Thành công của Tổng thống Trump: Sử dụng kinh tế như vũ khí mà không khơi mào bất kỳ cuộc chiến tổng lực nào

11/06/2019 11:00 AM | Xã hội

Theo Thomas Friedman, người từng đoạt giải Pulitzer danh giá với cuốn sách nổi tiếng toàn cầu "Thế giới phẳng" (The World is Flat), Mỹ sẽ không đánh Trung Quốc vì đã có... McDonald's.

Thời gian gần đây, thế giới đang lâm vào một cuộc chiến diện rộng với người khơi mào là Mỹ, chỉ có điều đây không phải cuộc chiến bằng súng đạn nhưng ảnh hưởng mà nó mang lại sâu xa và phức tạp chẳng kém những cuộc chiến tổng lực.

Tuy nhiên xét theo một số khía cạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công khẳng định vị thế của Mỹ cũng như áp đặt luật chơi lên nhiều quốc gia mà chẳng cần tốn một viên đạn. Rõ ràng, một doanh nhân điều hành đất nước sẽ có quan điểm và đường lối khác hẳn so với những chuyên gia về chính trị. Suy cho cùng, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ giàu có nhất thế giới.

Mới đây, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cấm vận nếu các nước Châu Âu vẫn tiếp tục giao thương mới Iran. Sau đó chính quyền Washington cũng cảnh báo Mexico rằng họ sẽ bị áp hàng rào thuế quan nếu không ngăn chặn được dòng người nhập cư.

Thành công của Tổng thống Trump: Sử dụng kinh tế như vũ khí mà không khơi mào bất kỳ cuộc chiến tổng lực nào - Ảnh 1.

Đến ngày 1/6/2019, Tổng thống Trump tiếp tục làm cả thế giới lo sợ khi loại Ấn Độ khỏi danh sách được hưởng chế độ giao thương đặc biệt với lý do mở cửa thị trường chưa đủ cho các công ty Mỹ. Thậm chí tờ New York Times còn tiết lộ Tổng thống Trump đã dự định lập hàng rào thuế với Aluminium nhập khẩu từ Australia cho đến khi Bộ quốc phòng phản đối điều này.

Trên thực tế, những quyết định của Tổng thống Trump đôi khi không chỉ là do xung đột kinh tế mà còn liên quan đến chính trị. Tuy nhiên dù rắc rối là gì, Nhà Trắng cũng ưu tiên dùng vũ khí kinh tế hơn là những chiêu trò ngoại giao hay áp lực quân sự. Từ Mexico cho đến Venezuela, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Iran, từ Châu Âu cho đến Trung Quốc hiện nay đều e dè với sức mạnh kinh tế của Mỹ nhiều hơn là kho vũ khí đầu đạn hạt nhân của họ.

Giám đốc nghiên cứu của Medley Global Advisors, ông Ben Emons nhận định những đòn đánh thương mại của Tổng thống Trump mang tính chiến thuật quân sự khá cao. Với những dòng đăng tải trên trang mạng Twitter, Tổng thống Trump luôn khiến đối thủ bị bất ngờ. Nhà lãnh đạo này thường ép đối thủ phải thực hiện theo cách ông ấy muốn, hoặc làm tê liệt khả năng kháng cự của đối phương, đường lối mà trong quân sự Mỹ gọi là "tấn công áp chế".

Ví dụ trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư từ Mexico, Tổng thống Trump đề xuất xây dựng bức tường biên giới nhưng bị Nghị viện phủ quyết, vậy là ông quyết định chuyển hướng sang các đòn rào cản thuế quan để ép chính phủ Mexico hạn chế người nhập cư.

Theo chuyên gia Emons, niềm tin của Tổng thống Trump khi cho rằng thị trường tiêu dùng kiểu gì rồi cũng sẽ xoay quanh nền kinh tế Mỹ, rằng thị trường chứng khoán Mỹ ảnh hưởng đến nền tài chính toàn cầu có cái lý của nó.

Hãng tin Bloomberg cũng cùng quan điểm khi cho rằng Tổng thống Trump ưa thích dùng đòn đánh kinh tế hơn là vũ lực, điều mà người Mỹ thường hay làm trong suốt 50 năm qua mỗi khi thế giới có điểm nóng. Trong khi người tiền nhiệm Barack Obama dù đạt giải Nobel hòa bình vẫn đổ quân vào Libya thì Tổng thống Trump cố gắng rút bớt lính khỏi Syria lẫn Afghanistan. Tuy vậy đừng hiểu nhầm rằng nhà lãnh đạo này không thích vũ lực, ngân sách cho quốc phòng Mỹ vẫn cao ngất ngưởng. Có chăng là Nhà Trắng hiện nay thích dùng đòn đánh kinh tế hơn.

Điều thú vị là khi mới nhậm chức, khá nhiều quốc gia lẫn chuyên gia không đánh giá cao những lời cam kết của Tổng thống Trump. Họ cho rằng thị trường sẽ không nghe lời ông, nhưng kết quả thì ngược lại. Tổng thống Trump đã, đang và sẽ làm những gì ông cam kết dù chúng khá "điên rồ" theo quan điểm của nhiều người và tệ hơn là thị trường tài chính, kinh tế tin theo điều đó, khiến những đòn đánh của nhà lãnh đạo này có sức mạnh lớn hơn.

Thành công của Tổng thống Trump: Sử dụng kinh tế như vũ khí mà không khơi mào bất kỳ cuộc chiến tổng lực nào - Ảnh 2.

Mỹ sẽ không tấn công Trung Quốc vì đã có…McDonald’s

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có những động thái gây căng thẳng với một số nước như Trung Quốc hay thậm chí là những quốc gia đồng minh lâu năm với Mỹ đang khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh cục bộ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nhà báo người Mỹ Thomas Friedman, người từng đoạt giải Pulitzer danh giá với cuốn sách nổi tiếng toàn cầu "Thế giới phẳng" (The World is Flat) lại không đồng ý với quan điểm này.

Trong quyển "The Lexus and the Olive Tree" xuất bản năm 1999, Thomas Friedman đã đưa ra một giả thuyết gọi là "Golden Arches Theory of Conflict Prevention". Cụ thể, ông Friedman cho rằng 2 quốc gia cùng có sự hiện diện của chuỗi cửa hàng McDonald's sẽ không gây chiến với nhau.

Theo Friedman, một quốc gia đến giai đoạn phát triển mà tầng lớp trung lưu có vai trò cũng như sức mạnh to lớn trong xã hội, đủ để chống đỡ cho hàng loạt hệ thống cửa hàng ăn nhanh như McDonald’s tồn tại thì khi đó nền kinh tế của nước này mới được gọi là phát triển. Lúc đó, quốc gia này có thể được gọi là "Quốc gia McDonald's" và họ sẽ không có hứng thú đi gây chiến để tự làm tổn hại mình.

Luận điểm của Friedman nằm ở chỗ chính xu thế toàn cầu hóa sẽ gắn kết các nền kinh tế lại với nhau và họ sẽ mất nhiều hơn được nếu gây chiến với nhau. Nói cách khác, nếu 2 nước đã có trình độ kinh tế phát triển nhất định, người dân có cuộc sống khá tốt và thương mại giữa 2 quốc gia chặt chẽ, đủ để những chuỗi cửa hàng như McDonald's đặt chi nhánh thì họ sẽ không mạo hiểm gây chiến.

Thành công của Tổng thống Trump: Sử dụng kinh tế như vũ khí mà không khơi mào bất kỳ cuộc chiến tổng lực nào - Ảnh 3.

Quan điểm này của Friedman thời đó khá mới mẻ khi xu thế toàn cầu hóa mới manh nha. Nhà báo này cho rằng thời kỳ các nước xâm chiếm nhau để gia tăng lợi ích đã qua khi hiện nay giao dịch thương mại giữa các nước tạo nên những mối liên kết chặt chẽ, đan xen lợi ích lẫn nhau.

Chính vì vậy, việc gây chiến giữa 2 đối tác thương mại là điều khó xảy ra hơn trước khi lợi ích của chiến tranh không bù đắp được cho sự thua thiệt về kinh tế cũng như hạ thấp tiêu chuẩn sống của người dân.

Mặc dù vậy, quan điểm của Friedman bị lung lay dữ dội ngay sau khi cuốn sách về thuyết McDonald's của ông được xuất bản. Nguyên nhân chính là việc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh bom Belgrade trong cuộc chiến vùng Balkan bất chấp cả 2 nền kinh tế đều có mặt chuỗi đồ ăn nhanh này.

Khi đó, nhà báo Friedman cho rằng đây thực ra là minh chứng cho học thuyết của ông khi cuộc chiến trên kết thúc vô cùng nhanh chóng.

"Khi NATO cắt điện của vùng Belgrade và hạn chế hệ thống năng lượng cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế của vùng, những người dân nơi đây bắt đầu kêu gọi kết thúc cuộc chiến. Chuyện này rất đơn giản, người dân Belgrade muốn trở thành một phần của thế giới hơn là muốn Kosovo trở thành một phần thế giới (Kosovo muốn độc lập là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến vùng Balkan cuối thập niên 90). Họ muốn những cửa hàng McDonald's được mở lại hơn là muốn Kosovo được giải phóng", ông Friedman nhận định.

Sau này, ông Friedman phát triển thuyết McDonald's của mình lên thành thuyết "Dell Theory of Conflict Prevention" và được xuất bản trong cuốn sách nổi tiếng "Thế giới phẳng", qua đó đề cập đến xu thế ảnh hưởng to lớn của quá trình toàn cầu hóa. Theo đó, 2 quốc gia đều thuộc một chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu, ví dụ như Dell, sẽ không bao giờ gây chiến với nhau.

Nói đơn giản, nếu những tập đoàn lớn như Dell có chuỗi sản xuất đặt tại nhiều nước thay vì có nhà máy tại nước bản địa thì những nước ngoài được đặt nhà máy này sẽ không bao giờ gây chiến với nhau vì điều đó khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và họ sẽ thiệt hại về mặt kinh tế nhiều hơn.

Thành công của Tổng thống Trump: Sử dụng kinh tế như vũ khí mà không khơi mào bất kỳ cuộc chiến tổng lực nào - Ảnh 4.

Nhằm củng cố lý thuyết này, ông Friedman dẫn chứng cuộc xung đột giữa 2 nước có vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan, đồng thời là đối tác thương mại cũng như nằm trong chuỗi cung ứng của rất nhiều tập đoàn đã kết thúc nhanh chóng vì lợi ích của cả đôi bên.

Vào năm 2000, chính bản thân ông Friedman cũng phải thừa nhận rằng học thuyết của mình bị nhiều người chỉ trích. Tuy nhiên, nhà báo đạt giải thưởng Pulitzer này cho rằng mọi người quá quan tâm đến chuyện đúng sai của một giả thuyết mà quên đi bản chất ý tưởng ông đề ra trong đó.

Theo đó, chính quá trình toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng đến các chính sách chính trị, ngoại giao, quân sự của nhiều nước trên thế giới. Việc sử dụng McDonald, hay Dell chỉ là cách nói ẩn dụ và việc sử dụng những ví dụ thực tế là không hoàn toàn chính xác khi các cuộc chiến đôi khi diễn ra bởi nhiều nguyên nhân chứ không riêng gì vì lợi ích kinh tế.

Mặc dù việc có hay không McDonald's không phải là minh chứng chắc chắn cho việc có chiến tranh giữa 2 nước hay không nhưng đó có thể là một dấu hiệu cho việc bình thường hóa quan hệ. Hãy tưởng tượng Bắc Triều Tiên có cửa hàng ăn nhanh McDonald's hay có một nhà máy sản xuất của Dell, điều này không chứng mình Bắc Triều Tiên sẽ làm hòa với Mỹ nhưng là một tín hiệu tốt cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Bắc Triều.

Như vậy, theo luận điểm này, một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... là điều khó xảy ra khi lợi ích thương mại hiện đã quá lớn.

AB

Cùng chuyên mục
XEM