Người Trung Quốc sợ hàng... Trung Quốc

02/06/2014 07:41 AM |

Nhiều bậc phụ huynh thuộc thế hệ trẻ tại các thành phố lớn của Trung Quốc chỉ dùng hàng ngoại nhập thay vì hàng trong nước sản xuất để đảm bảo an toàn.

Một ngày của chị Scarlet Liu (ở Thượng Hải), bắt đầu bằng việc mặc cho cô con gái 1 tuổi của mình bộ quần áo thương hiệu của Mỹ; rồi làm đồ ăn sáng bằng một chiếc máy của Pháp và đưa con đi dạo bằng một chiếc xe đẩy của Hà Lan. 

Chị Liu, năm nay 31 tuổi, là một trong rất nhiều bậc phụ huynh thuộc thế hệ trẻ tại các thành phố lớn ở Trung Quốc chỉ dùng hàng ngoại nhập thay vì dùng hàng trong nước sản xuất. Họ nhận thấy: hàng ngoại tốt và an toàn hơn cho con cái họ. “An toàn là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Tôi không muốn con tôi phải sử dụng sản phẩm độc hại, không đúng tiêu chuẩn”, chị Liu nói.

Sữa công thức cho trẻ em nhập khẩu là sản phẩm được các ông bố, bà mẹ trẻ Trung Quốc rất ưa chuộng. Theo một thống kê mới đây, 3/5 sản phẩm sữa công thức bán tại thị trường sữa Trung Quốc (trị giá 9,6 tỷ USD) đều là sữa ngoại. Nhu cầu tăng chóng mặt đối với sản phẩm sữa công thức ngoại nhập bắt nguồn từ các vụ xì căng đan thực phẩm bẩn tại Trung Quốc, mà điển hình là vụ sữa chứa melamine hồi năm 2008 làm ít nhất 6 trẻ tử vong, nhiều trẻ mắc bệnh sạn thận.

Không chỉ thực phẩm, các mặt hàng khác như quần áo cũng bị nhiễm độc (mới nhất là vụ quần áo trẻ em ở Quảng Châu có chứa chất gây hại vượt mức cho phép) khiến người tiêu dùng Trung Quốc mất lòng tin vào hàng trong nước. Vì vậy, theo Tân Hoa Xã, đa phần người Trung Quốc hiện chuộng hàng ngoại nhập.

Chị Liu cho biết, ngoài mua các sản phẩm ngoại nhập ở trong nước, nhiều người thường tranh thủ nhờ người thân, bạn bè có cơ hội đi nước ngoài mua giúp đồ dùng hoặc đặt hàng trực tuyến. Sức mua của khách du lịch Trung Quốc đối với sản phẩm sữa công thức cho trẻ em lớn đến nỗi nhiều quốc gia phải đưa ra hạn mức cho phép đối với mỗi khách hàng khi mua sản phẩm này.

Tại trang web Taobao.com, trang mua bán trực tuyến nổi tiếng Trung Quốc, sản phẩm “xách tay” luôn trong tình trạng cháy hàng. Cũng vì có những sản phẩm chỉ được mua giới hạn nên đã xuất hiện một mô hình kinh doanh mới tại Trung Quốc có tên “dai gou” - mua thay mặt cho người khác hay mua hộ.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc chỉ ra rằng, giá trị các thỏa thuận “dai gou” năm 2013 vào khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 58,8% so với năm 2012. Bên cạnh các trang web trong nước, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đặt hàng trực tiếp qua các trang web nước ngoài, phong phú về chủng loại hàng hóa và giá cả.

Giáo sư Zhang Hongxia, chuyên gia nghiên cứu thói quen tiêu dùng tại Viện Nghiên cứu Guanghua thuộc Đại học Peking, cho rằng khi người dân ngày càng giàu có, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống càng tăng. Khi hàng trong nước không đem lại niềm tin cho người sử dụng, họ sẽ hướng sang các sản phẩm của nước ngoài. 

“Tiền để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Những sản phẩm nhập khẩu tốt và an toàn hơn cho sức khỏe nên được lựa chọn”, giáo sư Zhang Hongxia nhận định. Vị chuyên gia này cũng cho rằng giờ chỉ có những bậc phụ huynh có thu nhập thấp mới mua các sản phẩm dành cho trẻ em do Trung Quốc sản xuất. 

“Muốn lấy lại niềm tin của khách hàng, không có cách nào khác các nhà sản xuất Trung Quốc phải nâng cao chất lượng, tập trung vào các nhóm khách hàng và minh bạch hóa các sản phẩm”, giáo sư Zhang Hongxia nói.

Theo Đỗ Cao

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM