GM sẽ phá sản thêm 1 lần nữa ?

20/08/2012 20:13 PM |

Hãng xe hơi khổng lồ của nước Mỹ đang 1 lần nữa mất đi thị phần và gần như không thể phát triển sản phẩm thực sự có tính cạnh tranh cao trên thị trường Mỹ.

Cứu General Motors (GM) thoát khỏi cảnh phá sản là niềm tự hào của Tổng thống Obama. Đây là 1 điều tốt, bởi nếu Obama tái đắc cử, rất có thể ông sẽ phải ra tay cứu giúp GM 1 lần nữa. 

Chính phủ liên bang hiện đang sở hữu 500 triệu cổ phần GM, (tương đương với 26% cổ phần của công ty này).  Để có thể thu hồi lại số tiền đã bỏ ra, cổ phiếu của GM phải có giá 53 USD/cổ phiếu. 

Tuy nhiên, hiện nay, cổ phiếu của GM chỉ có giá xung quanh mức 20 USD/cổ phiếu, giảm so với mức 33 USD/cổ phiếu khi GM lên sàn vào ngày 17/11/2010. Như vậy, số cổ phần mà chính phủ đang nắm giữ chỉ có giá trị 10,1 tỷ USD, thấp hơn 16,4 tỷ USD so với giá trị ban đầu. 

Chính phủ Mỹ phải làm gì? Chính phủ không thể bán tháo tất cả số trái phiếu này bởi cứu GM là nhiệm vụ mang tính chất chính trị. Trong khi đó, giá cổ phiếu GM ngày càng lao dốc. Có vẻ như cho đến khi bầu cử kết thúc, GM sẽ không đến mức quá kiệt quệ. 

Tuy nhiên, theo xu hướng như hiện nay, rất có thể “thảm cảnh” trước đây sẽ lặp lại 1 lần nữa trước khi vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ kết thúc nhiệm kỳ. 

Đánh mất thị phần

Thời những năm 1960, GM chiếm khoảng 48,3% thị phần xe hơi và xe tải của nước Mỹ. Giờ đây, trong 7 tháng đầu năm nay, thị phần của hãng bị thu hẹp xuống chỉ còn 18%, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2011. 

Mất thị phần cũng đi kèm với mất đi lợi thế cạnh tranh về mặt chi phí sản xuất. Thậm chí, GM sắp bước đến ngưỡng không còn đủ nguồn lực để tự hồi sinh. Có thể lấy mẫu xe Chevy Malibu làm minh chứng cho điều này. 

GM đưa ra sản phẩm này, nhắm vào phân khúc xe gia đình có kích thích và giá cả ở mức trung bình. Các sản phẩm tương tự là Camry của Toyota và Accord của Honda. Năm 2011, phân khúc này chiếm 14,7% tổng thị trường xe hơi Mỹ và đã tăng lên mức 21,3% trong 7 tháng đầu năm 2012. 

Do đây là phân khúc chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường, hơn nữa Mỹ chính là “sân nhà” của GM, khó có thể tưởng tượng trong dài hạn GM sẽ sống sót như thế nào, trừ khi hãng có thể phát triển 1 sản phẩm nổi bật. 

Trong khi đó, công nghệ ô tô đã phát triển nhanh chóng đến nỗi chiếc xe hơi tốt nhất của 1 phân khúc thường là chiếc xe đời mới nhất. Vì vậy, các mẫu mới phải mạnh hơn những mẫu sẵn có trên thị trường. Nếu không, hãng sẽ bị mất thị phần trong 5 năm tiếp theo.

Về điểm này, GM đã thất bại bởi các mẫu Malibu đời mới không những không có cải tiến mà thậm chí còn bị “cải lùi”. 

Nếu theo dõi sát sao các tạp chí xe hơi, có thể thấy năm 2008, Chevy Malibu là mẫu xe nằm trong danh sách 10 mẫu xe tốt nhất năm được tạp chí Car and Driver công bố. Khi đó, mẫu xe này được chấm 187 điểm và đứng thứ 3, thấp hơn 6 điểm so với Accord của Honda – mẫu xe đứng số 1. Tuy nhiên, mẫu Malibu đời 2013 lại đứng bét trong bảng xếp hạng tháng 3/2012, bị đánh bại bởi mẫu Accord đời 2012. Thậm chí, mẫu xe này chỉ đạt 183 điểm, thấp hơn đời 2008. 

GM đạt được đỉnh cao vào năm 1965, khi chiếm tới 50,7% thị trường xe hơi nước Mỹ và thu về lợi nhuận sau thuế lên tới 2,1 tỷ USD. Khi đó, Volkswagen mới chỉ là “người tí hon” với doanh thu chỉ bằng 11% của GM. 

Giờ đây, tương quan giữa 2 hãng như thế nào ? Trong nửa đầu năm 2012, số lượng xe Volkswagen bán ra là 4,6 triệu xe, gần bằng với con số 4,7 triệu xe của GM. Tồi tệ hơn, doanh thu của  Volkswagen là 119,2 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với GM (hãng này chỉ đạt doanh thu 75,4 tỷ USD). 

Liệu GM có thể xoay ngược tình thế và cứu vãn số tiền 26,5 tỷ USD mà người nộp thuế ở nước Mỹ đã bỏ ra? 

Câu hỏi này có thể được trả lời bằng cách so sánh mẫu Malibu đời 2013 với mẫu Passat đời 2012 của Volkswage, giống như cách mà Car and Driver đã làm. Kết quả là, trong khi Volkswage xếp thứ nhất, GM nằm ở vị trí cuối cùng.  

Liên tục "trảm tướng"

Quan sát Martin Winterkorn và Dan Akerson, CEO của 2 hãng cũng là 1 cách trả lời. 

Tuy có bằng kỹ sư chế tạo máy, CEO Dan Akerson của GM cũng là Thạc sĩ kinh tế. Quan trọng hơn, vị trí cấp cao nhất mà Akerson từng đảm nhiệm lại là Giám đốc tài chính. Akerson cũng đã từng là CEO của General Instrument, Nextel và cuối cùng là XO Communications. Tuy nhiên, tất cả các công ty này đều phá sản vào tháng 6/2002. 

Đảm nhiệm vị trí CEO của GM lại chính là công việc trong ngành ô tô đầu tiên của Akerson. Thời gian gần đây, Akerson liên tục tuyển dụng mới và đi kèm với đó là sa thải những cán bộ cấp cao của GM với tốc độ chóng mặt.  

Trong khi đó, “người cũ” Martin Winterkorn lại là Tiến sĩ ngành động lực học và gắn bó cả đời với ngành công nghiệp ô tô.  Kết quả là, trong khi Dan Akerson đang bận rộn sắp xếp lại các vị trí trên “khoang lái” của con tàu GM đang chìm dần, Martin Winterkorn đang dần đưa Volkswage thống trị thế giới.   

“30 chưa phải là Tết”, mọi thứ vẫn chưa thực sự kết thúc đối với GM. Tuy nhiên, nếu như Tổng thống Obama tái đắc cử, ông nên bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc điều chỉnh gói cứu trợ thứ 2 dành cho GM. 

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM