Trung Quốc: Khi chất xám chảy ngược

19/02/2018 10:20 AM | Xã hội

"Tôi nghĩ rằng các du học sinh Trung Quốc sẽ trở về nước nhiều hơn nhờ cơ hội phát triển sự nghiệp có nhiều hơn trước", Giáo sự Andy Chun của trường đại học City ở Hong Kong nhận định.

Trong khi làn sóng sáp nhập và mua lại của các công ty Trung Quốc với những doanh nghiệp quốc tế đang chững lại trước sự cảnh giác của chính phủ các nước, những nhà đầu tư nước này đã chuyển hướng tới thị trường khởi nghiệp nội địa. Đi kèm với đó, nhiều tài năng công nghệ và nhà khoa học đang được các doanh nghiệp này mời chào trở lại Trung Quốc.

Hiện nhiều quỹ đầu tư quốc doanh đang nhắm đến những nhà điều hành và chuyên gia của các công ty nổi tiếng như Google, Apple, Facebook nhằm thu hút nhân tài để phát triển ngành công nghệ nội địa. Ngoài ra, những nhà đầu tư này cũng để ý đến những sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài nhằm thu hút chất xám ngược trở lại Trung Quốc sau thời kỳ dài nhiều người tài của nước này bỏ sang nước khác để tìm kiếm cơ hội mới.

"Họ nhận ra rằng nền kinh tế cần chuyển hướng đến ngành sản xuất kỹ thuật cao. Bởi vậy họ cần những tài năng trở về từ nước ngoài và các công ty sẵn sàng chi trả hậu hĩnh cho các lao động này", chuyên gia Shan Guangcun  vừa được một quỹ đầu tư quốc doanh mời về từ Đức nói.

Ông Shan từng làm việc cho Viện Max Planck ở Đức và được đầu tư khoảng 318.000-476.000 USD khi trở về Trung Quốc khởi nghiệp.

Trung Quốc: Khi chất xám chảy ngược - Ảnh 1.

Đầu tư cho công nghệ ở nước ngoài của Trung Quốc

Cách đây 10 năm, hầu hết học sinh Trung Quốc đều muốn du học ở nước ngoài và tìm kiếm cơ hội cho sự nghiệp của mình, xin việc vào các tập đoàn quốc tế lớn. Dẫu vậy, sự bùng nổ của những ông lớn Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Tencent đang thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường công nghệ thông tin, thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến. Chính điều này đang khuyến khích ngày càng nhiều tài năng công nghệ gốc Trung từ Phương Tây trở về Trung Quốc làm việc.

"Chúng tôi vẫn tin rằng những người giỏi nhất vẫn nằm trong các trường đại học và công ty Mỹ, bởi vậy chúng tôi vẫn đang cố gắng kêu gọi nguồn nhân lực này trở lại", Giám đốc đầu tư Cheng Yuyuan của quỹ K2VC, chuyên nhắm đến những tài năng nước ngoài nói.

Trên thực tế, những động thái nhằm nâng cao sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đã được cấp tập thực hiện trong những năm gần đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2017 đã đặt mục tiêu khiến quốc gia này dẫn đầu trong mảng trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Số liệu của Dealogic cho thấy kể từ năm 2014, các công ty Trung Quốc đã tốn khoảng 100 tỷ USD cho các thương vụ mua lại, sáp nhập với doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện tỷ trọng đầu tư thu hút nhân tài của các quỹ quốc doanh còn khá nhỏ so với tổng số tiền họ có, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có những thành công ban đầu. Ví dụ quỹ Zhen Fund đã thành công thuyết phục được nhiều giám đốc cấp cao, chuyên gia nghiên cứu từ Amazon, Apple, Oracle, Facebook, Intel, Google trở về tham gia khởi nghiệp tại Trung Quốc.

Theo anh Ayden Ye, một cựu học sinh tại UC Berkeley và là nhà sáng lập của hãng thực tế ảo VeeR, các quỹ đầu tư quốc doanh Trung Quốc thường tổ chức các sự kiện ở những hội thảo các trường đại học. Qua đó, họ đề nghị những lời mời vô cùng hấp dẫn như nhà, văn phòng miễn phí mà không cần chia sẻ cổ phần, miễn là các nhân tài trở về khởi nghiệp trong nước.

"Hiện thành phố nào của Trung Quốc cũng đang cố gắng để trở thành trung tâm công nghệ của cả nước, bởi vậy cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài từ nước ngoài là rất lớn", anh Ye nói.

"Tôi nghĩ rằng các du học sinh Trung Quốc sẽ trở về nước nhiều hơn nhờ cơ hội phát triển sự nghiệp có nhiều hơn trước", Giáo sự Andy Chun của trường đại học City ở Hong Kong nhận định.

AB

Cùng chuyên mục
XEM