Thủ tướng: Năm nay, môi trường kinh doanh Việt Nam có thể ngang bằng top 4 ASEAN

30/09/2015 14:37 PM |

Mặc dù đặt ra các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh sẽ ngang bằng Top 4 nước mạnh nhất ASEAN vào năm 2016. Nhưng khả năng ngay trong năm nay, Việt Nam sẽ đạt được chỉ tiêu này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: 9 tháng năm 2015, GDP đạt mức tăng trưởng 6,5% và dự kiến cả năm sẽ cao hơn 6,5% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

“Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương, liên tục, và khá cao. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 thế giới trong 20 năm qua”, Thủ tướng cho biết tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu tại Việt Nam sáng 30/9/2015.

Dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5 – 7%. Kim ngạch thương mại tăng bình quân 12 - 15%/năm, đến 2020 dự kiến đạt khoảng 600 tỷ USD. Đời sống của 90 triệu người dân được nâng lên. Sức mua và quy mô thị trường Việt Nam ngày càng tăng.

Tại diễn đàn, Thủ tướng cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trên 4 lĩnh vực. Cụ thể:

1. Môi trường đầu tư kinh doanh

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (tập trung cải thiện khuôn khổ pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là khâu thực thi), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng.

Nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, nghị định về đầu tư đối tác công – tư (PPP). Nghị định về chứng khoán và nhiều luật khác đang tiếp tục được xây dựng và ban hành trong năm 2016.

Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng đất đai, tiếp cận điện năng... ngang bằng mức bình quân ASEAN 4 (Top 4 nước mạnh nhất ASEAN ) vào năm 2016.

“Nhưng khả năng trong năm 2015 có thể đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4”, Thủ tướng khẳng định.

2. Đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP

Việt Nam xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một đột phá trong chiến lược phát triển. Việt Nam đã thực hiện chương trình cải cách đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, có công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ.

Nghị định 15/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP đã có hiệu lực từ tháng 4/2015 sẽ tạo tiền đề để mở ra cơ hội thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt nguồn vốn FDI. Việt Nam đang cập nhật và sẽ sớm công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có các dự án về hạ tầng giao thông, năng lượng, xử lý nước thải, hạ tầng đô thị lớn...

3. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)

Qua hơn 20 năm thực hiện quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, số lượng DNNN từ hơn 12.000 doanh nghiệp đến nay đã giảm khoảng 90%. Sau cổ phần hoá, các DNNN hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hoá đều phát triển về quy mô và kinh doanh có hiệu quả.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến tháng 9/2015, có 350 DNNN được cổ phần hóa. Hầu hết các doanh nghiệp sau khi cổ phần đều thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tìm hiểu, mua bán – sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam khuyến khích và hoan nghênh các nhà đầu tư có công nghệ, năng lực quản trị và tiềm lực tài chính đầu tư vào các doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.

4. Thị trường tài chính

Thị trường tài chính Việt Nam có quy mô còn khiêm tốn. Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, bổ sung những chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế như ban hành và thực hiện quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở các công ty chứng khoán từ 49 - 100%, không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp... cùng nhiều nội dung mang tính “mở” và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM