Trung Quốc có thật sự là nền kinh tế số một thế giới?

11/12/2014 13:05 PM |

Sự kiện Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế số một hành tinh đã được tờ báo lớn của Pháp Le Monde mổ xẻ với câu hỏi trên tựa một bài báo: "Kinh tế Trung Quốc trước kinh tế Mỹ?". Đối với Le Monde đó chỉ là "Một vấn đề chỉ số".

Tác giả bài viết Anne Eveno, nhắc lại từ nhiều năm qua người ta đã nêu lên vấn đề này. Sau khi trở nên cường quốc thương mại hàng đầu vào năm 2013, với lượng trao đổi cao hơn Hoa Kỳ, thì Trung Quốc đã lên bệ phóng để trở thành cường quốc kinh tế số 1 của thế giới.

Trong số liệu công bố tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cho biết là Trung Quốc sẽ đứng đầu bảng vào năm 2014 này.

Theo số liệu của FMI, tính theo chỉ số sức mua – PPA, GDP của Trung Quốc vào cuối năm nay sẽ là 17.632 tỷ đô la, nhỉnh hơn một chút so với GDP của Mỹ là 17.416 tỷ. Năm 2013, theo Le Monde, hai nước cũng đã sít soát nhau, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn trội hơn một chút.

Đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới cũng loan báo Trung Quốc sẽ đứng đầu vào năm 2014. Trước đây thì Ngân hàng Thế giới đã ra thời hạn cho sự kiện này vào năm 2019.

Tuy nhiên, theo bài báo, sự kiện được xem như "cách mạng" này lại không được mấy ai quan tâm, cho đến khi chủ đề được nêu bật trở lại dưới ngòi bút của nhà bình luận Brett Arends của Market Watch.

"Chính thức rồi! Mỹ đứng hạng nhì!"

Dưới tựa đề: "Chính thức rồi! Mỹ đứng hạng nhì!", Brett Arends nói đến một vụ "động đất địa chính trị" vì Mỹ không còn là cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới, mất đi vị trí chiếm giữ từ 1872, sau khi đánh bật Anh Quốc.

Tuy nhiên bài báo lưu ý, đó là tính theo chỉ số PPA, còn nếu tính GDP theo tỷ giá hối đoái, thì Hoa Kỳ vẫn hơn xa Trung Quốc, GDP của Mỹ sẽ là 17.416 tỷ USD, còn của Trung Quốc chỉ là 10.355 tỷ USD.

Thậm chí, nếu người ta đo lường sự hùng mạnh kinh tế của một nước qua chỉ số thu nhập bình quân đầu người thì Trung Quốc tuột xuống hàng thứ 89 thế giới, và quốc gia đứng đầu hiện nay là Qatar.

Bài báo cũng trích nhận định của kinh tế gia Philippe Waecher, của Natixis Asset, cho là việc Trung Quốc có GDP tính theo chỉ số PPA cao nhất thế giới, phải được xem như "mức đo lường sức trỗi dậy của Trung Quốc, phản ánh sự hùng mạnh kinh tế và chính trị mà Trung Quốc không có cách đây 10 năm".

Điều này cũng cho thấy là kinh tế Mỹ và các nước công nghệ phát triển không còn ở mức có thể cho phép họ làm mưa làm gió nữa, mà bây giờ phải tính đến Trung Quốc. Và Châu Âu, theo kinh tế gia Philippe Waecher, phải tính đến cách duy trì được chỗ đứng.

>> Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

Theo Mai Vân

Cùng chuyên mục
XEM