Thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng lên ngôi nhưng phát triển vẫn còn rất chậm

05/07/2016 09:21 AM | Kinh doanh

Trong khi các phân khúc nhà ở đang dần bão hòa thì bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng trở thành hơi thở mới của những nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, so với khu vực, Việt Nam tiếp cận quá muộn và dường như đang đi rất chậm.

Đơn cử như mô hình bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch được các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... đã phát triển song song và đồng bộ cùng với thị trường du lịch từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Kéo theo đó, một lượng lớn khách du lịch đổ về, giúp nền kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm qua.

BĐS du lịch, giải trí VN như “gã khổng lồ ngủ quên”

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đánh rơi 3 tỷ USD vì bỏ quên phân khúc bất động sản du lịch, giải trí.

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - Đặng Hùng Võ, cho rằng, Việt Nam có thể còn đánh rơi nhiều thứ nữa.

Giáo sư Võ thừa nhận, Việt Nam phát triển phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí hơi chậm so với nhu cầu phát triển cũng như tiềm năng du lịch. Cũng vì thế mà việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng giải trí trở nên không đồng bộ trong thời gian qua: có lễ hội nhưng không đủ hạ tầng để đảm bảo lễ hội diễn ra tốt đẹp.

Ông cho rằng, nhiều chuyên gia đã từng nhận định bất động sản giải trí tại VN như một “gã khổng lồ ngủ quên” là có lý. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ VN có đủ nhà đầu tư có tiềm năng tài chính cao để cho "gã khổng lồ" tỉnh giấc hay không.

"Các nhà đầu tư Việt Nam thường vốn ít, do đó không muốn đầu tư vào những dự án quá lớn. Do đó, cần thời gian để chờ đợi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, tiềm lực mạnh để phát triển phân khúc này", ông cho hay.

Song trên thực tế, có thể thấy, từ năm 2015, các nhà đầu tư dự án ở Việt Nam đã tập trung khá nhiều vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch. Hiện VN cũng có khá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, đạt chuẩn mực quốc tế và họ đang thực hiện khá nhiều dự án lớn về các quần thể du lịch nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí ở những địa điểm có tiềm năng cao như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc...


Bất động sản giải trí, du lịch Việt Nam đi sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia hàng chục năm.

Bất động sản giải trí, du lịch Việt Nam đi sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia hàng chục năm.

Liệu BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có là điểm sáng tại Việt Nam?

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là một hình thức xã hội hóa đầu tư để phát triển du lịch và đã mang lại thành công cho nhiều quốc gia có tiềm năng du lịch cao.

Trong khi Việt Nam hầu như các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến BĐS nhà ở thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đã phát triển quần thể BĐS du lịch giải trí chất lượng cao từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, hơi thở mới của thị trường BĐS đã ngày càng rõ rệt ở Việt Nam.

Kể từ sau giai đoạn trầm lắng (2010-2013), các chủ đầu tư ở Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào các dự án phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng ở khá nhiều địa phương có tiềm năng cao như TP Hạ Long, dải ven biển miền Trung kéo từ Thanh Hóa cho tới Bình Thuận, nhiều đảo trên biển nhất là Phú Quốc.

Bên cạnh đó, một yếu tố mới là đầu tư các quần thể du lịch nghỉ dưỡng từ các nhà đầu tư lớn cũng đã dần hình thành.

“Việt Nam là một đất nước thanh bình, có nhiều danh thắng nổi tiếng thế giới. Nhà nước cũng đang quan tâm phát triển du lịch như một mũi nhọn kinh tế, phát triển hạ tầng kết nối giữa các khu du lịch, có chính sách đất đai phù hợp để phát triển BĐS du lịch.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại các địa điểm có tiềm năng du lịch cao”, giáo sư Võ cho hay.

Theo giáo sư Võ, một trong những nguyên tắc các nhà đầu tư tính toán đầu tư là khả năng thu lợi và hoàn vốn.

Trong khi đó, đầu tư vào phân khúc nhà ở tại các khu đô thị lớn và cho thuê chỉ đảm bảo mức thu lợi khoảng 6%; với vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm còn kém hơn; còn chứng khoán khoảng 8-10% nhưng không phải ai cũng làm được. Thế nhưng, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, du lịch hoàn toàn có khả năng thu lợi đến 10%.

Do vậy, có thể nói, kênh đầu tư vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói chung và bất động sản du lịch và giải trí đang thể hiện khả năng sinh lợi cao nhất và dễ đầu tư nhất.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, ông Trịnh Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire cho biết, mô hình này không chỉ cung cấp thêm nguồn cung về dịch vụ lưu trú mà còn hỗ trợ trong việc gia tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại Việt Nam.

Lấy ví dụ về thị trường bất động sản Singapore, ông Hưngcho hay, nước này là ví dụ điển hình về sự thành công của mô hình này khi thu hút lượng khách du lịch rất lớn và tăng trưởng cao trong nhiều năm mặc dù họ gần như không sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và phong phú như Việt Nam.

Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia cũng là những ví dụ tương tự.

Theo đó, ông Hưng coi đây là cơ hội khi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Nhu cầu thị trường có nhưng còn đang bỏ ngỏ và mô hình này đã được chứng minh thành công ở nhiều nơi nên không có lý gì bỏ qua.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM