Trích lập dự phòng gấp gần 5 lần cùng kỳ, VIB để mất mốc lợi nhuận 2.000 tỷ

24/01/2024 16:33 PM | Kinh doanh

Trong 2 quý cuối năm 2023, VIB trích lập dự phòng trên 1.600 tỷ đồng mỗi quý, nâng tổng trích lập dự phòng cả năm lên 4.846 tỷ đồng, gấp 4 lần năm ngoái và khiến lợi nhuận chỉ tăng trưởng 1%.

Trích lập dự phòng gấp gần 5 lần cùng kỳ, VIB để mất mốc lợi nhuận 2.000 tỷ - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023.

Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 4.333 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số liệu cho thấy thu nhập lãi thuần của VIB đang có dấu hiệu chững lại trong năm 2023, khi cả 4 quý năm nay đều đạt trong khoảng 4.300-4.400 tỷ đồng. Trước đó, thu nhập lãi thuần có chuỗi tăng trưởng ấn tượng, từ khoảng 1.400 tỷ đồng đầu năm 2019 tăng lên 3.900 tỷ đồng vào quý 4/2022.

Trích lập dự phòng gấp gần 5 lần cùng kỳ, VIB để mất mốc lợi nhuận 2.000 tỷ - Ảnh 2.

Tổng thu nhập hoạt động quý 4/2023 đạt 5.842 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chí phí dự phòng rủi ro tín dụng lại lên tới gần 1.700 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ. Vì vậy, VIB chỉ lãi 2.378 tỷ đồng trước thuế và 1.902 tỷ đồng sau thuế.

6 quý trước đó, lợi nhuận VIB đều đạt trên mốc 2.000 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng gấp gần 5 lần cùng kỳ, VIB để mất mốc lợi nhuận 2.000 tỷ - Ảnh 3.

Với kết quả này, lũy kế năm 2023 VIB đạt 17.360 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 8.562 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 16% nhưng lợi nhuận chỉ tăng 1%.

Theo quan sát, trong 2 quý cuối năm 2023, VIB trích lập dự phòng trên 1.600 tỷ đồng mỗi quý, nâng tổng trích lập dự phòng cả năm lên 4.846 tỷ đồng, gấp 4 lần năm ngoái.

Trích lập dự phòng gấp gần 5 lần cùng kỳ, VIB để mất mốc lợi nhuận 2.000 tỷ - Ảnh 4.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản VIB đạt gần 410.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng cuối kỳ đạt hơn 267.000 tỷ đồng, tăng 14,2%. Tổng huy động vốn của VIB đạt 283.000 tỉ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng gần 237.000 tỉ đồng, tăng 18% so với đầu năm.

Theo ban lãnh đạo VIB, mặc dù tình hình thị trường có nhiều biến động trái chiều nhưng VIB vẫn nhất quán với chiến lược bán lẻ cùng khẩu vị rủi ro thận trọng. Tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ bán lẻ tại VIB đạt trên 85% tổng danh mục cho vay, đồng thời trên 90% dư nợ bán lẻ là cho vay có tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, VIB cũng thận trọng trong việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong hơn 4 năm qua, dư nợ cho vay các hoạt động và lĩnh vực như: BOT, năng lượng tái tạo, bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu bất động sản đều bằng không. Danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại VIB cũng ở nhóm thấp nhất thị trường, chỉ chiếm 0,3% danh mục tín dụng và chủ yếu là của các công ty ngành sản xuất và dịch vụ.

Hà My

Từ khóa:  VIB
Cùng chuyên mục
XEM