Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác

18/11/2019 08:41 AM | Sống

Từng làm công việc có mức lương cả nghìn đô nhưng anh Dương Trung Hiếu quyết định rẽ ngang, sang nghiên cứu khoa học.

Học sinh cấp 2 chế tạo thành công thuyền vớt rác thải

Trong cuộc thi ‘Thách thức các nhà phát minh nhỏ tuổi (YIC) 2019’ do Hội Khoa học kĩ thuật và sáng chế Malaysia tổ chức tại Malaysia vào tháng 9 vừa qua, nhóm học sinh đến từ trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã giành được giải Đồng với sản phẩm ‘Garboat - Thuyền vớt rác trên sông’.

Sản phẩm này được hội đồng chấm giải đánh giá cao vì mang tính ứng dụng trong cuộc sống, giúp thu gom rác thải nhựa trên sông, hồ hiệu quả.

Đồng hành cùng các em học sinh là Thạc sĩ/kỹ sư Dương Trung Hiếu (SN 1977 - Hoàn Kiếm, Hà Nội) và thầy Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1975).

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác - Ảnh 1.
Nhóm học sinh Việt Nam vinh dự giành huy chương Đồng trong cuộc thi sáng chế bên nước ngoài.

Anh Hiếu chia sẻ: 'Tính từ bước lên ý tưởng cho tới khi hoàn thành sản phẩm là 6 tháng (từ tháng 3 cho tới tháng 9/2019) nhưng quãng thời gian tôi và nhóm học sinh trường Ngô Sĩ Liên làm việc với nhau chỉ một tháng trước cuộc thi.

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác - Ảnh 2.
Mô hình thuyền vớt rác bằng nhựa và bìa ban đầu của nhóm học sinh.

Điều quan trọng là tôi cảm nhận được độ máu lửa và sung sức của các em. Ở phòng thí nghiệm hàng giờ đồng hồ, chưa bạn nào kêu ca hay dứt ra khỏi phòng Lab. Tôi đóng vai trò như người chỉ đường, quan sát, các em tự tay thực hiện. Từ hàn mạch điện, lắp ráp khung…’, anh Hiếu kể.

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác - Ảnh 3.
Thầy Hiếu (ngoài cùng bên phải) và thầy Xuân Hoàng ăn mừng chiến thắng với nhóm học sinh đoạt giải.

Quá trình làm, nhóm học sinh anh Hiếu hướng dẫn gặp khá nhiều thất bại nhưng thầy trò vẫn quyết tâm tới cùng.

Lần thứ 3 hạ thủy, con thuyền được lắp bánh lái và điều khiển tiến ra giữa hồ để vớt rác. Vừa mới ra giữa hồ, động cơ bên trái bị nước bắn vào tịt ngóm, động cơ bên phải rơi mất ốc, bánh lái văng xuống hồ mất tích. Học sinh ngồi trên bờ tiu nghỉu vì thất bại.

Ngược lại, anh Hiếu vỗ tay khích lệ, gọi các em đưa thuyền lên bờ, phân tích lý do, cùng học trò tìm hiểu vì sao bại. Đến lần thứ 4, các em đã thành công.

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác - Ảnh 4.
Thuyền vớt rác khi hoàn thiện và hạ thủy.

Bỏ việc nghìn đô, làm nghiên cứu khoa học

Nếu không gặp anh ở ngôi nhà trên phố Hàng Bông (Hà Nội) và nghe anh tiết lộ, ít ai hay, người đàn ông đam mê khoa học này là cháu nội giáo sư Dương Quảng Hàm (hiệu trưởng trường Bưởi (trường Chu Văn An ngày nay) giai đoạn sau Cách mạng tháng 8 năm 1945).

Anh Hiếu chia sẻ, anh học Đại học Xây dựng, ra trường làm kỹ sư. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó, anh quyết định rời môi trường mà bao người mơ ước, rẽ ngang sang các lĩnh vực khác.

Có thời điểm, anh làm công việc lương tháng lên tới cả nghìn đô. Sau nhiều lần thay đổi, bôn ba, ở tuổi 40 anh thực sự tìm được niềm đam mê là nghiên cứu khoa học.

Trước đó, anh Hiếu mắc vấn đề về cột sống, phải phẫu thuật, nằm điều trị ở nhà suốt một năm.

Sức khỏe ổn định, từ gợi ý của một người bạn, anh đã mở một phòng Lab chuyên nghiên cứu và dạy về ứng dụng Vật lý thực hành.

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác - Ảnh 5.
Thầy giáo Hiếu trong buổi giảng về ứng dụng Vật lý thực hành ở trường tiểu học.

‘Tôi lấy lại căn nhà đang cho thuê ở quận Thanh Xuân với giá 10 triệu đồng/tháng làm địa điểm phòng Lab. Nhiều người còn nói tôi điên rồ, đầu tư cả tỷ đồng vào đây. Vì ở góc độ nghiên cứu, tôi chỉ là kẻ tay ngang. Gia đình, vợ con cũng chưa hiểu, phản đối kịch liệt’, anh Hiếu nhớ lại.

Bằng những kiến thức từ thời ngồi trên giảng đường đại học và kinh nghiệm đúc rút trong quãng thời gian làm kỹ sư công trình, anh Hiếu mày mò, tìm cách đưa những lý thuyết vật lý, hóa học khô khan… vào thực tiễn, truyền tải đến học trò một cách dễ hiểu nhất.

Qua đó, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác - Ảnh 6.
Học trò thực hành tại phòng nghiên cứu của thầy Hiếu.

‘Tôi dạy các em từ những điều cái sơ đẳng nhất, những thiết bị điều khiển bằng tay.

Một bảng mạch điện, tôi cho các em học suốt một tuần. Sau đó, đưa các em đến công trình thực tế, tự đấu nối, lắp ráp thiết bị điện’, kĩ sư sinh năm 1977 bộc bạch.

Ban đầu, anh hỗ trợ các trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn thành phố Hà Nội một số dự án thiết kế máy móc, sáng tạo.

Khi được nhiều người biết đến, anh được một số trường mời giảng về ứng dụng khoa học Vật lý thực hành cho học sinh.

‘Gia đình tôi 6 đời làm nghề giáo nhưng tôi không nghĩ một ngày mình lại tiếp tục truyền thống gia đình như bây giờ.

Trước đây, tôi được đặt chân đến nhiều nước, thăm quan các phòng thí nghiệm của họ nhưng chưa bao giờ nghĩ một ngày mình tự mở phòng thí nghiệm riêng.

Mặc dù đến với đam mê hơi muộn nhưng tôi hi vọng sẽ truyền lửa cho các học trò, tương lai các em cũng có thể trở thành nhà khoa học hoặc có đam mê sáng tạo, đưa ra các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống’, anh Hiếu nói.


Theo Diệu Bình

Cùng chuyên mục
XEM