Thử nghiệm cấy chip vào não người

02/02/2024 20:45 PM | Kinh doanh

Bước tiến lớn đối với startup công nghệ sinh học của tỷ phú Elon Musk này mở ra hy vọng mới cho y học nhưng cũng nhận về không ít sự nghi ngại của dư luận.

Chuyện cấy ghép chip trên não người chắc không còn lạ gì với những ai ưa phim viễn tưởng, nhưng giờ chuyện đó đang diễn ra trong thực tế cuộc sống với ca thử nghiệm đầu tiên của công ty Neuralink. Hẳn nhiên người vui mừng nhất chính là tỷ phủ Elon Musk, người đồng sáng lập startup công nghệ sinh học này. Vì thế ông Elon Musk chính là người đầu tiên công bố tin này trên mạng xã hội X.

Trích lời của ông, hãng tin NBC News loan báo bệnh nhân được cấy chip vào hôm Chủ nhật, đang hồi phục tốt và các tế bào thần kinh ghi nhận những xung động hứa hẹn. Đây là bước tiến tới mục tiêu là con người có thể điều khiển mọi thiết bị bằng cách ra lệnh trong ý nghĩ.

Cụ thể, theo hãng CNN thiết bị của Neuralink có kích thước chỉ bằng đồng xu, có các điện cực để thu nhận và giải mã các sóng điện từ nơ ron thần kinh vốn là nơi truyền tín hiệu điều khiển từ não bộ đi khắp cơ thể. Khác với các công nghệ trước, thiết bị của Neuralink chạy bằng pin có thể sạc và kết nối không dây đến ứng dụng bên ngoài để giải mã và chuyển hoá dữ liệu thành hành vi.

Thử nghiệm cấy chip vào não người - Ảnh 1.

Công ty Neuralink của Elon Musk mới đây đã hoàn thành ca cấy chip lần đầu tiên vào não người. (Ảnh: ET Now Digital)

Thực tế, ý tưởng về cấy ghép thiết bị trên não người không phải là mới. Nhưng như ý kiến của một chuyên gia thần kinh được ABCnews trích dẫn thì nếu công nghệ của Neuralink đảm bảo an toàn và hiệu quả đây sẽ là bước tiến lớn.

Neuralink được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép thử nghiệm trên người từ tháng 5/2023 sau nhiều năm thử nghiệm trên lợn và khỉ. Nhưng cấy chip trên não người không phải là chuyện đơn giản. Hãng tin USnews nhận định ngay cả khi công ty này sử dụng công nghệ mới, chúng ta chưa thể lường trước liệu nó có thực sự an toàn đối với bệnh nhân.

Hãng tin Reuters cho biết, một số nhà làm luật ở Mỹ đã đề nghị điều tra về sự an toàn cho công nghệ này, sau khi có ghi nhận rằng việc cấy ghép đã gây ra nhiều vấn đề trên khỉ, bao gồm liệt, co giật và sưng não.

Sự hoài nghi đối với những công nghệ của tương lai là điều đương nhiên. Nhưng thử nghiệm lần này của Neuralink chắc chắn đã thu hút sự chú ý của không chỉ dư luận, giới công nghệ, y học mà còn cả từ các nhà đầu tư.

Hiện thời chi phí cho mỗi ca cấy ghép của Neuralink là khoảng 40.000 USD, tức gần 1 tỷ đồng. Công ty này dự định sẽ tiến hành 11 ca cấy ghép trong năm nay, trước hết là cho những bệnh nhân bị liệt tứ chi.

Theo VTV Digital

Cùng chuyên mục
XEM