Trận chiến của những gã khổng lồ công nghệ: Khi cá lớn nuốt cá bé

02/12/2012 16:44 PM |

Google, Apple, Facebook và Amazon là những công ty phi thường. Thế giới chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ công ty nào phát triển và mở rộng với tốc độ nhanh như vậy.

Apple có nguồn vốn khổng lồ, chiếm đến 4,3% giá trị vốn hóa của tất cả các công ty trong chỉ số S&P 500 và 1,1% của thị trường chứng khoán thế giới. 425 triệu người đang sử dụng kho ứng dụng iTunes. Trong khi đó, Google là kẻ thống trị khó có thể bị đánh bại về mảng tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Có tới 3/4 trong tổng lượng smartphone được bán ra trên thế giới chạy hệ điều hành Android. 

Amazon thống lĩnh thị trường bán lẻ trực tuyến ở nhiều quốc gia và còn rất mạnh ở mảng điện toán đám mây. Còn đối với Facebook, nếu như cộng đồng sử dụng mạng xã hội này là 1 quốc gia, quốc gia ấy sẽ lớn thứ 3 thế giới. 

Cuộc cách mạng công nghệ mà những gã khổng lồ này thực hiện đã đem lại những lợi ích khổng lồ cho người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà làm luật cũng đang thắt chặt kiểm soát đối với những công ty này. 

Có vẻ như Google là công ty bị đe dọa nhiều nhất. Cả Ủy ban châu Âu (EC) và Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) đều thực hiện các cuộc điều tra với Google, nghi ngờ hãng đã bóp méo kết quả tìm kiếm để phục vụ cho mục đích cá nhân. Google cũng bị buộc tội sử dụng các bằng sáng chế để cản trợ sự cạnh tranh trên thị trường smartphone. Các nhà điều hành muốn Google thay đổi cách thức hoạt động. Cuộc tranh luận này có thể dẫn đến nhiều cuộc chiến pháp lý tốn kém. Và, rất có thể đây sẽ là trận chiến định hình nên xu hướng của Internet trong tương lai. 

Tại sao qui mô lại quan trọng? 

Có 3 xu hướng giúp các hãng công nghệ khổng lồ trở nên đầy quyền lực đối với người tiêu dùng. Thứ nhất, đó là xu hướng kẻ chiến thắng sẽ chiếm lĩnh mọi thứ. Mặc dù Microsoft đã rót khá nhiều tiền vào Bing, Google vẫn là công cụ tìm kiếm chiếm tới 2/3 thị phần ở Mỹ và gần 90% ở châu Âu. Facebook cũng giành được vị thế độc quyền về mạng xã hội. 

Do đó, nhiều người lo ngại rằng 4 gã khổng lồ này sẽ khai thác vị thế thống trị để dành lấy những lợi thế không công bằng. Đây cũng chính là lời buộc tội đối với Google. 

Thứ hai, các hãng này đều muốn “gói gọn” người tiêu dùng trong nền tảng hệ thống của riêng họ. Đây là hệ thống bao trọn các dịch vụ và ứng dụng trực tuyến sử dụng trên smartphone và máy tính bảng. Những hệ thống này có thể rất hấp dẫn. Apple bội thu với doanh số khổng lồ từ iPhone và gần như có thể điều khiển cuộc sống công nghệ của nhiều người. 

Tuy nhiên, người ta ngày càng lo ngại rằng Apple đang tạo nên những “khu vườn với những bức tường bao quanh”. Trong “khu vườn” ấy, người dùng khó có thể truyền tải nội dung từ hệ điều hành này sang hệ điều hành khác. 

Thứ ba, những công ty này cũng có thói quen thâu tóm những ứng viên tiềm năng ngay trước khi họ trở thành mối đe dọa sẽ cạnh tranh gay gắt với hãng. Amazon vừa thực hiện xong vụ phát hành trái phiếu trị giá 3 tỷ USD, thâu tóm những công ty nhỏ bé như Zappos – nhà bán lẻ giày dép trực tuyến đã từng có tham vọng cạnh tranh với Amazon. Facebook và Google cũng đã thực hiện nhiều vụ thâu tóm lớn (điển hình như thâu tóm Instagram và AdMob). 

Lâu nay, các nhà quản lý đã tập trung tấn công các “đại gia” công nghệ trên các lĩnh vực như tìm kiếm trực tuyến và thị trường e-book. Apple đang bị điều tra vì cách cư xử với một vài nhà xuất bản. Mục tiêu của các nhà làm luật là dập tắt những hành động không lành mạnh trên thương trường. 

Một số người phê phán rằng hành động của các nhà quản lý là quá yếu. Họ cho rằng Google nên được chia tách thành 2 công ty độc lập, tách bạch hoạt động tìm kiếm với các hoạt động khác. Tim Wu, giáo sư đến từ trường luật Columbia và hiện đang là cố vấn cho FTC, đã lập luận rằng những kẻ độc quyền như Apple và Google phải lựa chọn giữa 2 vị thế: hoặc là nhà cung cấp các nội dung số và sản xuất phần cứng, hoặc là người phân phối thông tin thông qua những thứ tương tự như điện toán đám mây. 

Tuy nhiên, có vẻ như ý tưởng này sẽ đem lại nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực. Việc ngày càng có nhiều người sử dụng các nền tảng của những hãng lớn cho thấy khách hàng sẵn sàng đánh đổi tính chất mở để đổi lấy sự tiện dụng. Hơn nữa, nếu như họ muốn thay đổi nhà cung cấp, chi phí không phải là vấn đề. Chỉ mất vài giây để họ có thể thay đổi bộ máy tìm kiếm hoặc nhà cung cấp dịch vụ âm nhạc. 

Những thành tựu mà các hãng đạt được là điều đáng khích lệ. Smartphone sử dụng hệ điều hành Android của Google đã vươn lên mạnh mẽ, từ vị trí số 0 trở thành kẻ thống lĩnh thị trường và vượt mặt cả iPhone. Máy tính bảng Kindle của Amazon đang đuổi theo iPad. Google+ cũng cạnh tranh với Facebook. Cách đây 8 năm, Facebook cũng chỉ là 1 công ty start – up nhỏ bé. 

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM