Đi ngược lại truyền thống, công ty gia đình trị Nhật Bản bất ngờ "truyền ngôi" cho nhân viên nhập cư người Việt

02/04/2019 15:03 PM | Xã hội

Theo số liệu của Tokyo Soko Research (TSR), khoảng 95% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng người kế nhiệm.

Nhật Bản là quốc gia có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được quản lý bởi gia đình, gia tộc và dòng họ. Tuy nhiên vấn đề lão hóa dân số nhanh đã khiến nhiều công ty như vậy phải đối mặt nguy cơ không có người kế cận.

Mới đây, 1 doanh nghiệp nhỏ tại Nagoya, Nhật Bản đã đưa ra quyết định đầy bất ngờ khi giao lại công ty cho nhân viên nhập cư người Việt Nam quản lý.

"Bất kể khi nào chúng tôi còn khách hàng, tôi sẽ còn có nghĩa vụ duy trì hoạt động của công ty. Tôi cảm thấy thoải mái khi biết rõ doanh nghiệp của mình sẽ được trao lại cho ai", Chủ tịch Yasutaka Nagao, đã 72 tuổi, của hãng Nagao Shiko nói.

Công ty Nagao Shiko là một hãng nhỏ chỉ với 6 nhân viên tại vùng Nagoya-Nhật Bản và quyết định của hãng nhằm giao lại doanh nghiệp cho một người nước ngoài là khá hiếm. Thông thường những công ty nhỏ và vừa như vậy được điều hành bởi các thành viên trong gia đình chứ hiếm khi được trao ra ngoài.

Động thái này của Nagao cho thấy một bước đột phá trong tư tưởng quản lý doanh nghiệp tại Nhật Bản, nhất là khi nền kinh tế này đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài.

Chủ tịch Yasutaka bắt đầu vận hành lại công ty từ năm 1969 sau khi mới tốt nghiệp đại học. Doanh nghiệp nhỏ này đã từng phải đóng cửa dưới thời cha của ông. Trước đây hầu hết các đơn hàng của công ty là những loại giấy mỏng dùng cho tã dùng 1 lần, một sản phẩm phổ biến cho những người già tại đây.

Dẫu vậy ngày nay, hầu hết các công ty đặt hàng giấy mỏng từ nước ngoài do chi phí rẻ hơn nhờ ưu thế nhân công giá rẻ, khiến Nagao lâm vào khó khăn.

Bất chấp điều đó, Nagao đã có bước đi mạo hiểm khi chuyển hướng hợp tác với các nhà máy ô tô cũng như thực phẩm. Nhờ đó, Nagao hiện nay vẫn sống sót nhờ sản xuất loại màng nhiều lớp dùng cho pin ô tô cũng như các loại màng đóng gói thực phẩm cho các siêu thị tiện lợi.

Bản thân ông Yasutaka đã cân nhắc đến người kế vị mình từ khi qua tuổi 60 nhưng những người con của ông lại làm các công việc khác và chẳng hứng thú gì đến mảng kinh doanh của gia đình. Sau nhiều suy tính, chàng nhân viên 34 tuổi Nguyễn Đức Trường đến từ Việt Nam lọt vào mắt xanh của Chủ tịch Yasutaka.

Anh Trường đến Nhật Bản vào năm 2005 làm thực tập kỹ thuật để rồi nhập tịch Nhật Bản sau khi lấy vợ tại đây. Bản thân Trường gia nhập Nagao từ năm 2008 và dù ít kinh nghiệm, anh lại rất khéo tay cũng như học hỏi nhanh.

Điều khiến Chủ tịch Yasutaka thực sự ấn tượng là khả năng thích ứng và hoàn thành công việc cực tốt. Anh có thể khiến những cỗ máy hỏng hoạt động trở lại, sửa những phần bị hỏng trong nhà máy hay làm thêm giờ nếu chưa hoàn thành công việc một cách tự giác.

Cách đây 7 năm khi được hỏi có muốn tiếp quản công ty hay không, anh Trường đã khá bất ngờ nhưng cũng cảm thấy áp lực trước trách nhiệm được giao: "Tôi cảm thấy vinh hạnh khi Chủ tịch Yasutaka tin tưởng mình đến vậy, và tôi đã quyết định tiếp quản công ty này."

Theo số liệu của Tokyo Soko Research (TSR), khoảng 95% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng người kế nhiệm. Khảo sát năm 2016-2017 của TSR cho thấy 31% doanh nghiệp vừa và 32,4% công ty nhỏ không có ứng viên kế thừa hoặc chưa quyết định ai sẽ tiếp quản cơ đồ khi những người lãnh đạo hiện tại nghỉ hưu.

Chỉ khoảng 2,1% những công ty vừa và 17,2% doanh nghiệp nhỏ tại Nhật là cho biết họ đã xác định người kế nhiệm của công ty.

Theo Giáo sư Hirokazu Hasegawa của trường đại học Waseda-Nhật Bản, việc người lãnh đạo chọn nhân viên tiếp quản công ty khi không có người thân kế nhiệm là chuyện đương nhiên, bất kể nhân viên đó có phải người nước ngoài hay không. Tuy vậy, những vấn đề như nghĩa vụ thanh toán nợ hay các khoản vay tài chính dưới danh nghĩa cá nhân lại là những yếu tố cần phải cân nhắc khi giao công ty cho người ngoài.

Quay trở lại câu chuyện của Nagao, Chủ tịch Yasutaka cho biết mình vẫn sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi sức khỏe không cho phép nhưng ông vẫn đặt niềm tin khá lớn vào anh Trường: "Thành tích công việc và tính cách là những yếu tố quan trọng theo đánh giá của tôi. Bởi vậy tôi không đòi hỏi gì nhiều hơn ngoài 2 thứ đó từ người kế nhiệm của mình."

AB

Cùng chuyên mục
XEM