Mắt cay khoảng cách giàu nghèo

21/02/2016 15:14 PM |

Chênh lệch giữa thu nhập trung bình của 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng lên 8,5 lần.

Bức tranh phân hóa giàu - nghèo của Việt Nam đang ngày một rõ nét trong vòng hơn 10 năm trở lại đây (2005-2014). Theo đó, chênh lệch giữa thu nhập trung bình của 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ mức 7 lần lên 8,5 lần.

Cả xã một năm thu ngân sách 14 triệu đồng

Một ngày cuối Đông lạnh giá, chúng tôi theo chân đoàn công tác nhóm từ thiện đi tặng quà Tết Bính Thân ghé thăm gia đình anh Hoàng A Ngài (hơn 50 tuổi, dân tộc Mông), một trong những hộ thuộc diện nghèo nhất ở thôn Phiềng Dịt, xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Trong ngôi nhà gỗ lợp mái proximăng rộng khoảng 30 m2 trống huơ, trống hoác, gần như không có tài sản giá trị nào. Ngồi bên bếp lửa cháy ngùn ngụt nhưng chúng tôi vẫn không khỏi rùng mình buốt lạnh mỗi lần có cơn gió từ bên ngoài lùa vào. “Ngôi nhà này Nhà nước cho đấy, chứ trước đây nhà mình lụp xụp như cái chuồng gà thôi”, anh Ngài cho biết.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Trong 1 thập niên tỷ lệ nghèo tính trên chi tiêu đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 19,5% năm 2004 giúp đưa 20 triệu người thoát nghèo. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ nghèo cũng giảm đáng kể từ 14,2% năm 2010 còn 9,8% năm 2013; 5,97% năm 2014 (Báo cáo Quốc gia 2015 về kết quả 15 năm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ).

Kết quả điều tra, rà soát mới nhất của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, cả nước có hơn 1,4 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo. Nếu tính theo tiêu chí chuẩn nghèo mới (700 nghìn đồng/tháng/người/khu vực nông thôn; 900 nghìn đồng/tháng/người/khu vực thành thị), tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên 12%, hộ cận nghèo là 6%. Theo đó, bình quân mỗi người dân nghèo chỉ thu về khoảng 12 triệu đồng/năm.

Chất thêm củi vào đống lửa, anh Ngài cho biết, trước khi mất, bố mẹ để lại cho anh căn nhà cũ lụp xụp và mảnh vườn cằn cỗi. Không tiền, không trâu bò, lợn gà, đất đai canh tác cũng hạn hẹp, anh phải làm thuê cho những gia đình trong bản để đổi lấy cơm ăn hàng ngày.

Năm 2007, anh Ngài được hỗ trợ 7 triệu đồng để dựng căn nhà gỗ 30 m2 như bây giờ. Năm 2008, gia đình người em trai út dọn về ở cùng khiến cái đói, cái nghèo của gia đình anh càng thêm quay quắt. Năm 2009, em dâu út cũng vì buồn chán cảnh sống túng quẫn đã ăn lá ngón tự tử để lại ba đứa con nhỏ dại. Từ đó, hai người đàn ông phải nai lưng đi làm để nuôi đủ 5 miệng ăn.

Nhìn “cơ ngơi” của gia đình hai người đàn ông và ba đứa trẻ, chúng tôi không khỏi xót xa: Một chiếc giường cũ ọp ẹp, bộ chăn màn đã sờn rách, mấy bộ quần áo nhàu nát, rách từng mảng lớn của lũ trẻ; Góc nhà chỏng chơ hai chiếc nồi đen kịt và mấy cái bát sứt... Ba đứa trẻ đứng nép ở góc nhà phong phanh trong bộ quần áo mỏng. Mỗi khi có cơn gió lạnh ùa tới, môi chúng lại run lên cầm cập, phần da thịt ở chỗ quần áo bị rách tím ngắt vì lạnh. “Người lớn đói, rét một tý còn cố chịu được. Chỉ thương tụi nhỏ”, anh Ngài nói và cho biết thêm, thu nhập hàng tháng của gia đình anh nếu quy ra tiền chỉ khoảng 100 - 200 nghìn đồng.

Phan Thanh là xã trong diện đặc biệt khó khăn của Bảo Lạc - huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của Cao Bằng (42,97%;). Đây chỉ là một trong số hàng nghìn xã nghèo trên khắp cả nước. Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 2.535 xã khó khăn, xã biên giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 14 triệu đồng/người/năm, so với mức trung bình của cả nước là 24,6 triệu đồng/người/năm. Người dân làm còn chả đủ ăn, ngân sách địa phương gần như không có khoản thu nào đáng kể. Như tại xã Nậm Rạng, huyện Văn Bàn, Lào Cai, Bí thư xã Hoàng Thị Hạnh cho biết, cả năm 2014, tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ khoảng 14 triệu đồng.

Niềm vui của người dân nghèo xã Phan Thanh (Bảo Lạc, Cao Bằng) khi nhận được quà từ thiện
Niềm vui của người dân nghèo xã Phan Thanh (Bảo Lạc, Cao Bằng) khi nhận được quà từ thiện

 

Gần 200 người “siêu giàu” thu nhập bằng 12% GDP

Tính chung, cả nước còn nhiều địa phương có nguồn thu ngân sách cả năm chỉ một vài nghìn tỷ đồng. Đơn cử như năm 2015, thu ngân sách của Lào Cai ước đạt 5.500 tỷ đồng; Hà Giang 1.597 tỷ đồng; Lai Châu xấp xỉ 1.005 tỷ đồng...

Mức thu nhập cả năm của những địa phương nói trên chỉ tương đương, thậm chí còn thấp hơn giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của một số cá nhân trong danh sách những người giàu nhất.

Chẳng hạn, cập nhật theo giá cổ phiếu tính đến hôm qua (18/2/2016), giá trị cổ phiếu ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nắm giữ lên đến gần 4.940 tỷ đồng; Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hơn 2.700 tỷ đồng; Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI hơn 1.400 tỷ đồng; Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàng Corp nắm giữ 1.364 tỷ đồng; Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nắm giữ 1.361 tỷ đồng; Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hùng Vương Group sở hữu 860 tỷ đồng…

Trong khi đó, báo cáo năm 2015 của Hãng nghiên cứu Knight Frank (Wealth Report 2015) khẳng định, khoảng cách giàu - nghèo đang tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam. Nếu năm 2004 Việt Nam mới chỉ có 35 người “siêu giàu” - có tài sản trên 30 triệu USD - thì đến năm 2013 đã tăng lên 195 người (tổng sở hữu hơn 20 tỷ USD).

Điều này cũng có nghĩa số tổng tài sản của đội ngũ “siêu giàu” bằng hơn một nửa GDP của TP HCM và bằng khoảng 12% GDP của Việt Nam.  Tổ chức này cũng dự đoán tới năm 2024, Việt Nam sẽ có 300 người “siêu giàu” theo tiêu chí trên.

Một trong những biểu hiện cho thấy thu nhập của giới “siêu giàu” ngày càng gia tăng là hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trên thế giới ồ ạt mở đại lý tại Việt Nam. Bất kể kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ mặt hàng có giá trị cao như ô tô vẫn liên tục tăng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2015, giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam lên đến 2,31 tỷ USD, tăng tới 100,2% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, Tạp chí Nghiên cứu châu Á (Asia Briefing) đưa tin, trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá 9,6 tỷ đồng, dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, thì giới “siêu giàu” Việt Nam đã đặt mua 10 chiếc.

Chênh lệch giàu - nghèo tiếp tục tăng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trần Lâm, Chuyên viên nghiên cứu chính sách (Oxfam Việt Nam) nhận định, tình trạng phân hóa giàu - nghèo đang tác động khá mạnh tới cảm nhận của người dân. Có tới 47% người dân, cán bộ tỏ ra bức xúc trước khoảng cách giàu - nghèo tăng lên ở Việt Nam.

“Bức tranh bất bình đẳng phân hóa ngày càng gia tăng đã trải dài trong vòng 10 năm (2005 - 2014), trong đó mạnh nhất là vấn đề thu nhập. Chênh lệch giữa thu nhập trung bình của 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ mức 7 lần lên 8,5 lần”, ông Lâm cho biết.

Theo ông Lâm, sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư là một thách thức lớn đối với sự ổn định xã hội và phát triển hài hòa của đất nước.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá có nhiều nỗ lực trong công cuộc giảm nghèo, song bất bình đẳng ngày càng tăng cùng với những thách thức khác trong quá trình phát triển đòi hỏi phải có những thay đổi cấp bách trong chương trình chính sách thời gian tới như: Giảm sự chồng chéo, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng; Phân bổ lại nguồn lực giảm nghèo hiệu quả, loại bỏ tâm lý ỷ lại của người dân...

“Khi được hỏi, hầu hết người dân đều có ý kiến ưu tiên cao hơn cho các giải pháp phân bổ và sử dụng tốt hơn nguồn lực hiện có (tăng hiệu quả đầu tư bằng cách giảm lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, giảm đầu tư dàn trải)... nhằm giảm nghèo bền vững đi liền với giảm bất bình đẳng”.

Ông Lâm phân tích và kiến nghị: “Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng một chương trình chính sách mới, đặt trọng tâm vào giảm bất bình đẳng về cơ hội và cải thiện công tác quản trị nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, duy trì niềm tin xã hội và niềm tin thể chế; Trước mắt ưu tiên đổi mới việc đo lường, xác định đối tượng thụ hưởng và cách thức hỗ trợ giảm nghèo và giảm bất bình đẳng”.

 

Theo Song Quý - Trịnh Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM