Tết Nguyên Đán đắt đỏ vì hải tặc: Kênh đào Suez bị chặn đứng, cản trở 30% vận tải biển, nguy cơ lạm phát và hàng không kịp về bán trong đợt lễ

08/01/2024 15:24 PM | Xã hội

Năm 2024 mở màn đầy "đắt đỏ" khi tuyến đường biển huyết mạch của giao thương toàn cầu bị chặn đứng vì hải tặc.

Tết Nguyên Đán đắt đỏ vì hải tặc: Kênh đào Suez bị chặn đứng, cản trở 30% vận tải biển, nguy cơ lạm phát và hàng không kịp về bán trong đợt lễ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hãng tin CNBC cho hay việc hải tặc tấn công các thuyền chở hàng dọc Biển Đỏ, cửa ngõ giao thương đi vào kênh đào Suez đang khiến hàng loạt công ty phải chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi, qua đó làm gia tăng chi phí hàng hóa cũng như kéo dài thời gian vận chuyển, dẫn đến khả năng bùng nổ lạm phát trong Tết Nguyên Đán.

Theo CNBC, hơn 200 tỷ USD hàng hóa đã bị các tàu vận chuyển đổi hướng trong tuần qua, khiến giá vận tải tăng cao từng ngày. Do bùng phát chi phí tăng thêm vì phải đi đường vòng nên các chuyến hàng từ Trung Quốc sang Phương Tây và ngược lại đang bị đình trệ khá nhiều, gây ra thách thức lạm phát cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024.

"Đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra lạm phát phi mã năm 2022 có thể lặp lại trong năm 2024 nếu tình hình hải tặc ở Biển Đỏ không được giải quyết", CEO Larry Lindsey của hãng tư vấn Lindsey Group cảnh báo.

Trong suốt năm vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng nhiều ngân hàng trung ương khác đã cố gắng kiềm chế lạm phát bằng lãi suất cao, qua đó hy sinh tăng trưởng kinh tế cũng như tạo nên những tác động tiêu cực cho hàng loạt thị trường, từ bất động sản đến chứng khoán.

Xin được nhắc rằng kênh đào Suez xử lý đến 12% vận tải giao thương trên toàn cầu, đồng thời chiếm đến 30% lượng container bằng đường biển nên vụ việc này có thể ảnh hưởng rất lớn đến giá cả hàng hóa trong năm 2024 nếu không được giải quyết.

Khu vực Biển Đỏ bị hải tặc tấn công nối với kênh đào Suez

Nghiêm trọng hơn, việc phải kéo dài tuyến đường vận chuyển khiến nhiều tàu hàng không kịp vận chuyển và dỡ hàng cho đợt Tết Nguyên Đán. Thông thường đây không chỉ là đợt kinh doanh lớn mà còn là thời điểm các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ nên các tàu hàng thường cố gắng vận chuyển sớm.

Đắt đỏ

Hãng tin CNBC cho hay giá vận tải đường biển từ Châu Á sang Châu Âu và ngược lại đã tăng gấp đôi trong 1 tuần qua, vượt ngưỡng 4.000 USD cho mỗi container 40 foot. Giá vận tải đường biển đến Châu Á qua Địa Trung Hải đã tăng lên 5.175 USD/container. Một số giao dịch thậm chí đẩy giá lên 6.000 USD và cộng thêm cả khoản phí phát sinh 2.700 USD nếu có trục trặc.

Trong khi đó tờ The Guardian ước tính chi phí vận xăng dầu sẽ tăng thêm 1 triệu USD cho mỗi chuyến đi vòng giữa Châu Á và Châu Âu, chưa kể phụ phí bảo hiểm và nhiều chi phí khác.

Theo nhận định của The Guardian, những mặt hàng tiêu dùng như quần áo, thực phẩm, đồ nội thất...nhiều khả năng sẽ bị giao trễ hoặc thậm chí tăng giá vì ảnh hưởng kép từ vụ hải tặc chặn kênh Biển Đỏ cũng như nhà máy Trung Quốc đóng cửa dịp Tết Nguyên Đán

Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn là sự đứt gãy chuỗi cung ứng có khả năng khiến lạm phát bùng nổ trở lại.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) từng ước tính sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt dịch Covid-19 đã khiến lạm phát tăng 1 điểm phần trăm. Bởi chi phí vận tải hàng hải chiếm đến 7% chi phí hàng hóa và thậm chí lên đến 25% trong giai đoạn đứt gãy cung ứng nên khả năng lạm phát tăng cao là rất lớn.

Mặc dù vậy, chuyên gia Rhys Davies của Flint Global nhận định vụ việc lần này có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát do độ trễ thời gian.

Tết Nguyên Đán đắt đỏ vì hải tặc: Kênh đào Suez bị chặn đứng, cản trở 30% vận tải biển, nguy cơ lạm phát và hàng không kịp về bán trong đợt lễ - Ảnh 3.

Giá vận tải biển bắt đầu tăng sau vụ việc

"Thông thường sự đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải biển cần khoảng 12 tháng để ảnh hưởng đến giá cả trong nền kinh tế. Do đó nếu sự gián đoạn này bị giới hạn và giải quyết trong thời gian ngắn thì có lẽ lạm phát sẽ không bị ảnh hưởng nhiều", chuyên gia Davies đánh giá.

Dẫu vậy, việc giao thương qua kênh đào Suez bị ảnh hưởng cũng đang khiến nhiều chuyên gia lo lắng lịch sử sẽ lặp lại.

"Tình hình hiện nay đang gợi nhớ lại thời kỳ đại dịch và cuộc khủng hoảng kênh đào Suez khi bị tắc nghẽn", chuyên gia kinh tế James Smith của ING lo ngại.

*Nguồn: CNBC, The Guardian

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM