Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản “chỉ cách” để doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua rào cản kỹ thuật

27/03/2015 15:36 PM |

Rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu hàng nông lâm thủy hải sản là tất yếu. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải nhận thức rõ mối nguy để có giải pháp lâu dài, tổng thể, không nên có tâm lý chủ quan đối phó….

“… nếu phát triển mạnh mẽ chúng ta có thể rơi vào bế tắc!”

Đây là lời cảnh báo của Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc Ký – Hải Đăng, nguyên Chủ tịch Hội VASEP, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản trước làn sóng đầu tư ồ ạt nông nghiệp nuôi trồng hiện nay tại hội thảo: Lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) do Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE), Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội (HNEW) phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (GIG) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức.

Theo bà Hồng Minh doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt…) có thể gặp bế tắc do các rào cản kỹ thuật/luật lệ các nước đưa ra về chất lượng, dư lượng kháng sinh, an toàn thực phẩm…; và khả năng kiểm soát chuỗi sản xuất ngành hàng.

Năm 2014, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngấp nghé con số 8 tỷ USD – đây là con số mà chính bà Hồng Minh và lãnh đạo Nhà nước chưa bao giờ nghĩ đến vào những năm ngành thủy sản bắt đầu xuất khẩu, dù cho con cá tra được các bạn hàng trên thế giới đánh giá là “mỏ vàng” của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, đối mặt với những rào cản kỹ thuật do thị trường nhập khẩu đề ra.

Các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam ngày một khó tính hơn và đưa ra nhiều tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng: tiêu chuẩn dư lượng kháng sinh, dư lượng độc tố sinh học, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội…..Các quy định luật pháp tại EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều có những yêu cầu rất chặt chẽ về Kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh và truy xuất nguồn gốc.

Bà Hồng Minh cho rằng: rào cản kỹ thuật là xu thế tất yếu, vì vậy “các doanh nghiệp phải chấp nhận luật chơi, công nhận tiêu chuẩn quốc tế.”

Doanh nghiệp thủy sản làm gì để vượt rào cản kỹ thuật?

Không nên có tâm lý chủ quan, đối phó và chủ động, tự thay đổi là những nội dung được bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh trong phần chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các doanh nghiệp.

Vì rào cản kỹ thuật là tất yếu, vì vậy doanh nghiệp phải kiểm soát được chất lượng đầu vào. Cụ thể:

(i) Doanh nghiệp nên liên kết/hỗ trợ các trại nuôi, các cơ sở liên quan để thực hiện tiêu chuẩn, tự mình xây dựng các cơ sở sản xuất thức ăn, sản xuất giống;

(ii) Tự mình xây dựng vùng nuôi thực hiện tiêu chuẩn và chủ động xin các tổ chức quốc tế chứng nhận; đào tạo, đầu tư đổi mới công nghệ.

Doanh nghiệp cùng cần đầu tư về nhân sự, đào tạo và chi phí dịch vụ tự vấn bên ngoài để có sự hiểu biết về “luật chơi” của từng thị trường;

Doanh nghiệp cải thiện về mọi mặt liên quan đến sản xuất, nhận thức rõ mối nguy để có giải pháp lâu dài, tổng thể. Bà Hồng Minh nhấn mạnh “doanh nghiệp không nên có tâm lý chủ quan và đối phó” dù cho doanh nghiệp phải kiên trì, hiểu biết để đấu tranh đối với những rào cản bất công và bất lợi. Đồng thời doanh nghiệp chủ động hỏi trực tiêp/đấu tranh cơ quan kiểm tra trong nước và nước ngoài.

Cuối cùng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các Bộ, các Hiệp hội cũng như cần có sự hợp tác giữa Chính phủ các nước nhập khẩu, hợp tác giữ các Hiệp hội các nước xuất khẩu và các nước nhập khẩu. Bà Minh cũng cho rằng các bên như Hiệp hội, Bộ, ngành, Doanh nghiệp nên chủ động, tự thay đổi, xây dựng năng lực, chia sẻ kinh nghiệm.

Thanh Giang

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM