Thực hư đũa - thớt mốc gây ung thư gan: Chuyên gia chỉ đích danh "thủ phạm" phổ biến ở VN

05/04/2022 20:53 PM | Sống

Ung thư gan là một trong nhưng căn bệnh có tỷ lệ mắc hàng đầu tại Việt Nam. Đặc biệt, do bệnh diễn biến âm thầm nên khi phát hiện nhiều bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn.

Thời gian gần đây trên mạng xã hội rộ lên thông tin sử dụng thớt - đũa nếu có mốc chính là thủ phạm gây ra ung thư gan. Thông tin này khiến cho không ít người lo lắng vì đây là 2 vật dụng thường xuyên sử dụng trong mỗi gia đình.

Trao đổi với PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học Hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai) về vấn đề: Liệu sử dụng đũa mốc, thớt mốc có gây ra ung thư gan? PGS Cẩm Phương cho biết, cho tới nay khoa học đã chứng minh ăn các loại ngũ cốc có mốc như: gạo, lạc, đỗ, ngô, các loại hạt… có chứa độc tố aflatoxin là chất gây ung thư gan. Còn đối với các sản phẩm đũa mốc, thớt mốc không sạch nếu dùng sẽ dễ mắc bệnh lý cấp tính và ngộ độc khác. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy trong đũa mốc, thớt mốc có chứa độc tố aflatoxin.

 Thực hư đũa - thớt mốc gây ung thư gan: Chuyên gia chỉ đích danh thủ phạm phổ biến ở VN - Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương đang khám cho bệnh nhân ung thư.

Vị chuyên gia ung thư cũng lưu ý người dân dùng đũa, thớt nên vệ sinh sạch, phơi khô mới nên dùng để tránh ngộ độc cấp tính, mạn tính do có nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng…nếu không được vệ sinh sạch sẽ.

Về căn bệnh ung thư gan tại Việt Nam có tỷ lệ mắc cao, PGS Cẩm Phương phân tích: "Theo số liệu thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư gan ở Việt Nam đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong. Nguyên nhân do Việt Nam là nước nằm trong vùng dịch tễ có tỉ lệ viêm gan B, viêm gan C cao, xơ gan do nhiễm virus viêm gan B, C cao. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, nam giới lạm dụng rượu dẫn tới xơ gan do rượu cũng phổ biến".

Ở Bệnh viện Bạch Mai nhóm bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan cũng ở vị trí hàng đầu. Đa phần các bệnh nhân tới viện đã ở giai đoạn trung gian hoặc muộn khi kích thước khối u đã trên 5cm, thậm chí đã có trường hợp suy gan, tổn thương di căn gan và phổi.

"Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, rất buồn vì nhóm bệnh nhân ung thư tới khám đã tăng lên và ở giai đoạn muộn hơn so với trước đây. Do vậy, người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư gan cần phải được khám, đánh giá và theo dõi định kỳ", PGS Phương nói.

Đối tượng dễ mắc ung thư gan

Ung thư gan ở giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Do vậy, các bệnh nhân được phát hiện ra ung thư gan ở giai đoạn sớm thường là tình cờ siêu âm hoặc xét nghiệm chất chỉ định khối u trong máu thấy bất thường.

Ung thư gan có triệu chứng rõ ràng thì thường đã ở giai đoạn không còn sớm nữa. Triệu chứng điển hình gặp ở đa số bệnh nhân là đau tức hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn.

Ở giai đoạn tiến triển muộn hơn người bệnh sẽ đau tăng ở vùng hạ sườn phải và có tình trạng gan to, vàng da, vàng mắt, bụng chướng do có dịch ổ bụng…

PGS Cẩm Phương cho biết, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan thường gặp ở người xơ gan do nhiễm viêm gan virus B, viêm gan virus C, hoặc bệnh nhân xơ gan do rượu, gan nhiễm mỡ, nhiễm độc aflatoxin, viêm gan B, viêm gan C.

Đối với những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư gan cần phải tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng và xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu là AFP, tại một số nơi có điều kiện có thể xét nghiệm AFP, AFP-L3, PIVKA II.

PGS Phương lưu ý: "Tất cả các trường hợp nam giới trên 40 tuổi có tình trạng xơ gan do bất cứ nguyên nhân gì nên tầm soát định kì ung thư gan. Ung thư gan nếu phát hiện sớm tỷ lệ sống trên 5 năm đạt tỷ lệ 70-80%.

Tùy giai đoạn bệnh mà người bệnh ung thư gan sẽ được phẫu thuật cắt bỏ thùy gan chứa khối u, ghép gan, đốt sóng cao tần, vi sóng khối u gan, nút mạch hóa chất, xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90, điều trị đích, miễn dịch.

Tuy nhiên, nếu ung thư gan ở giai đoạn muộn ví dụ đã di căn trong gan, di căn phổi, di căn xương thì tiên lượng xấu, chi phí điều trị rất cao nhưng hiệu quả hạn chế".

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM