Sếp TH Milk: Mong người tiêu dùng ủng hộ sữa Việt như ủng hộ bóng đá!

23/11/2015 14:30 PM |

“Mong rằng một ngày nào đó, người tiêu dùng có thể nhìn nhận sản phẩm Việt Nam giống như người Việt Nam hâm mộ đội tuyển quốc gia trên sân Mỹ Đình trong các trận đấu quốc tế. Chúng tôi đang trong trận đấu quốc tế và mong người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm thuần Việt Nam”.

Sữa là “nút thắt” cuối cùng trong vòng đàm phán của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù là một mặt hàng nhạy cảm, nhưng sau khi TPP có hiệu lực (dự kiến trong năm 2018), ngay lập tức thuế của hầu hết các mặt hàng sữa sẽ về 0%. Khi đó, sữa Hà Lan, Úc, New Zealand sẽ tràn vào thị trường Việt Nam.

Trước vấn đề này, tại Hội thảo “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” do Kênh thông tin kinh tế - tài chính CafeF kết hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam - ông Trương Đình Tuyển đặt câu hỏi: Liệu các doanh nghiệp ngành sữa đã tính đến những yếu tố cần thiết để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác trong TPP?

Trước câu hỏi của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, đồng thời là cố vấn cao cấp đàm phán thương mại TPP, ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc TH Milk thừa nhận đây là câu hỏi khó cho các doanh nghiệp chuyên ngành bò sữa.

“Chúng tôi biết rằng TPP không thể phòng ngừa, chỉ có thể bằng cách nào đó vượt qua bằng chính nội lực và niềm tin của mình”, ông Hải nói.

Theo phân tích của TH Milk, các cường quốc nói trên tuy mạnh về bò sữa lại yếu 1 điểm: VẬN CHUYỂN. Nếu vận chuyển sữa bột thì còn có khả năng, nhưng vận chuyển sữa tươi từ Úc, Mỹ, New Zealand sang Việt Nam bán là cả vấn đề lớn.

Ông Hải bày tỏ lòng tin rằng doanh nghiệp sữa Việt vẫn có thể cạnh tranh trên thị trường. Nhưng để làm được việc này, TH Milk đưa ra 4 kiến nghị:

Một là, doanh nghiệp cần xây dựng một thương hiệu đủ mạnh, một thương hiệu được tạo dựng bằng chính niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng không thua các sản phẩm từ nước ngoài.

Hai là, tạo ra được cơ chế minh bạch trên thị trường. “Sữa bột nhập khẩu về nước và pha với nước cần phải nói rõ là sữa bột pha lại, đừng nói là sữa nước hay sữa tiệt trùng. Trong một thị trường minh bạch, người tiêu dùng sẽ hiểu rõ đâu mới là sữa tươi. Ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc, người dân uống sữa tươi chứ không uống sữa bột pha lại, vì nguồn dinh dưỡng trong sữa tươi cao hơn”, ông Hải nói.

Ông cũng cho rằng nếu minh bạch hóa thị trường, sức cạnh tranh của ngành sữa tươi có thể tăng lên 1 bước, giúp doanh nghiệp làm sữa tươi có thể đứng vững trên thị trường.

Tại Việt Nam, hiện TH Milk là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh 100% sữa tươi, với tổng số lượng đàn bò đến thời điểm này đạt khoảng 45.000 con.

Đàn bò của Vinamilk hiện nay, cộng thêm cả đàn bò của bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 80.000 con.

Ba là, Phó Tổng Giám đốc TH Milk đề nghị Nhà nước xây dựng các hành lang pháp lý bảo vệ những thương hiệu trong nước, và bảo vệ những thương hiệu có xuất xứ 100% nguyên liệu trong nước.

Với sữa bột nhập ngoại, nên tạo ra hàng rào kỹ thuật được phép trong TPP như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về sữa nước nhằm hạn chế sữa bột nhập khẩu, hoặc có thể chống gian lận thương mại, kê khai không đúng thành phần, chống chuyển giá...

Bốn là, mong người tiêu dùng đứng về phía những doanh nghiệp, sản phẩm trong nước – những doanh nghiệp có sản phẩm đạt chất lượng không thua nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt hiện vẫn chưa có được sự bình đẳng vì người tiêu dùng vẫn mang tư tưởng sính ngoại.

“Tôi chỉ đề nghị người tiêu dùng làm sao kìm hãm bớt tư tưởng sính ngoại để quay về với các sản phẩm Việt Nam. Mong rằng một ngày nào đó, người tiêu dùng xem sản phẩm Việt Nam giống như người Việt Nam hâm mộ đội tuyển quốc gia trên sân Mỹ Đình trong các trận đấu quốc tế”, ông Hải nói.

“Chúng tôi đang trong trận đấu quốc tế và mong người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm thuần Việt Nam”.

Cũng có mặt tại hội thảo, đại diện của Vinamilk là ông Dương Ngọc Long – Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu cho rằng: Hiện bò sữa ở trang trại của Vinamilk và TH Milk đều có năng suất 38 – 40 lít/ngày, hoặc trang trại đầu tư bài bản cũng là 25 – 26 lít.

Trong khi đó, năng suất cho sữa của bò Mỹ hiện ở mức 35 lít/ngày, năng suất của bò Úc và New Zealand thậm chí còn thấp hơn.

“Người nông dân cần được hướng dẫn, khi có kiến thức khoa học tốt thì sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm”, ông Long nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM