Dưa hấu Việt "ế": Cần những biện pháp phát triển thị trường

19/04/2015 10:44 AM |

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, qua sự việc dưa hấu liên tục ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm tốt hơn nữa, hoạt động tuyên truyền giới thiệu hàng Việt trong phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” và những biện pháp phát triển nội địa và lưu thông nội địa.

Hiện nay, tình trạng dưa hấu liên tục ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh đang là một vấn đề khá nóng, điều này cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với báo chí, bên lề chương trình Tiêu điểm công thương với chủ đề “Tọa đàm về xuất khẩu nông sản, thủy sản” do Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, vừa tổ chức chiều ngày 17/4.

PV: Thưa Thứ trưởng, tình trạng ùn tắc nông sản (dưa hấu, thanh long…) đã liên tục xảy ra những năm gần đây tại các cửa khẩu Tân Thanh khi giao dịch với Trung Quốc. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng là việc “dồn ứ”, “ách tắc” nông sản vẫn thường xuyên tái diễn vài năm trở lại đây. Nguyên nhân thì có cả khách quan, chủ quan.

Điều đầu tiên phải khẳng định, phần lớn nông sản, trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc là các loại trái cây mang tính thời vụ, thời gian canh tác và thu gom được dồn vào trong khoảng thời gian rất ngắn khoảng 2 – 3 tháng (tính từ đầu năm đến khoảng tháng 4 hàng năm).

Thứ 2, do nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc và các tỉnh phía Nam Trung Quốc về tiêu thụ dưa hấu. Trên thực tế trong những năm vừa qua khâu canh tác, thu hoạch và xuất khẩu dưa hấu sản lượng tăng rất nhanh, mỗi năm tăng lên khoảng 10%, năm 2014 dự tính sản lượng xuất sang Trung Quốc hơn 130 ngàn tấn.

Thứ 3, trong bối cảnh chung khi mà xuất khẩu và canh tác dưa hấu tăng trưởng như vậy,

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.  Ảnh: Minh Hường

nhưng năng lực thông quan của chúng ta tại biên giới và nước bạn không được cải thiện nhiều do hạn chế về nguồn nhân lực, cũng như cơ sở vật chất.

Có một đặc thù, mặt hàng dưa hấu đi qua Trung Quốc đều phải đi qua cửa khẩu Tân Thanh, do tập quán về kinh doanh thương mại biên giới. Do vậy, tất cả dưa hấu của 4 tỉnh Nam Trung Bộ và Miền Trung, điều đưa lên cửa khẩu Tân Thanh để thông quan.

Mặc dù dưa hấu có mặt ở nhiều địa phương như vậy, nhưng mặt hàng này xuất sang Trung Quốc, chỉ chủ yếu do một số doanh nghiệp đầu mối của cả hai bên thực hiện. Các thương lái của Việt Nam cũng chỉ thực hiện theo yêu cầu của Trung Quốc (chỉ khoảng 10 doanh nghiệp đầu mối thực hiện xuất khẩu dưa hấu cho Trung Quốc), do vậy các thương lái của Việt Nam cũng cho có phối hợp kịp thời trong hoạt động của Trung Quốc.

Điều này dẫn đến tình trạng phía chúng ta cứ chủ động đưa dưa hấu đi biên giới, còn phía bạn chỉ tiếp nhận mặt hàng này tại Trung Quốc sau khi đã thông quan, sau khi đã làm đẩy đủ các thủ tục. Mặc dù một xe thông quan tại Hải quan chỉ mất hơn 1 phút, nhưng mà phải mất 2 – 4 tiếng đồng hồ để xe đó được chuyển sang và được phía Trung Quốc tiếp nhận. Khi dưa hấu không đạt quy cách phẩm chất thì lại trả về.

Như chúng ta điều biết, hình thức mua bán trên đã được tồn tại khá nhiều năm nay, sao chúng ta không thay đổi, thưa ông?

Như tôi đã nói, mặt hàng dưa hấu có tính thời vụ rất dễ canh tác, nên nhiều nơi thực hiện. Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã có văn bản ngay từ đầu năm hướng dẫn, khuyến nghị các địa phương canh tác dưa hấu theo hướng cần tính toán  trên cơ sở nhu cầu của thị trường để cân đối cho phù hợp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý các Sở Công Thương địa phương và bà con nông dân phải có biện pháp tổ chức sản xuất, canh tác, quy cách sản phẩm cho phù hợp để tránh tổn thất và lãng phí trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

Cùng với đó, chúng tôi cũng chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn thành lập các tổ công tác liên ngành, để tổ chức hoạt động thông quan dưa hấu có trật tự nhằm tránh những bất ổn, đảm bảo hiệu quả chung.

Tuy nhiên, vẫn có một nguyên nhân là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của người nông dân không đáp ứng được yêu cầu và mang tính tự phát nhiều hơn. Do vậy, các sản phẩm nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng, đưa đi tiêu thụ vẫn gặp phải ách tắc, quá tải.

Rõ ràng là trong khi chính sách của cơ quan quản lý không giúp giải quyết được tình trạng ách tắc, ùn ứ, thì ở trong nước thời gian qua việc tiêu thụ mặt hàng dưa hấu đã phải “nhờ cậy” đến sự vào cuộc của những tấm lòng từ thiện, nhằm giúp bà con nông dân tiêu thụ được hàng. Thứ trưởng nghĩ sao về thực tế này?

Hiện các mặt hàng dưa hấu đang được bày bán rất nhiều tại siêu thị và chợ. Tôi cho rằng, việc chung tay chia sẻ của xã hội gọi là mặt tình cảm đối với người nông dân là điều rất đáng quý. Điều đó cho thấy sức tiêu thụ của thị trường nội địa rất lớn, nếu biết cách khai thác và phát triển sẽ là yếu tố bền vững.

Một mặt nữa, qua sự việc này chúng ta thấy các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm tốt hơn nữa, hoạt động tuyên truyền giới thiệu hàng Việt trong phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” và những biện pháp phát triển nội địa và lưu thông nội địa.

Nhiều ý kiến cho rằng việc "được mùa lại rớt giá" đã liên tục được đưa ra tại Quốc hội, nhưng lại chậm được khắc phục. Phải chăng trách nhiệm quản lý là quá sức đối với liên bộ Công Thương – Nông nghiệp?

Tôi phải nói rằng, ở đây không phải hai bộ nhìn lại vấn đề và thấy được trách nhiệm của mình, mà Chính phủ đã có những chỉ đạo rất kiên quyết, kịp thời và triệt để.

Điển hình, như đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ đã thông qua với sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp. Tôi rằng đây là đề án rất lớn và ý nghĩa, nó sẽ xử lý tận gốc vấn đề còn yếu kém của nông nghiệp, cũng như trong thương mại nông sản của chúng ta (tức được mùa thì mất giá).

Nếu không khắc phục, tổ chức lại nông nghiệp, trên cơ sở đảm bảo hiệu quả của quy mô sản xuất của trình độ công nghệ, chuỗi giá trị thì chắc chắn chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nghịch lý năng lực cạnh tranh yếu kém và giá trị gia tăng thấp, chưa kể sự đứt đoạn giữa các khâu của chuỗi giá trị, người nông dân tiếp tục chịu thiệt thòi trong khi lợi nhuận lại tập trung chủ yếu vào các thương lái.

Xin cảm ơn ông!

>> Ùn tắc ngàn tấn dưa hấu sang Trung Quốc: Bất lực kéo dài

Theo Minh Hường

Cùng chuyên mục
XEM