nên xảo quyệt hơn.

Thủ đoạn hiểm ác

Một vài ngày trước khi chết, Li Wenxing đã nói với gia đình mình rằng: “Cho dù có ai gọi đòi tiền cũng đừng đưa cho họ.”

Theo Reuters, ngay sau khi đặt chân đến Thiên Tân, anh Li đã trở nên khó gần, khó liên lạc được bằng điện thoại và bắt đầu hỏi vay tiền bạn bè. Anh được tìm thấy trong trạng thái chết đuối ở một hồ nhỏ bên ngoài Thiên Tân. Cảnh sát nói rằng anh đã tham gia vào một đường dây lừa đảo kim tự tháp và các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Vilolet Ho của Kroll Advisory cho biết những phương thức như tống tiền mà nhóm này sử dụng trong trường hợp của anh Li là rất phổ biến. Cô cũng nói rằng các vụ lừa đảo ở Trung Quốc đã trở nên nham hiểm hơn khi những kẻ cầm đầu bắt giữ người bất hợp pháp và sử dụng các thủ đoạn để đe dọa nạn nhân.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM