Tham vọng cửa khẩu thông minh của Viettel Post: Dùng xe tự hành AGV, tăng công suất thông quan tới 5 lần, giải quyết triệt để tình trạng tắc biên, giảm 70% phí thông quan

23/01/2024 15:12 PM | Kinh doanh

Công nghệ vận tải xuyên biên giới bằng xe tự hành AGV có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, chạy 24/24 giờ… Hệ thống sẽ giúp tăng công suất thông quan lên 4-5 lần, có thể giải quyết triệt để tình trạng tắc biên, hư hỏng hàng hóa, giúp giảm chi phí thông quan tới 70%, Tổng Giám đốc Viettel Post Hoàng Trung Thành chia sẻ.

Tham vọng cửa khẩu thông minh của Viettel Post: Dùng xe tự hành AGV, tăng công suất thông quan tới 5 lần, giải quyết triệt để tình trạng tắc biên, giảm 70% phí thông quan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Viettel Post đang ngày càng thâm nhập sâu vào mảng logistics, với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics toàn cầu.

"Chúng tôi xác định Viettel Post không chỉ cần làm tốt lĩnh vực chuyển phát – Last-mile Delivery - mà đã đặt nền móng và quyết tâm xây dựng thành công những lĩnh vực then chốt của logistics", Trung tá Hoàng Trung Thành - Tổng giám đốc Viettel Post – chia sẻ trong sự kiện mới đây.

Các lĩnh vực mới hỗ trợ cho chuỗi cung ứng mà Viettel Post đang và lên kế hoạch thực hiện gồm Cửa khẩu thông minh, Công viên Logistics, và Hệ thống đường sắt liên vận quốc tế, hướng tới kết nối đồng bộ các trung tâm, khu công nghiệp, vùng nuôi trồng... với các hub giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, cửa biển, cửa khẩu...

Tham vọng cửa khẩu thông minh của Viettel Post: Dùng xe tự hành AGV, tăng công suất thông quan tới 5 lần, giải quyết triệt để tình trạng tắc biên, giảm 70% phí thông quan - Ảnh 2.

Trung tá Hoàng Trung Thành - Tổng giám đốc Viettel Post.

- Cửa khẩu thông minh: Viettel Post dự kiến ứng dụng các công nghệ vận tải xuyên biên giới bằng xe tự hành AGV, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, 24/24 giờ. Hệ thống sẽ được điều khiển bằng mạng 5G, giúp tăng công suất thông quan lên 4-5 lần, có thể giải quyết triệt để tình trạng tắc biên, hư hỏng hàng hóa, có thể giúp giảm chi phí thông quan tới 70%.

- Hệ thống công viên logistics: Viettel Post sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như hệ thống kho thông minh, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ vận tải nội địa, vận tải xuyên biên giới, đặc biệt hệ thống thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch mà kết quả sẽ được công nhận ở các quốc gia khác.

"Sau khi tham khảo cách làm của Thái Lan, Lào, Philippines khi họ làm với Trung Quốc, ví dụ quả sầu riêng của Thái Lan khi đưa sang Trung Quốc chỉ bị kiểm tra 20 - 30%, trong khi đó sầu riêng và các loại trái cây nông sản của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, xuất sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%. Việc này gây tốn thời gian, chi phí, dẫn đến tình trạng hư hỏng hàng hóa", ông Thành nói.

- Hệ thống đường sắt liên vận quốc tế: Giúp "kéo" cửa khẩu từ biên giới sâu vào trong nội địa. Hàng hóa sẽ được thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch tại ga Yên Viên, Sóng Thần, tránh tình trạng lệ thuộc vào các cửa khẩu truyền thống như hiện nay.

"Xây dựng một hạ tầng logistics giúp kết nối thị trường cho hàng hóa lưu chuyển trong nước" là một trong 2 mục tiêu trong chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia của Viettel Post.

Mục tiêu thứ 2 là kết nối thị trường 1 tỷ dân của Trung Quốc với thị trường 700 triệu dân của ASEAN.

"Trên đường kết nối đó, Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi giúp cho việc vận chuyển nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Đó là những điểm quan trọng tạo ra lợi thế cho lĩnh vực logistics đường bộ và đường sắt", Tổng Giám đốc Viettel Post chia sẻ trên Nhịp sống Thị trường.

Hiện Viettel Post đã đầu tư và hoạt động tại Myanmar, Campuchia. Trong năm 2024, công ty sẽ đầu tư và hoạt động tại Lào, Thái Lan và Trung Quốc với định hướng dài hạn là tạo ra kết nối logistics và kết nối thương mại xuyên biên giới, kết nối ASEAN - Việt Nam – Trung Quốc.

Ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel – cho biết quy mô thị trường logistics toàn cầu đã đạt gần 9 nghìn tỷ USD năm 2023, dự kiến tăng lên 18,23 nghìn tỷ USD năm 2030. Trong đó, Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất.

Việt Nam hiện đứng trong top 10 trong 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Theo thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics của Việt Nam hiện rất cao, 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Nguyên nhân là do vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 73%.

Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua hình thức vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt 0,2% và đường hàng không 0,01%. Bên cạnh đó, hạ tầng trung tâm logistics để kết nối các vùng nuôi trồng, nhà máy sản xuất cũng chưa được quy hoạch đồng bộ.


Bình An

Cùng chuyên mục
XEM