Dấu chấm hết cho lao động giá rẻ ở Đông Nam Á?

07/12/2012 19:21 PM |

Người ta đang đặt câu hỏi liệu thời kỳ lao động giá rẻ - nhân tố hỗ trợ đáng kể cho sự bùng nổ kinh tế của khu vực Đông Nam Á – sẽ kéo dài đến bao giờ.

Hôm thứ 4 vừa qua (5/12), hàng nghìn người biểu tình xuống đường và làm tắc nghẽn giao thông tại thủ đô của Indonesia. Đây chỉ là một phần nhỏ trong làn sóng biểu tình của người lao động Đông Nam Á. Người ta đang đặt câu hỏi liệu thời kỳ lao động giá rẻ - nhân tố hỗ trợ đáng kể cho sự bùng nổ kinh tế của khu vực Đông Nam Á – sẽ kéo dài đến bao giờ.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đã khuyên khích các nhóm người lao động đòi hỏi họ phải được trả mức lương cũng như các phúc lợi ở mức cao hơn và được bảo vệ tốt hơn. Indonesia, Thái Lan và Malaysia gần đây đều đã nâng mức lương tối thiểu. Thậm chí, cả Singapore cũng đã có cuộc đình công đầu tiên trong vòng 26 năm. 

Đông Nam Á sẽ phải đấu tranh với chi phí lao động cũng như lạm phát tăng cao. Trong khi các nhà kinh tế cho rằng mức lương tăng lên sẽ không phá hủy năng lực cạnh tranh hay tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á, các nhà sản xuất lớn đều cho rằng điều này sẽ khiến dòng vốn đầu tư giảm mạnh. 

Lương tăng lên không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài mà còn gây lo ngại cho chính các doanh nghiệp trong nước. Nhóm vận động hành lang của các doanh nghiệp Indonesia gần đây đã gửi yêu cầu miễn trừ tăng lương cho các doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tăng lương. Trong khi đó, các chủ sử dụng lao động ở Malaysia cũng yêu cầu có thêm thời gian trước khi triển khai tăng lương. 

Supranee Siriarphanont, người đang sở hữu nhà máy sản xuất gốm ở tỉnh Lampang cho biết bà không muốn thuê thêm lao động bởi càng thuê nhiều lao động thì tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Với chi phí nhân công gần như tăng gấp đôi trong 2 năm vừa qua, số nhân công của bà đã giảm hơn 80% so với 8 năm trước. 

Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng các công ty cũng như nền kinh tế trong khu vực có đủ khả năng để chi trả mức lương cao hơn mà không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia. Trong khi mức lương tối thiếu tăng 44% nghe có vẻ lớn lao, những nhà xuất khẩu lớn nhất ở Indonesia hiện đang chi trả lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu. Thêm vào đó, lao động chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong chi phí sản xuất. Do đó, tăng lương sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến chi phí sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. 

Hơn nữa, chi phí nhân công cũng như chi phí khác (đất đai, điện) ở các nước Đông Nam Á đều thấp hơn nhiều so với ở Trung Quốc. 

Mặt khác, Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng tự nhận trong bối cảnh lợi thế về xuất khẩu ngày giảm đi, tăng lương chính là biện pháp giúp họ đạt được mục tiêu khác: xây dựng tầng lớp người tiêu dùng trung lưu để chuyển hướng nền kinh tế. 

Mô hình chính xác nhất mà các nước Đông Nam Á nên theo dõi sát sao và rút ra bài học kinh nghiệm chính là Trung Quốc. Lương tăng lên gần bằng mức lương ở Mexico khiến vị thế là công xưởng của thế giới bị đe dọa. Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc đang hướng đến nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu. 

Các nền kinh tế Đông Nam Á có thể nâng cao kỹ năng và lương của người lao động đến đâu sẽ là yếu tố quan trọng quyết định nền kinh tế nào sẽ có thể xây dựng lực cầu nội địa ổn định và tiếp tục phát triển. 


Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM