Bộ trưởng Thăng: Đếm ô tô, đếm phà... không thể dự báo chuẩn

15/12/2014 20:20 PM |

“Ô tô chưa có cầu để đi, mà chúng ta cứ ngồi đó đếm có bao nhiêu ô tô, bao nhiêu phà thì dĩ nhiên con số ấy không bao giờ chuẩn xác được” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Đếm ô tô, đếm phà... không thể có con số dự báo chuẩn xác

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đưa ra nhận định trên tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” diễn ra cuối tuần trước.

Tại hội thảo, bên cạnh việc thừa nhận đầu tư hạ tầng là đầu tư dài hạn có nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn lâu như Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco Phạm Quang Dũng chia sẻ một ví dụ dự án hạ tầng 7 năm đầu thu phí chưa đủ để trả lãi vay, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng công tác dự báo của chúng ta chưa chuẩn và thường thấp hơn thực tế rất nhiều.

“Dự án Bắc Thăng Long – Nội Bài, dự tính theo dự án thu về khoảng 320 triệu đồng/ngày. Hôm trước tôi cho Tổng cục Đường bộ đếm là hơn 700 triệu/ngày... Chúng ta mở cửa cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa), rất nhiều người có ý kiến là tại sao cách Sài Đồng có hơn 100 km mà lại đi mở cảng hàng không thì ai bay. Khi bắt đầu chúng ta mở cửa 1 tuần 5 chuyến bay Thọ Xuân – TPHCM thì đến nay, 1 ngày 6 chuyến bay từ TPHCM và các chuyến khác, mà muốn đăng ký vé rất khó” – Bộ trưởng Đinh La Thăng thuật lại.

Ông cũng lấy ví dụ về cảng hàng không Vinh. Theo quy hoạch, đến năm 2015 cảng này sẽ đón 500 lượt khách/năm, nhưng năm 2013 cảng này đã đón 1 triệu lượt khách. Năm nay dự kiến sẽ đón khoảng 1,3 triệu lượt khách.

Tất cả các dự báo của chúng ta là không chuẩn, lại theo hướng thấp hơn so với thực tế”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định.

“Chúng ta đi làm hạ tầng lại ra đếm phà, chuẩn bị làm cầu lại đếm xe ô tô... Ô tô chưa có cầu để đi, mà chúng ta cứ ngồi đó đếm có bao nhiêu ô tô, bao nhiêu phà thì dĩ nhiên con số ấy không bao giờ chuẩn xác được”.

Đề xuất cơ chế thưởng – phạt tiến độ với nhà đầu tư

Đây là đề xuất của ông Nguyễn Tuấn Huỳnh – tân Tổng Giám đốc của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4). Ông Huỳnh cho rằng nên đưa vào áp dụng cơ chế thưởng/phạt hợp đồng nếu thị công nhanh/chậm.

Đề xuất này được Bộ trưởng Thăng ủng hộ. Cụ thể, Bộ cũng đề xuất nếu nhà đầu tư dự án BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) vượt tiến độ thì cho thu phí ngay và không tính vào hợp đồng. Phần tăng do thu phí sớm sẽ được phân chia hợp lý.

Trường hợp nhà đầu tư chậm tiến độ thì trừ vào thời gian hợp đồng. Ví dụ: Nhà đầu tư được nhận 20 năm thu phí mà thi công dự án chậm 5 năm thì chỉ được thu phí 15 năm.

Nguồn: Bộ Giao thông Vận tải.

Nguồn: Bộ Giao thông Vận tải.

“Việc thực hiện dự án có một số khó khăn và rủi ro... nhưng tôi cho là làm thế nào để lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và cả người dân gắn với nhau hài hòa là quan trọng nhất” – Bộ trưởng cho biết.

“Rõ ràng, nếu chỉ có lợi ích của Nhà nước thì nhà đầu tư không đầu tư. Còn chỉ có lợi ích của nhà đầu tư thì Nhà nước không đồng ý, mà điều quan trọng là người dân cũng không chấp thuận. Người dân không chấp thuận, không nộp phí thì nhà đầu tư không thể hoàn vốn...”

Từ khi có vốn ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức), ngành giao thông vận tải được vay ODA là 17,7 tỷ USD với 132 dự án, hiện đã hoàn thành 94 dự án với khoảng 8 tỷ USD. Trong 2 năm vừa qua, chỉ riêng đường bộ đã thu hút được 160.000 tỷ đồng, tương đương với 8 tỷ USD.

“Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu” – Bộ trưởng Thăng nhận định. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2014 đứng thứ 74/138.

74 chỉ là hạng trung bình của thế giới. Trong khu vực, chúng ta cũng chưa nổi trội. Cho nên, cần đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, để thực sự đóng vai trò đi trước mở đường, góp phần phát triển kinh tế xã hội” – Bộ trưởng Thăng kết luận.

>> Muốn hiểu châu Á, hãy đọc cuốn sách này như Bill Gates

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM