KHI NÀO TRUNG QUỐC GOM HÀNG?

23/11/2015 18:30 PM |

Không phải trồng cây gì, nuôi con gì, đây mới là câu hỏi lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam…

Vị trí địa lý bên cạnh người khổng lồ Trung Quốc vốn đem lại những cơ hội kinh doanh cho Việt Nam rất lớn từ sự năng động phát triển trong vòng hơn 3 thập kỷ qua, song cũng kèm theo những rủi ro hết sức khó lường.

Thương mại tiểu ngạch với Trung Quốc đã đem lại những cơ hội tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như lúa gạo, cao su, rau quả….trong nhiều năm qua, nhưng nó cũng kéo theo các hệ lụy của bẫy giá rẻ phẩm cấp thấp mà nông sản Việt Nam đang hứng chịu, hay các rủi ro về thanh toán và biến động thất thường của cung cầu do hiện tượng “cấm biên” xảy ra.

Đó là ý kiến của ông Phạm Quang Diệu – chuyên gia ngành nông nghiệp tại Diễn đàn kinh doanh “Đầu tư nông Nghiệp thời TPP” do Kênh Thông tin Tài chính Kinh tế CafeF tổ chức.

Theo TS. Diệu, thương nhân có hàng trăm hàng ngàn câu hỏi trong kinh doanh: Mua cây gì, bán con gì, dự trữ thế nào, đầu cơ ngắn hạn hay tăng trưởng trong dài hạn…, thì câu hỏi quan trọng hơn tất thảy là: Khi nào Trung Quốc gom hàng?

Còn các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp quan tâm điều gì? Cung cầu có cân đối? Ngành hàng thế nào? Có ảnh hưởng đến lạm phát và chỉ tiêu chung quốc gia? Giá thấp quá có ảnh hưởng đến cộng đồng nông dân? Và cũng quan trọng không kém là câu hỏi: Nhu cầu của Trung Quốc thế nào?

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy sản lượng xuất khẩu gạo gần đây liên tục giảm. Sau khi đạt mức đỉnh 8 triệu tấn vào năm 2012, xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục tụt dốc.

Tuy nhiên, một con số khác không được nêu ra trong các báo cáo thông kê: Sản lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Theo ghi nhận, có khoảng 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm được vận chuyển qua biên giới Trung Quốc. Những con số này chưa được phân tích đầy đủ khiến ngành kinh doanh này biến động rất lớn, gây rủi ro cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây.

Việt Nam đang tồn tại song song 2 kênh xuất khẩu gạo vô cùng đối nghịch.

Một là, kênh xuất khẩu gạo chính ngạch qua các cảng – một kênh xuất khẩu hiện đại, đại diện cho công nghệ, cho phương thức thanh toán LC qua ngân hàng.

Và một kênh khác, mà hình ảnh điển hình là một đoàn người cầm từng bao gạo chuyển qua cửa khẩu biên giới, và quay trở lại với các bao phân bón trở về Việt Nam, TS. Diệu cho biết. Một kênh xuất khẩu rải từ vùng tập kết (các cảng An Giang, Cần Thơ) => cảng Hải Phòng => vùng biên giới phía bắc qua Lào Cai, Cao Bằng => qua các cửa khẩu chính và lối mở sang Trung Quốc.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Một kênh xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian, với chi phí lớn, rủi ro nhiều, và công lao động thì vô kể, nhưng vẫn tồn tại, chứng tỏ nó phải có một khoản lợi nhuận rất lớn”, TS. Diệu đặt vấn đề.

“Trong bao nhiêu năm ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO, hình thức này vẫn được duy trì. Liệu với TPP sắp tới, hình thức này còn tồn tại?”.

Hội nhập TPP, Việt Nam có còn phụ thuộc Trung Quốc?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – cho biết: Khi hội nhập TPP, có 5 lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam sẽ chịu tác động tích cực là Rau quả, Thủy sản, Gạo, Cây công nghiệp và Gỗ.

Trong đó, 2/5 lĩnh vực trên, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

- Gạo: Năm 2014, Trung Quốc là nước “ăn” gạo Việt Nam nhiều nhất, với khoảng 2 triệu tấn, chiếm trên 30% lượng gạo xuất khẩu.

- Rau quả: Xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, hoặc 10 nước Đông Nam Á cộng lại không bằng số lẻ của Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc, đối với thanh long, chỉ cần nhức đầu, sổ mũi qua biên giới, vựa trái cây miền Nam sẽ bị shock tức thời.

Vậy với TPP, việc mở rộng thị trường xuất khẩu có giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Có. Nhưng khó!

Một thách thức cực lớn của nông sản Việt Nam là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đây là thách thức cực lớn. Cho dù thuế có về 0%, doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật thì nước bạn vẫn không cho vào. Đây mới là thách thức của ngành nông nghiệp, chứ không phải cạnh tranh về giá cả”, ông Trương Đình Tuyển – cố vấn cao cấp đàm phán thương mại, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định.

Và khi không vào được thị trường các nước TPP, Việt Nam chỉ còn con đường xuất khẩu truyền thống: Lại xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc!

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM