Giá chứng khoán Việt Nam còn “rẻ”?

10/10/2013 11:29 AM |

Theo số liệu của Bloomberg, tính đến cuối quý III/2013, chỉ số P/E bình quân TTCK Việt Nam là 12,89, thấp hơn P/E của các thị trường lân cận như Malaysia (16,67), Thái Lan (15,68), Philippines (18,87).

Theo số liệu của Bloomberg, tính đến cuối quý III/2013, chỉ số P/E (thị giá /thu nhập bình quân cổ phiếu) bình quân thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là 12,89, thấp hơn mức 14,65 vào thời điểm cuối quý II/2013 và cũng thấp hơn mức P/E của các thị trường lân cận như Malaysia (16,67), Thái Lan (15,68), Philippines (18,87).

Nếu xét trên mức vốn hóa, P/E của nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và nhỏ lần lượt là 11,54 và 8,22, đều thấp hơn so với mức đầu năm; còn P/E của nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình tăng từ mức 5,4 lên 10,05. Điều này cho thấy lợi nhuận của các DN có vốn hóa lớn và nhỏ đã được cải thiện đáng kể nhưng giá cổ phiếu dù có tăng vẫn chưa phải quá cao so với quý trước và với các nước trong khu vực.

Chỉ số VN-Index gần như đi ngang trong biên độ hẹp từ -3% đến +6% trong quý III/2013. Thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho thấy, diễn biến giá trên TTCK phân hóa khá cân bằng từ đầu năm 2012 với tỷ lệ mã tăng giá chiếm 44% và mã giảm giá là 56%. Trong số các mã tăng giá, khoảng 43% có mức tăng thấp hơn hoặc bằng mức tăng trưởng chung của VN-Index.

Trong khi đó, khoảng 52% số mã tăng giá đạt được mức tăng trưởng từ 20% trở lên. Những mã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên 100% chiếm khoảng 6% bao gồm HSG, PVT, BTP, DCL, TCM…

Dưới góc nhìn của VDSC, mặt bằng giá cổ phiếu trên hai sàn niêm yết vẫn còn tương đối rẻ, nhà đầu tư (NĐT) vẫn còn cơ hội đối với nhóm cổ phiếu chưa lấy lại được mức tăng trưởng của giai đoạn đầu năm và cả nhóm cổ phiếu đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, việc chọn lựa sẽ tùy thuộc nhiều vào các điều kiện cơ bản của DN cùng với lợi nhuận quý III và cả năm 2013.

Trước mắt, trong tháng 10/2013, thị trường xuất hiện hai nhân tố hỗ trợ là tiến trình mua nợ xấu đã được khởi động và sự lạc quan trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, triển vọng lợi nhuận của các DN đang niêm yết, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý III sắp được công bố, sẽ là cơ sở để NĐT lọc, lựa cổ phiếu cho danh mục đầu tư.

Bước sang quý IV, mặc dù dòng vốn của NĐT nước ngoài vẫn chưa mạnh dạn tham gia trở lại nhưng thanh khoản trong những ngày đầu tháng 10 tăng rất tốt. Nguyên nhân là do NĐT trong nước đang có chuyển biến tích cực hơn về tâm lý dựa vào những yếu tố như VAMC khởi động tiến trình mua nợ xấu, sản xuất trong nước có biểu hiện phục hồi...

Thực tế cho thấy, sự vào cuộc rốt ráo của VAMC trong việc xử lý nợ xấu là một tin cực tốt đối với TTCK. Sau đợt mua đầu hơn 1.700 tỷ đồng từ Agribank, VAMC cũng mua thêm gần 850 tỷ đồng nợ xấu từ SHB, SCB và PG Bank, cùng lúc nhiều ngân hàng cũng đang lên kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC. Diễn biến này được đánh giá là tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu của giới đầu tư, đặc biệt sau một khoảng thời gian dài chờ đợi kể từ khi có quyết định thành lập cho đến lúc VAMC chính thức đi vào hoạt động.

Bên cạnh những yếu tố tích cực trên, thị trường vẫn còn một số kỳ vọng như khả năng nới room cho NĐT nước ngoài, thỏa thuận cơ bản của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến đạt được thêm các bước tiến mới vào tháng 10/2013 và tiến tới ký kết tổng thể vào cuối năm nay…

Ngoài ra, những yếu tố vĩ mô như cán cân thương mại, tỷ giá, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá ổn định; lạm phát trong tầm kiểm soát… cũng được xem là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, một rủi ro đáng kể từ bên ngoài cần được nhắc đến là cuộc chiến ngân sách và những bất đồng liên quan đến nâng trần nợ công đang diễn ra tại Mỹ. Theo các chuyên gia, nếu trần nợ công không được thông qua (hạn chót là ngày 17/10 tới đây), Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thể phát hành thêm trái phiếu để trang trải các khoản nợ.

Một khi khả năng thanh toán không được đảm bảo, định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây tác động tiêu cực tới diễn biến TTCK Mỹ nói riêng và TTCK toàn cầu nói chung.

Dựa trên các điều kiện vĩ mô hiện tại, VDSC khuyến nghị NĐT nên quan tâm đến những DN vay nợ nhiều và đang được hưởng lợi nhờ lãi suất cho vay giảm (bất động sản và dịch vụ tiêu dùng), DN xuất khẩu với kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP và khả năng tiếp tục giảm giá đồng nội tệ (thủy sản, dệt may), DN ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng khi nhu cầu tiêu dùng sẽ được cải thiện vào cuối năm…

Tuy nhiên, NĐT cũng nên cân nhắc thêm việc giá cổ phiếu đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận của các DN hay chưa để lựa chọn mức giá và thời điểm giải ngân hợp lý. Theo thống kê, các ngành có giá cổ phiếu chưa tăng mạnh chủ yếu do chịu ảnh hưởng của vĩ mô như tài chính, bất động sản và công nghiệp...

Theo Trí Tri

phuongmai

Từ khóa:  , chứng khoán
Cùng chuyên mục
XEM