Cần cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn

30/03/2014 11:27 AM |

Có 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn thương mại, đó là: lỗ hổng thông tin, thiếu tài sản thế chấp và môi trường mở.

Những rào cản của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong tiếp cận nguồn vốn thương mại, một lần nữa, là chủ đề đối thoại công – tư của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình dương (APEC) ngày 27 – 28.3, tại Hà Nội. Những nguyên nhân được phân tích kỹ và đa chiều hơn, kèm với đó là những đề xuất cụ thể.

Vốn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ càng điêu đứng hơn khi phải đối diện với những cú sốc kinh tế vài năm trở lại đây.

Các học giả, nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong, ngoài khu vực châu Á – Thái Bình dương có mặt trong cuộc đối thoại do Bộ Công thương và Ban Thư ký APEC tổ chức, đồng thuận rằng, khó khăn lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ở việc tiếp cận nguồn vốn thương mại.

Trong hai ngày đối thoại, những rào cản giữa doanh nghiệp và nguồn vốn thương mại - không mới - nhưng đã được phân tích kỹ và đa chiều hơn. Theo Gs Andrew Terry, Đại học Sydney, Australia, có 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn thương mại, đó là: lỗ hổng thông tin, thiếu tài sản thế chấp và môi trường mở. Chúng dường như liên quan mật thiết với nhau.

Ông nói rằng, các tổ chức tín dụng không có thông tin cụ thể, xác thực về tiềm năng vay của doanh nghiệp. Ví dụ, các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát được việc góp vốn, đầu tư của doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn tới việc doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích. Tài sản thế chấp có thể giúp khắc phục lỗ hổng thông tin nhưng thiếu tài sản thế chấp lại là lý do phổ biến của việc doanh nghiệp bị các tổ chức tín dụng từ chối cấp vốn. Thành ra, nguồn vốn cho khởi nghiệp chủ yếu là vốn tự có, hoặc từ gia đình, bạn bè. Về môi trường mở, Gs Andrew Terry nhận xét, hạ tầng tài chính (gồm khuôn khổ thông tin, hợp đồng, giao dịch) và khuôn khổ pháp lý còn hạn chế và chưa thông thoáng.

Đây dường như là bối cảnh chung của 365 – 445 triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong thị trường mới nổi. Gs Andrew Terry dẫn số liệu cho biết, một nửa trong số 25 – 30 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức không tiếp cận được với các khoản vay thế chấp chính thức như thấu chi. Tình trạng của doanh nghiệp siêu nhỏ không chính thức còn tệ hơn, có tới 65 – 72% trong tổng số 245 – 315 triệu doanh nghiệp này không được tiếp cận tín dụng.

Ở nước ta, ngay tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa rõ ràng và thống nhất làm cho các tổ chức tín dụng bối rối khi xác định một doanh nghiệp có phải thuộc quy mô vừa và nhỏ hay không.

Một thống kê khác rất đáng chú ý. Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đinh Mạnh Hùng cho biết, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Năm 2013, có 65,2% doanh nghiệp trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn ngân hàng, trong khi năm 2012 có 57,3%. Trong số đó, 34,8% không có nhu cầu vay vốn. Trong những doanh nghiệp không vay vốn, có 40,5% lượt doanh nghiệp nêu lý do lãi suất cao, kinh doanh không đủ hiệu quả trả lãi; 21,1% cho biết do thị trường tiêu thụ thu hẹp; 18,6% doanh nghiệp đã tìm được kênh huy động vốn khác, và chỉ có 2,7% doanh nghiệp do có nợ xấu nên không vay được vốn.

Có cả những khó khăn từ phía các tổ chức tín dụng, bà Hà Thu Giang, đại diện của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ. Đó là tỷ lệ nợ xấu cao, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn trong khi nhu cầu vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu là dài hạn. Thêm vào đó, việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vay không hề dễ bởi thủ tục pháp lý kéo dài và sự chậm trễ của các cơ quan tòa án.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, ngành ngân hàng tiếp tục xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng ưu tiên của mình, nhưng nhấn mạnh, các giải pháp của ngân hàng chỉ hiệu quả khi nhận được sự phối hợp nhịp nhàng từ các bộ, ngành, hiệp hội và bản thân doanh nghiệp. Ông Sergio Arzeni, đại diện của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) gợi ý về một định chế tài chính công. Đây là kênh bổ sung về tài chính, chia sẻ rủi ro và giảm thiểu chi phí cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó là nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của cơ chế thị trường để mở rộng công cụ cho vay.

Từ thực tế giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tham gia tài chính thương mại của các nền kinh tế APEC, Ban quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc cho rằng, cần tạo điều kiện đầu tư tài chính trực tiếp mà không cần tín dụng hoặc thế chấp.

Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Đinh Mạnh Hùng có đề xuất tương tự. Theo đó, nên khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cường khả năng cho vay tín chấp. Doanh nghiệp cũng mong muốn có một Quỹ Bảo lãnh tín dụng và có nhiều hơn các thiết chế tài chính khác để hỗ trợ họ. Trong đó, các thiết chế do tư nhân thành lập là rất hiệu quả và cần được khuyến khích thông qua các ưu đãi khác nhau.

Gs Andrew Terry đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện kiến thức cũng như năng lực quản lý tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ khi được trang bị tốt hai yếu tố này, doanh nghiệp mới thực hiện được các đề xuất kinh doanh tiềm năng.


Theo Phan Diệp Anh

hangnt

Cùng chuyên mục
XEM