Trung Quốc báo tin "đại hỷ", khủng hoảng thịt lợn vẫn nghiêm trọng: Cả thế giới không giúp nổi
Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Trung Quốc Yu Kangzhen ngày 30/12 thông báo giá thịt lợn tại thị trường nước này đã giảm hơn 18% so với giá đỉnh ngày 1/11.
Thịt lợn Trung Quốc hạ giá, tín hiệu mừng hiếm hoi
Theo ông Yu, nhờ thực thi một số chính sách phục hồi chăn nuôi lợn, giá cả thịt lợn đã có chiều hướng giảm. Số liệu của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 27/12 giá thịt lợn trên cả nước là 42.89 nhân dân tệ/kg, giảm 18.5% so với mức 52.40 tệ/kg hôm 1/11.
Ông Yu Kangzhen nói rằng nguồn cung cho thị trường nông sản trong nước của Trung Quốc năm nay về tổng thể là đầy đủ, vận hành bình ổn, giá cả một số mặt hàng có biến động khá lớn. Ông thừa nhận dịch tả lợn châu Phi cùng một số biện pháp hạn chế chăn nuôi không phù hợp đã gây ra tình trạng thiếu thốn nguồn cung, đẩy giá thành thịt lợn lên cao và làm giá các mặt hàng như thịt bò, cừu, gia cầm, trứng gà tăng theo.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng phi mã trong năm 2019 do dịch tả lợn càn quét. Lạm phát Trung Quốc hồi tháng đã đạt mức cao nhất trong gần 8 năm tám năm, sau khi giá thịt lợn tăng vọt 110% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Forbes (Mỹ) ngày 28/12 nêu, dịch tả lợn đã tác động tồi tệ đối với ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc hơn dự kiến. Sau khi mầm bệnh được xác định xuất hiện lần đầu tại nước này vào năm 2018, dịch đã lây lan nhanh chóng bởi cả người dân và giới chức bản địa chậm báo cáo lên cấp trên.
Chính phủ trung ương sau đó vào cuộc với giải pháp cấm vận chuyển lợn sống để ngăn dịch lan truyền giữa các địa phương, song lệnh cấm lại phản tác dụng khi tạo ra tình trạng chênh lệch giá thịt giữa các vùng - trở thành "miếng mồi" cho hoạt động buôn bán thịt lợn trái phép.
Li Defa, người đứng đầu Học viện khoa học kỹ thuật động vật, thuộc Đại học nông nghiệp Trung Quốc, ước tính dịch tả lợn châu Phi đã làm tổn thất trực tiếp của Trung Quốc hơn 140 tỉ USD.
Bộ nông nghiệp Trung Quốc hồi cuối tháng 11 trấn an rằng cuộc khủng hoảng thịt lợn tồi tệ nhất có thể đã kết thúc, và các nguồn chăn nuôi lợn bắt đầu tăng lên. Cục trưởng Cục thú y thuộc Bộ nông nghiệp Trung Quốc Yang Zhenhai tin rằng tổng đàn lợn có thể ngừng giảm vào cuối năm nay. Bộ cũng kỳ vọng đến cuối năm 2020, đàn lợn của Trung Quốc sẽ khôi phục đến 80% so với giai đoạn trước khủng hoảng.
Bất chấp các tín hiệu tích cực, nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ mất nhiều năm để phục hồi ngành chăn nuôi lợn, trong khi Bắc Kinh cần phải tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này.
Theo công ty dịch vụ tài chính Gavekal (Hồng Kông), nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong năm 2019, lên mức trên 2 triệu tấn, đồng thời xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm sau. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ, châu Âu và các khu vực khác đều kỳ vọng thúc đẩy lượng hàng bán sang Trung Quốc.
Trong thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" dự kiến ký kết trong tháng 1 với Mỹ, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ mua thêm nông sản của Mỹ. Nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ vẫn tăng trưởng bất chấp thuế quan 62% được áp từ năm 2018. Trung Quốc đã phải dỡ bỏ thuế quan này hồi tháng 9, như một cử chỉ thiện chí.
"Chúng tôi dự kiến lượng xuất khẩu kỷ lục thịt lợn Mỹ vào Trung Quốc năm 2020, khi các thuế quan dần được dỡ bỏ," nhà phân tích cấp cao Christine McCracken ở Raboresearch cho biết. Bà cho rằng kim ngạch nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc sẽ tăng mạnh trước thềm Tết Âm lịch.
Châu Âu cũng đang quan tâm đến nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc. Cao ủy phụ trách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan nói tại họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 11, rằng EU mong muốn lấp vào khoảng trống trong tình trạng "thâm hụt protein đáng kể" của Trung Quốc. Song phương được kỳ vọng chốt lại thỏa thuận đầu tư vào năm 2020 nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều.
Quy mô giao dịch thịt lợn toàn cầu được đánh giá là chỉ chiếm khoảng 20% lượng tiêu thụ của cả Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Thế giới cũng không giúp được Trung Quốc vượt qua khủng hoảng thịt lợn
Theo Forbes, bất kể Trung Quốc nhập khẩu thịt lợn nhiều đến đâu thì cũng không đủ bù lại phần thiếu hụt do dịch tả lợn gây ra. Quốc gia 1.4 tỉ dân tiêu thụ hơn một nửa sản lượng thịt lợn toàn cầu, và tổng quy mô thương mại thịt lợn thế giới chỉ chiếm khoảng 20% lượng tiêu thụ nội địa của Trung Quốc.
"Quy mô nhập khẩu là quá nhỏ bé để đáp ứng nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc," chuyên gia Cui Ernan của Gavekal viết trong báo cáo hồi tháng 9.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao He Weiwen của Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, Bắc Kinh, ngay cả khi kim ngạch nhập khẩu trong năm tới tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2018, con số này cũng chỉ đáp ứng 5-6% lượng tiêu thụ trong nước.
Vực dậy ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả sẽ là một nỗ lực dài hạn. Trước cuộc khủng hoảng, 3/4 lượng thịt lợn Trung Quốc được sản xuất trong trang trại quy mô nhỏ của các hộ gia đình trên khắp đất nước. Dây chuyền sản xuất thịt lợn được dự đoán sẽ tập trung vào các cơ sở lớn hơn, với mức độ an toàn được bảo đảm cao hơn. McCracken dự báo tỷ trọng các nhà sản xuất vừa và nhỏ sẽ giảm khoảng 14% trong vài năm tiếp theo.
Cui Ernan ước tính ngành công nghiệp thịt lợn sẽ mất ít nhất 5 năm để phục hồi hoàn toàn, căn cứ theo kinh nghiệm từ các nước khác cũng chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
"Dự báo chung là sản xuất thịt lợn sẽ không phục hồi ít nhất cho đến cuối năm sau," bà Cui nói, cho rằng giá thịt lợn sẽ còn tăng trong năm 2020.