Bắt tay với bất động sản: Ngân hàng tháo van hay chiêu PR của doanh nghiệp?

23/01/2015 12:01 PM |

Nợ xấu bất động sản vẫn ở mức cao, một số ngân hàng sa lầy trong lĩnh vực này. Song thời gian qua, thị trường tiếp tục chứng kiến sự hợp tác ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản.

Ngân hàng nắm bắt xu hướng

Cuối tháng 11/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36 trong đó quy định, hệ số rủi ro trong cho vay chứng khoán, bất động sản được giảm từ mức 250% xuống còn 150%. Điều này đã tạo kỳ vọng rất lớn, được ví như cú hích từ chính sách cho vay đối với đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Số liệu báo cáo tổng kết năm 2014 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, dư nợ tín dụng bất động sản tính đến 31/10/2014 đạt 299.020 tỷ đồng, tăng 14,08% so với thời điểm 31/12/2013, thậm chí cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,13%).

Thời gian vừa qua thị trường cũng chứng kiến hàng loạt ngân hàng bắt tay, rót vốn vào các doanh nghiệp bất động sản bên cạnh phương thức hỗ trợ khách hàng vay ưu đãi mua nhà tại các dự án.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và một doanh nghiệp bất động sản đã kí kết hợp tác toàn diện với tổng giá trị các khoản tín dụng trong 5 năm lên đến 20.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.

Nhận định về hiện tượng này, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho biết, ngân hàng đang kỳ vọng vào lợi nhuận do bất động sản mang lại, là xu hướng gia tăng khi khủng hoảng bất động sản đã đi qua.

“Việc tham gia của ngân hàng vào chủ đầu tư, các dự án có tính thanh khoản lớn, thể hiện sự nắm bắt xu hướng, nhanh nhạy”, ông Cường nhận định.

Cũng theo ông Cường, giải ngân mọi thời điểm là cuộc chơi mà ngân hàng luôn nắm đằng chuôi, ngân hàng bao giờ cũng có điều kiện đảm bảo nguồn tiền, tài sản thế chấp, đảm bảo nguồn trả nợ…

Theo đó, ông Cường tin tưởng rằng, thời điểm này ngân hàng đang dư tiền, đua giảm lãi suất nên ý kiến khó khăn tiếp cận tiền của ngân hàng từ phía doanh nghiệp bất động sản là không đúng.

“Việt Nam đang làm ngược thế giới”

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lại cho rằng, sự liên kết của ngân hàng và bất động sản thời gian qua cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong thị trường Việt Nam, khác với cách các nước trên thế giới đang làm.

“Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, đáng ra ngân hàng chỉ được cho vay, không được đầu tư trực tiếp nhưng hiện nay ngân hàng vừa cho vay vừa đầu tư trực tiếp do lợi nhuận từ đầu tư trực tiếp cao hơn cho vay, song rủi ro cũng rất lớn”, ông Võ cảnh báo.

Cũng theo ông Võ, hiện nay nhiều nước đang hạn chế tiền vay vào lĩnh vực bất động sản nhằm giữ cân đối nguồn cung bất động sản so với các lĩnh vực khác, con số này thường khoảng 30% trong khi tại Việt Nam cho vay bất động sản từ ngân hàng vẫn thả lỏng.

Ông Võ cũng nhìn nhận, liên kết từ các ngân hàng và một số đại gia bất động sản thời gian vừa qua không ngoại trừ khả năng, các ngân hàng đang mạnh tay, đặt cược vào bất động sản. Hoặc thực tế, đây là chiêu PR từ phía các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản.

Ngoài ra, ông Võ cũng phân tích, nợ xấu trong bất động sản tại Việt Nam có cấu trúc khá phức tạp, trong đó, bao gồm phần góp vốn của người mua nhà thông qua mua nhà trên giấy, vốn của nhà đầu tư thứ cấp, vốn từ ngân hàng đầu tư trực tiếp, vốn ngân hàng cho vay thông qua thế chấp…

>> Tình dục, ma túy và Rock and Roll: 13 quy luật sống còn trong thị trường Bất động sản

Hà Anh

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM